Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi ngành nông nghiệp bị tấn công…
10 | 09 | 2008
Cùng với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, hàng rào thuế quan và phi thuế quan lần lượt bị dỡ bỏ, thì xuất hiện ngày càng nhiều những ngành kinh tế bị đe doạ bởi hàng ngoại nhập. Mà ngành chăn nuôi heo là một điển hình.

Thời gian gần đây, nhập siêu của Việt Nam tăng vọt, khiến Chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp đặc biệt để kiềm chế nhập siêu. Vẫn có những ý kiến cho rằng, nhập siêu là không đáng lo, bởi chủ yếu là nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Thử điểm qua ngành thép. Với giá nhập khẩu phôi 850 USD/tấn, giá bán thép trong nước 18 triệu đồng/tấn, thì chỉ riêng phôi nhập khẩu đã chiếm 80% giá trị sản phẩm làm ra, nếu sử dụng hoàn toàn phôi nhập khẩu.

Hàm lượng Việt Nam trong sản phẩm càng thấp, thì sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam càng yếu trước những biến động thị trường thế giới…

Đặc biệt, những thông tin về những sản phẩm nông nghiệp – vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam – đang được nhập khẩu về, là tín hiệu cảnh báo chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại thực lực của nền sản xuất. Một nền sản xuất vốn quen với bảo hộ, có giá trị gia tăng thấp, lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, và giá thành cao.

Thử nhìn vào ngành chăn nuôi heo, giá thịt heo ngoại (gồm cả các chi phí nhập khẩu, vận chuyển…) mà vẫn được bán ra thị trường với giá 43.000đ/kg, trong khi giá thịt heo nội lên tới 69.000đ/kg là điều không thể chấp nhận với người tiêu dùng. Và không sớm thì muộn, thịt heo ngoại sẽ tràn về ngày một nhiều hơn, nếu ngành chăn nuôi trong nước không có những thay đổi căn bản để giảm giá thành. Tương tự, thịt gà nhập khẩu có giá chỉ bằng khoảng 2/3 giá thịt gà trong nước!

Việc duy trì những ngành kinh tế như vậy có cần thiết, và nếu cần thiết, chúng ta sẽ phải làm gì? Phân tích sâu hơn một chút, nếu lấy thống kê 1.4 của tổng cục Thống kê, Việt Nam sản xuất 1,6 triệu tấn heo hơi/năm. Nhân với giá heo hơi hiện hành (làm tròn số, quy đổi) thì giá trị của ngành chăn nuôi khoảng 4 tỉ USD. Trong khi đó, sáu tháng đầu năm đã phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 1,52 tỉ USD. Sáu tháng cuối năm sẽ phải nhập khẩu khoảng 1,5 tỉ USD nữa theo ước tính của hiệp hội Thức ăn chăn nuôi. Như vậy, một ngành kinh tế 4 tỉ USD, đã mất hơn 3 tỉ USD nhập khẩu. Hàm lượng Việt Nam trong sản phẩm chỉ khoảng 25% (nếu chỉ dựa trên số liệu trên), ở một ngành kinh tế vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam bởi sử dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên (lấy nông thuỷ sản làm thức ăn…), là điều… bất ngờ về nội lực của nền kinh tế.

Với ngành lúa gạo, cũng đã đến lúc cần xem xét lại thực lực, chứ không thể chỉ mãi dựa vào thiên nhiên màu mỡ, không chỉ vì thỉnh thoảng có những thông tin về gạo Thái Lan xâm nhập thị trường Việt Nam. Tám tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 2,2 tỉ USD gạo, thì đã phải nhập khẩu 1,2 tỉ USD phân bón. Tất nhiên, không phải tất cả phân bón nhập khẩu đều dùng cho trồng lúa, nhưng những số liệu trên chỉ ra rằng, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề “hàm lượng Việt Nam” trong sản phẩm xuất khẩu, như các chuyên gia kinh tế từng đề cập không chỉ xuất hiện ở những ngành gia công như dệt may, da giày… mà nó đã thâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế, đến tận lĩnh vực nông nghiệp.

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn

Xem tin gốc tại đây:
http://sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=40108&fld=HTMG/2008/0909/40108



Báo cáo phân tích thị trường