Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khó tìm nguyên liệu mía
09 | 02 | 2009
Liên tục nhiều tháng qua, các nhà máy đường trong tỉnh rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu mía trầm trọng trong quá trình hoạt động. Một phần do sản lượng mía giảm, nguồn nguyên liệu cạn và khả năng các nhà máy sẽ kết thúc vụ sớm, không đạt sản lượng đường so với kế hoạch.

Năm nay, bà con trồng mía được giá, cho thấy sự ổn định của cây mía đối với vùng Hậu Giang. Đặc biệt cây mía hiện nay không còn sợ ế như trước. Đối với những hộ trồng mía có năng suất trung bình cũng có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha, có hộ lợi nhuận lên đến trên 50 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí, nhất là ở CLB 200 tấn.

* Thiếu nguyên liệu

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, từ đầu năm đến nay, Casuco chỉ ép trên 550.000 tấn với trên 50.000 tấn đường, trong khi kế hoạch phải 80.000 tấn nên rất khó đạt do thiếu nguyên liệu. Hiện nay, Nhà máy đường Vị Thanh chỉ hoạt động được nửa công suất, trong khi lúc cao điểm ép lên đến 4.000 tấn/ngày đêm, nhưng nay chỉ còn 1.700-2.000 tấn, còn Nhà máy đường Phụng Hiệp có khá hơn nhưng cũng thiếu mía. Đối với Nhà máy đường Vị Thanh, hiện tại chỉ ép làm sao đừng để thiếu bã là được vì phải còn tiêu thụ mía Vị Thanh, Long Mỹ (Hậu Giang), Gò Quao (Kiên Giang). Trong khi tình trạng thiếu mía dường như năm nào cũng gặp, nhưng năm nay lại trầm trọng hơn và chỉ đủ mía vào tháng đầu của vụ ép và tình trạng này kéo dài đến cuối vụ.

Do giá đường giảm, làm cho các nhà máy đường trong khu vực điêu đứng buộc phải tiết giảm giá mua mía. Trong khi giá đường hiện tại chỉ còn 7.800 đ/kg, giảm 800 đ/kg so với đầu vụ. Còn Casuco cũng giảm 3 lần bằng 30 đ/kg và người dân mới chia sẻ chỉ 300 đ/kg và 500 đ còn lại thì nhà máy vẫn gánh chịu. Trong khi vùng Vị Thanh, Long Mỹ chỉ còn khoảng 20-30% mía và tại Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng không khá gì hơn, nếu cầm cự chạy thì chỉ đến cuối tháng 3 là hết mía. Hiện nay, các nhà máy thống nhất quan điểm hết mía thì ngưng ép chứ không thể nâng giá mía. Nếu đẩy giá lên thì nhà máy thua lỗ sẽ không có tiền đầu tư và buộc chạy cầm chừng để lấy tiền trả lương công nhân duy trì sản xuất.

Ông Long cho rằng, vấn đề hiện nay là phải tăng năng suất, chất lượng mía. Nếu đủ sản lượng ép và giá thành chấp nhận được thì sức cạnh tranh sẽ nâng lên, còn tình trạng như thế này kéo dài thì các nhà máy đường sẽ rất mệt. Một thực tế hiện nay là các nhà máy ở ĐBSCL chen nhau mua nên không ai chú ý đến công tác khuyến nông cho vùng mía, nên đây cũng là một thiệt thòi lớn cho nông dân. Có nhiều nhà máy đường, nhưng là thiệt thòi cho nông dân vì không ai đầu tư vùng nguyên liệu. Như vùng nguyên liệu Phụng Hiệp nhưng lại không phải thuộc về Nhà máy đường Phụng Hiệp. Nếu Casuco có làm khuyến nông giúp nông dân nâng năng suất tăng lên, nhưng sản phẩm làm ra lại không thuộc về Nhà máy đường Phụng Hiệp mà các nhà máy khác đều vào mua được, nên công ty phải cân nhắc. Trong khi nhiều nhà máy chỉ mua dạng “ăn xổi ở thì” còn chuyện lâu dài của nông dân thì không thấy ai tính đến.

Những năm qua sự biến đổi diện tích không lớn, số liệu thống kê của tỉnh là 15.500 ha, nhưng qua sản lượng mía mua hàng năm thì diện tích thực tính luôn cả mương chỉ từ 11.000-12.000 ha. Sản lượng mía thực tế mua hàng năm của Casuco và các nhà máy khác trong khu vực, kể cả các lò thủ công chỉ từ 800.000-900.000 tấn. Diện tích và sản lượng như trên mà năng suất đạt khoảng 70-80 tấn/ha là rất thấp. Như vậy, sản lượng 800.000 tấn, năng suất 80 tấn/ha và diện tích trên 11.000 ha là hợp lý nhất. Từ con số này mới nhìn thấy được thực trạng hiện nay là 3 nhà máy đường trong tỉnh thiếu mía ép trầm trọng là điều không thể tránh khỏi. Riêng 2 nhà máy của Casuco phải ép từ 900.000 - 1 triệu tấn/năm và Nhà máy Long Mỹ Phát cũng chiếm trên 300.000 tấn/năm, chưa kể các nhà máy ngoài tỉnh đến mua từ đầu vụ. Như vậy, tỉnh phải có khoảng 1,5 triệu tấn mới đủ mía cung cấp cho cả khu vực mà chủ lực là 3 nhà máy trong tỉnh. Trong khi mía hiện tại chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu công suất, nguyên liệu của nhà máy. Theo quan điểm của Casuco, muốn cạnh tranh được với bên ngoài thì nhà máy ép phải với sản lượng cao thì chi phí mới rẻ được, còn hoạt động cầm chừng thì chi phí sẽ nâng lên, sức cạnh tranh thấp. Điều tiên quyết là nhà máy phải chạy đủ sản lượng, công suất để giảm giá thành thì mới mua mía với giá có lợi cho người nông dân.

* Cần tăng năng suất, chất lượng mía

Mặc dù nhà máy có cải tiến công nghệ để giảm giá thành, nhưng tỷ lệ giảm đó cũng không bằng sản lượng hụt, nên ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất. Nếu chất lượng tốt thì sức cạnh tranh mới cao và giá thành sản xuất mới rẻ. Dù nông dân bán giá có thấp hơn hiện tại, nhưng thu nhập vẫn ổn định, thì người dân mới tiếp tục duy trì trồng mía và ngành đường mới có nguyên liệu rẻ để cạnh tranh được. Diện tích hiện nay không cần mở rộng vì tiềm năng năng suất còn rất lớn và phấn đấu nâng lên mức trung bình 150 tấn/ha là không phải khó.

Ông Long cho rằng, tại sao ngành nông nghiệp không đặt chỉ tiêu tăng năng suất mía từ 80 lên 150 tấn/ha mà ngành nông nghiệp có thể làm được. Năng suất tăng vừa giải quyết sản lượng cho nhà máy, vừa nâng mức thu nhập cho nông dân trồng mía. Trong khi đó, Thái Lan năng suất đã đạt trên 120 tấn/ha, còn năng suất mía của mình thì còn rất thấp. Ngoài năng suất, chất lượng mía cũng cần phải chú ý. Vì hiện tại có hộ đạt 12-13 CCS, nhưng bình quân cả tỉnh chỉ mới 8-9 CCS, mà mình hoàn toàn có thể đẩy lên trên 10 CCS. Nếu tăng được 20% thì đồng nghĩa với tăng giá trị của cây mía, vì nhà máy mua theo CCS nên nông dân sẽ được lợi. Trong khi đây là mặt hàng ổn định, tỉnh cũng như ngành nông nghiệp cần mạnh dạn dồn sức tăng năng suất, chất lượng để giải quyết thu nhập cho nông dân và ngành mía đường trong tỉnh.

Do có năng suất, chất lượng nên đường Thái hàng năm sản xuất vượt trội so kế hoạch tiêu thụ, tiêu dùng trong nước hay bán thông qua hiệp thương thương mại chính thống. Nhiều năm qua, sản lượng đường của Thái Lan luôn “cung vượt cầu” buộc các nhà máy không thể tồn kho dự trữ mà phải bán ra bên ngoài, nhưng không phá giá trong nước và các thị trường ký hợp đồng thương mại. Thậm chí đường bán sang các nước không có hợp đồng thương mại còn thấp hơn giá thành sản xuất qua các con đường tiểu ngạch, trong đó có Việt Nam. Trong khi đường Trung Quốc giá bán buôn 14.000 đ/kg, ngoài thị trường bán lẻ là 19.000 đ/kg, gấp đôi so với Việt Nam. Còn tại Thái Lan, đường có giá 16.000 đ/kg, nhưng khi sang Việt Nam chỉ bán 6.000-7.000 đ/kg, làm ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ đường trong nước.



Nguồn: Báo Hậu Giang
Báo cáo phân tích thị trường