Ngày 14-5, có mặt tại chợ Bình Điền chúng tôi thấy nhiều tiểu thương thuộc chợ thịt An Lạc mới bắt đầu vận chuyển các vật dụng như: bàn, ghế, cân, thau chậu... Trong nhà lồng chợ nhìn còn khá "hoang sơ”. Một số tiểu thương đang tranh thủ kê thêm bàn, mắc bóng đèn... chuẩn bị cho việc kinh doanh bắt đầu vào ngày hôm nay.
Chưa sẵn sàng
Một cán bộ Phòng Kinh tế quận 5 cho biết sau ngày 15-5 quận sẽ tiến hành cải tạo lại các tuyến đường xung quanh chợ Trần Chánh Chiếu, tổ chức lực lượng chốt giữ, kiên quyết xử lý những trường hợp mua bán trái phép tại đây. UBND TP vừa chỉ đạo Sở Thương mại, Sở Kế hoạch - đầu tư không được cấp phép kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm trên các tuyến đường thuộc quận 1, 5, 6, 8, Thủ Đức và huyện Hóc Môn. Đồng thời các quận huyện giải tỏa dứt điểm các chợ tự phát gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị…Ông Trương Trung Việt cho biết cũng sẽ không cấp phép kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm thêm trong khu vực nội thành TP.HCM. |
"Ngày 12-5, chúng tôi mới được tổ chức cho bốc thăm nhận sạp nên chỉ có hai ngày chuẩn bị, quá cập rập", một tiểu thương cho biết. Trong khi đó hạ tầng phía nhà lồng chợ vẫn còn ngổn ngang gạch đá, ống cống thoát nước nằm vương vãi khắp nơi. Đường dẫn vào nhà lồng chợ thì gồ ghề, ngập nước mưa và đang được các công nhân của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn cho lót tạm bằng những tấm đan bêtông. "Thật tình, về kinh doanh trong lúc mặt bằng chưa hoàn chỉnh như thế này chúng tôi quá lo lắng. Đi lại, vận chuyển hàng hóa khó khăn như vậy chắc chắn khách hàng sẽ rất ngại vào đây" - chị N.T.K.H., một tiểu thương, tâm tư.
Theo ban quản lý chợ Trần Chánh Chiếu, chỉ có 163 hộ đăng ký dời về chợ đầu mối Bình Điền. Và đến thời điểm bốc thăm ô vựa thì chỉ có hơn 100 tiểu thương có mặt. Trong đó, số lượng tiểu thương kinh doanh mặt hàng gạo đông nhất, có 65/73 hộ đăng ký, kế tiếp là tiểu thương kinh doanh mặt hàng đậu, có 28/30 người đăng ký có mặt...
Các tiểu thương tại chợ Trần Chánh Chiếu cho biết không về chợ đầu mối Bình Điền mà đổi nghề hoặc thuê mặt bằng tại một số chợ khác để tiếp tục kinh doanh hàng nông sản thực phẩm. Cô Nguyễn Thị Quang, cửa hàng bán gạo số 77 Trần Chánh Chiếu, nói rằng mấy năm nay sạp gạo của cô Quang bán lẻ nhiều hơn bán sỉ. "Một ngày chỉ bán vài trăm ký gạo, tiền lời đủ đi chợ. Nếu phải dọn lên tới chợ Bình Điền thì vừa tốn tiền thuê mặt bằng vừa mất khách hàng".
Chị Nông Hồng Loan, một hộ kinh doanh khác ở chợ Trần Chánh Chiếu, cho rằng chủ trương của TP là đúng nhưng chị không biết ra chợ Bình Điền có bán được hay không. Một số hộ kinh doanh ở đây còn cho biết sẽ chuyển sang một số tuyến đường gần chợ Trần Chánh Chiếu để tiếp tục kinh doanh. Điều này vô hình trung tạo điều kiện một số khu vực, chợ nông sản thực phẩm tự phát tiếp tục phát sinh?
Giảm thuế nhưng vẫn lo!
Theo ông Hồ Phước Hải, phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, khu nhà lồng H có diện tích 16.000m2 với gần 500 ô vựa, quầy hàng đã thi công xong. "Hạ tầng bên ngoài đang được ban quản lý dự án của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đẩy nhanh tiến độ hoàn tất trong thời gian sớm nhất. Những bức xúc về thiếu phương tiện phục vụ kinh doanh của các tiểu thương chợ thịt An Lạc cũng đã được lãnh đạo của tổng công ty hứa giải quyết trong thời gian tới", ông Hải nói thêm.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ, ông Hải cho biết theo qui định của UBND TP, những hộ kinh doanh lâu năm, có mã số thuế, đóng thuế đầy đủ... được tính giá ưu đãi (giảm 50% so với giá thuê mặt bằng, chưa tính hệ số ngành hàng, hệ số vị trí). Giá thuê mặt bằng tại chợ Bình Điền hiện là 11 triệu đồng/m2 trong thời hạn 50 năm (chưa tính thuế VAT). Những hộ kinh doanh có diện tích dưới 15m2 sẽ được xem xét thuê mặt bằng theo giá ưu đãi, nếu diện tích kinh doanh từ 15m2 trở lên được tính toàn bộ theo giá ưu đãi và diện tích thuê tối đa là không quá 20m2.
Về phương thức thanh toán, tiền thuê mặt bằng có thể được các hộ kinh doanh trả một lần hoặc trả trước 30%, 70% còn lại được trả góp trong vòng bảy năm (tính lãi suất 8,4%/năm đối với tiền thuê chưa thanh toán). Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn cho rằng mức giá này tương đối cao. Ngoài việc thuê mặt bằng họ còn phải thuê nhà kho và phát sinh nhiều khoản chi phí khác so với mặt bằng kinh doanh tại chợ cũ (là nhà của mình). Chính vì lý do này, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ khẳng định sẽ không về chợ Bình Điền mà chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác hoặc phải dẹp tiệm.
Ông Tô Văn Liêm, giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ thực phẩm Hóc Môn), nói rằng đến chiều 14-5 đã có 15/29 hộ kinh doanh mặt hàng thịt tại ba chợ: Phạm Văn Hai, Bàu Nai, Hóc Môn được bàn giao nhận sạp tại đây. Các tiểu thương cũng tiến hành "khai trương" sạp hàng ngay trong tối 14-5.
Ông Trương Trung Việt, phó giám đốc Sở Thương mại, cho biết các tiểu thương về kinh doanh tại hai chợ thực phẩm Hóc Môn và chợ Bình Điền còn được xem xét giảm thuế trong những tháng đầu. Ngoài ra, theo Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, trong nửa tháng đầu tiên, tiểu thương về chợ không phải trả các khoản phí như: phí quản lý, phí thuê mặt bằng.