Kho dự trữ cho 4 triệu tấn lúa
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Năm 2009 cần xây dựng ngay hệ thống kho gạo". (Ảnh web CP) |
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2009 của Bộ NN-PTNT, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, năm vừa qua, các DN cả nước đã ký hợp đồng xuất khẩu 5,1 triệu tấn gạo, hiện đã giao 4,65 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm trước, lượng gạo xuất khẩu là tương đương nhưng giá trị tăng gấp đôi (năm 2007 chỉ đạt 1,4 tỷ USD).
Đại diện Hiệp hội Lương thực cũng nhận một phần trách nhiệm khi điều hành xuất khẩu gạo chưa hợp lý. Song, ông Phong cho rằng, tháng 4/2008 là thời điểm cao điểm của khủng hoảng thiếu lương thực. Tất cả các quốc gia đều hoang mang, chính Việt Nam cũng lúng túng. 6 tháng cuối năm (tháng 8/2008 trở đi) khủng hoảng thừa đến rất nhanh, và không ai ngờ từ thiếu sang thừa lại xoay chiều nhanh như thế.
Do vậy, theo ông Phong, giá gạo lên nhanh nhưng cũng giảm rất nhanh, trong khi giao dịch thương mại trên thị trường thế giới không phải kiểu mua đầu chợ bán cuối chợ nên tình thế không thể xoay chuyển kịp.
"Do vậy, điều hành của Chính phủ, các bộ là chỉ ngừng ký hợp đồng mới chứ không phải ngưng xuất khẩu - đó là điều hành đúng, phải hiểu chính xác vấn đề này. Lúc đó thế giới khủng hoảng thiếu gạo, nhiều quốc gia dừng hẳn xuất khẩu như Ai Cập, Ấn Độ... còn trong nước, vụ đông xuân 2007-2008 nguy cơ mất mùa do rét đậm, rét hại cận kề, giá cả lạm phát lớn", ông Phong lý giải.
Nhưng với giá gạo trắng bình quân của Việt Nam 10 tháng chỉ thấp hơn Thái 1USD (676USD) và từ tháng 11/2008 đến nay, giá gạo xuất khẩu cao hơn giá của Thái Lan từ 20-30USD - ông Phong nhận xét, đó là một thành công.
VFA dự báo, năm 2009 nông sản toàn thế giới sẽ được mùa. Hơn nữa, lượng tồn kho còn rất lớn, dự trữ cũng tăng nên các bộ, DN cần theo dõi sát tình hình. Kết hợp khủng hoảng và suy thoái kinh tế, thị trường nhập khẩu sẽ giảm. Xuất khẩu lương thực, nông sản chỉ có thể sáng sủa hơn vào 6 tháng cuối năm 2009.
"Năm 2009, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu 5 triệu tấn gạo. Hiệp hội đã lưu ý các DN thu mua lúa cho bà con với giá 3.000-4.000 đồng/kg và không khống chế ký mới hợp đồng xuất khẩu, trừ các hợp đồng giá quá thấp chúng tôi sẽ khuyến cáo", ông Phong khẳng định.
Tuy nhiên, hệ thống kho của các DN cả nước hiện chỉ dự trữ được khoảng 2 triệu tấn gạo. Theo ông Phong, việc mở rộng kho là rất khó bởi quỹ đất hạn hẹp, không giải phóng được mặt bằng, thủ tục phức tạp. Thực tế có DN làm kho mà gần 2 năm chưa giải quyết xong khâu thủ tục nên DN không thể theo nổi. Ông Phong kiến nghị, Chính phủ có cơ chế về thủ tục, cho vay vốn riêng cho chương trình mở rộng kho.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng đề xuất, không chỉ lo hệ thống kho ở Việt Nam mà tại nước ngoài, các DN muốn bán được hàng và chiếm lĩnh thị trường, không bị khách hàng ép giá cũng nên quan tâm xây dựng các kho ngoại quan.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói thêm, việc bỏ ra vài nghìn tỷ để xây dựng kho không quá khó nhưng cần có cơ chế điều hành thực hiện.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp ngay trong năm 2009 chỉ đạo xây dựng hệ thống kho dự trữ 4 triệu tấn lúa. Đến vụ thu hoạch, các DN cứ thu mua hết cho nông dân, đảm bảo bà con lãi 30%, sau đó mới tính toán xuất khẩu dần, tránh tình trạng bị ép giá.
Bộ NN-PTNT cần phối hợp với các địa phương lập một đề án về việc này. Ví dụ, tỉnh Tiền Giang xem xét cần có mấy kho trên địa bàn để quy hoạch đất đai, giải tỏa đền bù - đây là giải pháp đầu tiên tháo gỡ khó khăn cho từng mặt hàng. Việc xây kho cấp đông các DN thuỷ sản cũng cần tính toán, Chính phủ sẽ cho vay ưu đãi trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
Duy trì sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu
Xuất khẩu khó khăn buộc Bộ NN-PTNT phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu năm 2009 xuống còn 12,5 tỷ USD, so với 16,2 tỷ USD của năm nay (nông sản 8,4 tỷ USD, lâm sản và gỗ đạt 3 tỷ USD, thuỷ sản 4,5 tỷ USD), hụt 3,7 tỷ USD.
Trên thực tế, ngay với con số xuất khẩu nông nghiệp của năm 2008, tuy đạt chỉ tiêu và có thể coi là thắng lợi so với năm ngoái, nhưng nhiều chuyên gia nhận xét là thiếu bền vững, bởi các yếu tố sản xuất tiềm ẩn rủi ro và thị trường xuất khẩu bấp bênh. Vấn đề đặt ra là chỉ tăng trưởng ở mức vừa phải song cần bền vững qua các năm.
Ví dụ với mặt hàng cá tra, basa, ông Nguyễn Hữu Dũng nhìn nhận, sự phát triển quá "nóng" của con cá này năm 2008 trong khi chưa có cơ chế nắm bắt tình hình và điều hành, dẫn tới lúng túng nên chúng ta đã phải trả giá. Con cá này đầu tư ít, diện tích nhỏ (khoảng 6.000ha) mà hiệu quả cao (mang về 1,4 tỷ USD), nhưng phải đến hết quý I/2009, tình hình xuất khẩu mới được cải thiện.
|
Hiện năng lực dự trữ gạo của các DN chỉ được khoảng 2 triệu tấn. (Ảnh: VNN) |
Ông Dũng nhấn mạnh, cần có một cơ chế thông tin sát thực tế; đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, của DN và bộ máy Nhà nước. Chính phủ cũng cần dành một tỷ trọng thích đáng hỗ trợ trực tiếp cho các DN liên quan đến nông nghiệp trong gói kích cầu 1 tỷ USD.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém, tồn tại trong quy hoạch, chất lượng hiệu quả, ứng dụng KHCN... trong đó, có cả hạn chế trong điều hành, chỉ đạo. Thủ tướng yêu cầu cần kiểm điểm quyết liệt, chỉ ra những hạn chế, yếu kém để triển khai tốt hơn những nhiệm vụ năm 2009.
Với trọng tâm là tiếp tục ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng khoảng 6,5%, đảm bảo an sinh xã hội, trong 5 nhóm giải pháp mà Chính phủ tập trung thực hiện là tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu (miễn giảm thuế cho DN, hạ lãi suất, tìm thị trường)..., Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp theo hướng này cụ thể hóa hướng đi cho từng mặt hàng.
Ví dụ, với lúa gạo đặt ra mục tiêu thu mua hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân; thuỷ sản có lợi thế so sánh, cần phát huy, vấn đề môi trường nảy sinh thì phải tập trung xử lý.
"Vấn đề là phải có chính sách, điều hành cụ thể và cần thiết phải có sự liên doanh, liên kết chặt chẽ giữa các DN, giữa nông dân và DN. Hiện chúng ta có năng lực sản xuất, năng lực chế biến, vấn đề là giải quyết thị trường tiêu thụ, cả nội địa và xuất khẩu. Các Hiệp hội cũng cần đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho DN khi mở rộng, tìm kiếm thị trường", Thủ tướng lưu ý.
Ngoài ra, cần huy động tổng hợp các nguồn lực kích cầu, tăng vốn đầu tư. Hiện nay giá cả đang rẻ, vật tư, thiết bị rẻ, lãi suất ngân hàng giảm - đây là cơ hội để các địa phương đầu tư công trình nông nghiệp, hạ tầng nông thôn, xây dựng cơ bản...
Riêng vấn đề an sinh xã hội, hiện có 2 đối tượng: nông thôn, đồng bào nghèo và công nhân mất việc làm - cần được quan tâm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, phải thực hiện tốt các chính sách hiện hành về xoá đói nghèo và hỗ trợ nông dân, lưu ý 2 chính sách mới: đầu tư mạnh cho 61 huyện nghèo và xây 500.000 nhà ở cho hộ nghèo trong 2 năm, bình quân 20 triệu đồng/căn. Do vậy, cần xác định rằng: nông nghiệp duy trì được sản xuất cũng chính là giải phảp để đảm bảo an sinh xã hội.