Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giao lưu trực tuyến “Thị trường lúa gạo Việt Nam và thế giới”
19 | 02 | 2009
Nhận lời mời của viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giáo sư C. Peter Timmer, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về thị trường lúa gạo, đã có buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Thị trường lúa gạo Việt Nam và thế giới” vào lúc 8g sáng nay 18.2.2009 tại toà soạn Sài Gòn Tiếp Thị.

Giáo sư C. Peter Timmer, từng giảng dạy trên 40 năm tại các đại học Harvard, Stanford, Cornell, California và là chuyên gia cao cấp tại trung tâm hội nhập toàn cầu - cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách nổi tiếng của Hoa Kỳ. Tham gia buổi giao lưu còn có tiến sĩ Võ Hùng Dũng, giám đốc phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ. Hai chuyên gia này sẽ giải đáp thắc mắc và đưa ra những tư vấn, gợi ý về ngành hàng lúa gạo.

Buổi giao lưu này nằm trong chuỗi sự kiện của Hội thảo về triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2009 (sẽ diễn ra vào ngày 24 – 25.3, tại khách sạn Rex, 141 Nguyễn Huệ, Q.1, báo Sài Gòn Tiếp Thị bảo trợ thông tin).

Lúa gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Chỉ tiêu xuất khẩu gạo 2009 của Việt Nam sẽ vào khoảng 4,5 – 5 triệu tấn, kim ngạch khoảng hai tỉ USD. Những năm gần đây, an ninh lương thực là vấn đề cả thế giới quan tâm, nhất là sự kiện sốt gạo năm ngoái khi giá gạo được đẩy lên trên 1.000 USD/tấn. Theo dự báo của Tổ chức lương nông Liên hiệp quốc, lúa gạo vẫn trong xu hướng tăng giá trong những năm tới.

Định vị gạo Việt Nam trong cấu trúc thị trường gạo thế giới? (Lê Thị Ngọc Dung)

Giáo sư C. Peter Timmer

Giáo sư C. Peter Timmer: Hiện tại Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới chỉ sau Thái Lan. Nhưng hàng thứ hai này quá cách xa nhiều điểm: năng lực xuất khẩu chỉ 5 triệu tấn so 10 triệu tấn của Thái Lan nhưng giá lại rẻ hơn Thái Lan. Gần đây, Việt Nam bắt đầu chiếm thị phần của Thái Lan tại Ấn Độ và Pakistan, một nước xuất khẩu gạo chất lượng thấp chủ yếu đi Trung Đông, châu Phi. Để phát huy những lợi thế này, Việt Nam cần phải đầu tư vào ba lĩnh vực quan trọng. Thứ nhất, tăng sản lượng đối với các nông hộ nhỏ bằng cách đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất của nông hộ để có đủ hàng hoá. Thứ hai là hiện đại hoá thị trường gạo Việt Nam bằng cách khuyến khích thâm nhập vào thị trường nội địa và quốc tế, đặc biệt thông qua sự đa dạng về chủng loại và chất lượng xay xát và tồn trữ cao (hệ thống siêu thị đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hoá này). Thứ ba, Chính phủ cần có những chính sách tốt hơn cho ngành sản xuất gạo trong nước. Những chính sách này cần phải cân bằng những lợi ích chính trị ngắn hạn của chính phủ và quyền lợi của nông dân và những người kinh doanh gạo để duy trì khả năng cung cấp cạnh tranh vào thị trường gạo thế giới. Phải là nhà xuất khẩu gạo chất lượng cao và đáng tin cậy mới là yếu tố quan trọng trong tương lai của ngành gạo Việt Nam.

TS. Dũng: Từ năm 1989 đến 2008 thì VN đã xuất khẩu 65 triệu tấn gạo và khẳng định được tư thế của VN trên thị trường gạo ở loại phẩm cấp trung bình VN cũng đã thử nghiệm việc xuất khẩu gạo có phẩm chất cao như gạo thơm nhưng chưa thành công. Thị trường gạo của VN tuy đa dạng nhưng hiện nay chính là châu Á, nhiều nước nhập khẩu gạo VN đã quen và ưa thích trong sử dụng. Những loại gạo nói trên cũng phù hợp với hệ thống canh tác của ĐBSCL ngắn ngày, năng suất cao. Đây là điểm mạnh đã được khẳng định VN cần duy trì. Do đất canh tác hẹp nên cần chú ý đến năng suất cao, vòng quay nhanh, thời vụ gieo trồng ngắn chính yêu cầu trong nước định hình chiến lược xuất khẩu gạo của VN.

Nếu phân tích theo chuỗi giá trị, Việt Nam cần làm gì để có một nền nông nghiệp công nghệ cao? Số liệu thống kê cho thấy, tuy xuất khẩu gạo nhiều, nhưng Việt Nam cũng nhập khẩu đầu vào cho nông nghiệp khá cao như phân bón, thuốc trừ sâu... Tính ra trong chuỗi cung giá trị, người nông dân đang tạo ra giá trị gia tăng khá thấp, cộng thêm với diện tích đất nông nghiệp trên bình quân đầu người thấp, nên họ khó cải thiện thu nhập. Và lúc đó, không thể tăng khả năng tích tụ ruộng đất để có lợi thế quy mô. Vòng luẩn quẩn đó sẽ được giải quyết bằng chính sách như thế nào? (Mạc Vy)

TS. Dũng: Chuỗi giá trị gạo là một chuỗi giá trị rất lớn trong phạm vi toàn quốc không chỉ liên quan đến những người nông dân trồng lúa mà còn liên quan đến hệ thống dịch vụ, cung cấp các dịch vụ cho phân bón, thuốc trừ sâu các nhà phân phối, hệ thống, cơ sở hạ tầng, năng lực hoạt động của các hiệp hội liên quan đến người nông dân trồng lúa, nhà chế biến, nhà xuất khẩu... Tổng thể đây là vấn đề rất lớn của quốc gia. Chúng ta cần phân tích từng điểm yếu trong hệ thống chuỗi đó là gì để có các biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh toàn chuỗi, hiện nay chưa có phân tích nào về chuỗi giá trị về ngành lúa gạo ở VN mà chỉ có một số phân tích nhỏ về chuỗi giá trị xuất khẩu gạo. Nói đến chuỗi là nói đến năng lực cạnh tranh của cả ngành hàng liên quan đến nhiều dịch vụ, hoạt động. Nên có những dự án lớn nghiên cứu về chuỗi giá trị của gạo, nếu chưa được như vậy thì cũng nên có một nghiên cứu về chuỗi giá trị gạo ở ĐBSCL. Từ những phân tích mới có thể những đề xuất xác đáng. Để có nền nông nghiệp cao cần có đầu tư lớn cho nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ nông nghiệp và chính sách để khuyến khích đầu tư cũng như nâng cao trình độ của những người nông dân tham gia. Các địa phương nên có những mô hình nhỏ khuyến khích các vườn ươm công nghệ chế biến những sản phẩm nông nghiệp.

Xin hỏi GS. Timmer và TS Dũng, nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa, vừa được mùa lại được giá. Vậy nông dân bán lúa thời điểm này có hợp lý không? vì nhiều người cho rằng giá có thể tiếp tục lên. (Nguyên Khải)

TS. Dũng: Nếu đúng như bạn đã nhận định vừa được mùa vừa được giá thì đây là thời điểm tốt để bán. Vẫn có những nhận định giá gạo trên thị trường quốc tế sẽ còn tăng nhưng vẫn có những công ty mua gạo của VN cho rằng do thời vụ của VN và vụ mùa này đang trúng nên họ muốn có giá cạnh tranh hơn. Các hợp đồng mà VN đã ký cũng có số lượng khá lớn nên việc giảm giá xuất khẩu khó xảy ra. Việc quyết định bán vào lúc nào là hành vi của mỗi doanh nghiệp. Với người nông dân cũng vậy, không ai có thể đưa một lời khuyên đảm bảo đâu là thời điểm tốt nhất mà chỉ có thể cung cấp thông tin. Thị trường luôn có rủi ro. Những người có thông tin tốt sẽ có những quyết định chính xác.

Người ta nói rằng khủng hoảng giá gạo vừa qua một phần do các nước sử dụng lương thực làm nhiên liệu sinh học, và cách khắc phục khủng hoảng là ứng dụng rộng rãi công nghệ biến đổi gene, nhưng còn có các ý kiến khác nhau về vấn đề này. Quan niệm của các nhà khoa học Hoa Kỳ như thế nào? (Ngọc Ngân)

Giáo sư C. Peter Timmer: Các nhà khoa học Mỹ cho rằng có một liên kết tiềm năng giữa phát triển thành công các giống biến đổi gene (GM) và phát triển hiệu quả nhiên liệu sinh học. Không một nhà khoa học nào tin rằng Mỹ vừa đạo đức và vừa có hiệu quả kinh tế mặt hàng bắp làm nguyên liệu cơ bản cho ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học ethanol, bởi vì tác động của giá lương thực trên thế giới. Không thể chấp nhận được khi buộc những người nghèo cạnh tranh kiếm lương thực với những ông nhà giàu đi xe hơi của Mỹ.

Giải pháp mà nhiều nhà khoa học nghĩ là phát triển kỹ thuật GM mới ở hai lĩnh vực. Thứ nhất, chúng ta cần kỹ thuật để đem lại những giá trị cao, không chỉ là trồng mía để rồi chưng cất thành cồn rượu. Có rất nhiều dự án thử nghiệm đầy hứa hẹn trong lĩnh vực này, nhưng chưa có kỹ thuật nào được thương mại hoá cả.

Thứ hai, nhiều người cho rằng công nghệ GM có thể tăng sản lượng nông sản nhưng tiết kiệm nguồn nước để làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm sinh học. Nhiều nghiên cứu được tiến hành trong lĩnh vực này nhưng chưa có đột phá nào để công bố. Vì những lo ngại về môi trường của công nghệ GM và những quy định rõ ràng trước khi chấp nhận những tiến bộ trong lĩnh vực này. Tiềm năng của những vụ mùa ứng dụng công nghệ GM ít nhất phải mất vài thập kỷ nữa mới thành hiện thực.

Ý kiến riêng của tôi là nhiên liệu sinh học chỉ đóng một vai trò nhỏ trong việc giải quyết vấn đề năng lượng bền vững. Thay vào đó, nắm bắt hiệu quả năng lượng mặt trời nhất là khi hệ thống lưu trữ điện đã phát triển vượt bậc. Đây sẽ là giải pháp rẻ tiền để thay thế nhiên liệu hoá thạch trong tương lai.

TS. Dũng

TS. Dũng: Điều bạn vừa đề cập chỉ là một trong nhiều nguyên nhân làm giá gạo tăng vọt trong thời gian qua. Nguyên nhân chính làm cho giá gạo tăng vọt là nguồn cung gạo từ các quốc gia đang trên đà công hiệp hoá như Ấn Độ giảm sút. Tại các quốc gia này một phần đáng kể diện tích trồng lúc đã chuyển sang sử dụng khác. Thành quả của cuộc "Cách mạng xanh" ở Ấn Độ của thập niên 60 thế kỷ 20 đã làm cho sản lượng lúa gạo tăng vọt trong nhiều năm, làm cho nhiều quốc gia lơ là trong chính sách với nghành lúa gạo. Việc giá lúa gạo suy giảm liên tục cũng làm cho những người nông dân trồng lúa không quan tâm đến việc gia tăng năng suất, đó là những nguyên nhân chính việc sử dụng thực phẩm lương thực làm giảm thêm nguồn cung chỉ là một phần, vào lúc người ta thấy lúa gạo dự trữ, sản lượng sản xuất đang giảm sút, một số quốc gia trên thế giới đã phản ứng một cách quá đáng hoặc nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để nhập khẩu cho quốc gia, như Philippin. Nhiều quốc gia khác lại lo lắng an ninh lương thực nên đã cấm xuất khẩu gạo (như Ấn Độ) chính những yếu tố này đã làm gia tăng thêm cơn hoảng loạn đẩy giá tăng vọt có lúc hơn 1.000USD/ tấn.

Khi người ta bình tĩnh lại, đánh giá lại nguồn cung từ các kho dự trữ thì thấy rằng không đến mức thiếu hụt nghiêm trọng như vậy. Nhu cầu nhập khẩu giảm, các nước đó trước đó đã từng cấm xuất khẩu quay lại cho xuất khẩu thì giá gạo lập tức giảm xuống hơn một nữa. Nhu cầu về nhiên liệu sinh học vẫn đang gia tăng. Dầu hoả mặc dù hiện nay đang ở giá thấp nhưng tương lai nó cũng vẫn tăng trở lại, để tránh đụng đến vấn đề lương thực nhiều nước đang tìm kiếm từ những loại cây khác thay cho lương thực, nhưng chắc chắn khi giá lương thực giảm giá dầu tăng thì người ta cũng sẽ quay lại sử dụng lương thực bằng nhiên liệu sinh học. Với những nước nhập khẩu gạo giá gạo tăng là tai hoạ thì với những nước xuất giá gạo tăng sẽ giúp cho nông dân giữ nhịp độ sản xuất. Đây là một vấn đề cân bằng trên thị trường khi giá cả thay đổi, người ta sẽ có những quyết định có lợi cho mình.

Xin Tiến Sĩ Dũng cho biết liệu mô hình nông trang (farm) với chủ nhân nông trang sở hữu diện tích ruộng lúa không giới hạn có là giải pháp tốt hơn kiểu manh mún xé nhỏ ruộng đồng cấp phát cho nông dân như áp dụng ở nước ta không, vì chỉ có trang chủ mới có tài lực đầu tư giống/phân bón/thuốc trừ sâu bệnh, quản lý sản xuất & kinh doanh hiệu quả, chủ động trong tổ chức phân phối & tự tìm lối ra xuất khẩu, và nhất là bảo đảm số lượng lớn hơn đồng nhất về chất lượng, hình thành nhiều thương hiệu riêng cho doanh chủ cũng như chủng loại lúa gạo Việt Nam? (Hoàng Hữu Phước)

TS. Dũng: Với diện tích manh mún sẽ rất khó để áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm gia tăng năng xuất, đặc biệt là không kiểm soát được chất lượng và nguồn gốcsản phẩm. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để tiêu thụ sản phẩmkhông chỉ với ruộng lúa mà với nhiều loại cây trồng khác. Những yếu tố này là hạn chế lớn việc gia tăng năng xuất và đưa san phẩm nông nghiệp VN ra thị trường nước ngoài . Hiện nay, hạn điền cũng đã cản trở lớn đến việc tích tụ ruộng đất và việc hình thành các trang trại quy mô. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần có thêm những phân tích ở VN bởi lịch sử từ trước tới nay người nông dân đã quen với mảnh ruộng của mình, họ rất khó chuyển giao cho người khác để rồi chuyển sang làm thuê. Một sự thay đổi nhanh có thể gây ra những biến đổi về cấu trúc văn hoá ở nông thôn và người ta cũng chưa biết khi cấu trúc văn hoá đó bị phá vỡ thì những hậu quả gì xảy ra có thể là sau một vài thập kỷ nữa khi con cái của những người nông dân được học hành nhiều hơn và họ chuyển sang những hoạt động sản xuất kinh doanh khác thì mô hình các nông hộ diện tích nhỏ sẽ thay đổi .Ở nhiều nước cũng đã xảy ra tình trạng sau một vài thập kỷ phát triển thì những người thanh niên ở nông thôn không còn tha thiết với nông nghiệp họ bỏ lên thành phố, chỉ còn những người lớn tuổi mất sức lao động ở lại, nông thôn nông nghiệp khi đó lại đứng trước một vấn nạn khác. Nói chung vấn đề đối với nông nghiệp nông thôn là cực kỳ phức tạp trong thời kỳ chuyển đổi không có gì là chắc chắn thay thế mô hình nông hộ nhỏ bằng trang trại với quy mô lớn trong nông nghiệp hiện nay là sẽ mang lại một kết quả tốt đẹp. Việc có một vài trang trại quy mô lớn thử nghiệm trong lúc này là cần thiết để khuyến khích những nhà kinh doanh trong nông nghiệp. Vấn đề này liên quan đến chính sách của Chính phủ khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp.

Xin hỏi ông Timmer, vào thời điểm này ông dự báo thế nào về giá gạo thế giới từ nay đến hết năm 2009. Đức Tâm, Long Xuyên, An Giang (ductam)

Giáo sư C. Peter Timmer: Giá gạo thế giới như thế nào từ đây đến cuối năm 2009? Tuỳ theo thị trường, dự đoán tốt nhất cho giá gạo tương lai chính là giá gạo hiện tại bởi vì nó phản ánh tất cả những thông tin có sẵn để những đối tác tham gia thị trường có thể mua hoặc bán hàng.

Bạn có tin vào khả năng của thị trường không? Tôi cũng không tin! Việc dự đoán giá tương lai rất khó khăn và thường là sai, đơn giản là chúng ta không có thông tin về tương lai. Vì thế dự đoán của tôi về giá gạo thế giới vào cuối năm 2009 sẽ là bằng với giá gạo hiện nay , có lẽ khoảng 430 USD/tấn đối với loại gạo 15% tấm, giá FOB tại TP.HCM.

Tôi cho rằng đây không phải là câu trả lời thực sự. Vì những bất ổn mà giá gạo có thể sẽ cao hơn một chút vào cuối năm, chắc là khoảng 500 USD/tấn. Điều bất ổn lớn nhất mà tôi đưa vào dự đoán là những gì đang xảy ra đối với nền kinh tế thế giới. Nếu giá tiếp tục rớt, giá gạo sẽ rất khó để tăng lại. Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy thoái như thế này trong suốt năm 2009, tôi cho rằng giá gạo rớt xuống mức khoảng 300 – 350 USD/ tấn.

Xin hỏi TS Dũng, các doanh nghiệp VN dựa vào kênh thông tin nào để biết xu hướng giá cả và làm cách nào để đạt được những hợp đồng có giá trị cao mà không bị “hớ” Thanh Phúc, Q.5, TP.HCM (thanhphuc)

TS. Dũng: Các công ty kinh doanh lúa gạo thường tham khảo giá từ các bản tin từ hãng Reuters và cũng tham khảo thêm các bản tin của bộ nông nghiệp Mỹ, FAO và viện lúa quốc tế IRRI. Trung tâm thông tin của viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong nỗ lực mới nhất sẽ cung cấp tin tức thị trường và phân tích xu hướng thay đổi bao gồm giá quốc tế và giá trong nước. Bạn cũng phải thường xuyên theo dõi thêm các số liệu của bộ Nông nghiệp về tình hình sản xuất và cung cầu trong nước để quyết định trạng thái kinh doanh của mình. Bạn cũng nên lưu ý đến các hội nghị quốc tế về lúa gạo. Tháng 3 này sẽ có hội nghị phân tích thị trường gạo ở VN được tổ chức tại TP.HCM, bạn nên đến tham dự.

Bạn cũng phải lập hồ sơ dữ liệu cho mình và thường xuyên phân tích. Việc để có được những hợp đồng giá trị cao, không bị hớ là thuộc bản lĩnh kinh doanh, nhiều thông tin tham khảo và năng lực phân tích của bộ máy để tránh được cú "hớ " chết người.

Chào ông Timmer! Với một quốc gia có hơn 80 triệu dân thì vấn đề an ninh lương thực sẽ như thế nào? giả định khi thị trường tăng giá gạo, bài toán nào cho Việt Nam giữa vấn đề tích lũy và bán hàng trên thị trường (thuthuy)

Giáo sư C. Peter Timmer: Vấn đề an ninh lương thực có 3 giá trị. Ở mức độ toàn cầu, có đủ lương thực để đáp ứng cho dân số đang tăng hay không là một giá trị. Ở mức độ quốc gia, có sản xuất đủ lương thực cho người dân nước đó hay không. Và ở mức độ hộ gia đình, mỗi người kể cả người nghèo, có đủ lương thực cho nhu cầu dinh dưỡng hay không.

3 giá trị trên kết nối với nhau trong một đất nước bằng những phương cách sau. Nhiều nông hộ nhỏ sản xuất gạo và phụ thuộc vào giá gạo để có thu nhập. Cùng lúc đó nhiều hộ gia đình nghèo phải mua gạo từ thị trường do đó họ phụ thuộc vào giá gạo thấp để có lương thực tiêu dùng. Còn quốc gia đó phụ thuộc vào thị trường thế giới để có ngoại tệ và cung cấp cho nông hộ, nhưng lại rất dễ bị tổn thương khi giá trên thị trường thế giới thay đổi.

Giải pháp để Việt Nam bảo đảm được an ninh lương thực cho chính mình là nhận ra mối quan hệ qua lại giữa 3 giá trị đó và chuẩn bị cho những bất ổn không thể tránh khỏi trên thị trường gạo thế giới. Điều này đòi hỏi phải có cách bảo vệ cho những hộ nghèo bị thiếu hụt gạo (vì thiếu tiền mặt) khi giá gạo tăng vọt. Cùng lúc đó, những nông hộ thừa gạo cần phải tiếp cận với giá cao để tăng thu nhập (tăng tiết kiệm dự phòng cho những lúc giá gạo rớt xuống thấp). Vì thế tách rời thị trường thế giới là sai lầm.

Mô hình sản xuất khác biệt giữa các vùng ở Việt Nam sẽ làm phức tạp vấn đề an ninh lương thực. Có đủ gạo để ăn là vấn đề không khó khăn lắm đối với đồng bằng sông Mê Kong hay đồng bằng sông Hồng nhưng những hộ gia đình ở vùng miền núi gặp rất nhiều khó khăn: nghèo, gạo không có sẵn. Cần xây dựng chính sách tốt hơn về tồn trữ và mua bán gạo cũng là cách gia tăng an ninh lương thực bền vững.

An ninh lương thực lâu dài đương nhiên không phải do giá gạo quyết định mà do thu nhập thật sự của những hộ nghèo quyết định. Đa số những hộ này vẫn phụ thuộc vào giá trị sản xuất nông hộ. Vì thế tương lai thành công của an ninh lương thực Vuệt Nam phụ thuộc vào đầu tư nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Gạo không phải là sản phẩm thương mại thuần tuý, nó còn mang ý nghĩa chính trị (an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo công ăn việc làm và đời sống bộ phận dân cư (nông dân) rất lớn ở nhiều quốc gia). Vậy đâu là sự khác biệt/ hay tiếp thị (xúc tiến) xuất khẩu sản phẩm này có nét đặc bịệt gì so các sản phẩm thương mại thuần tuý khác? Ở tầm quốc gia? Ở tầm doanh nghiệp? (Nguyễn Văn Ngữ)

Giáo sư C. Peter Timmer: Gạo được biết đến trên thế giới như là món hàng chính trị. Điều đó có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế gạo là chủ thể của các chính sách và luật lệ của chính phủ, từ mức độ đầu vào (phân, nước...) đến mức độ nông trại (sở hữu và sử dụng của nông trại nhỏ đến công nghệ hiện đại), thông qua marketing trong thị trường nội địa và xuất khẩu. Sự can thiệp chính trị thường không hiệu quả đứng dưới góc độ kinh tế và sự khác biệt này tạo ra những căng thẳng trầm trọng ở mức độ nông hộ. Tại sao nông dân lại có thị trường xuất khẩu gạo hạn chế trong khi người trồng cà phê thì không? Nông dân xuất khẩu gạo phải phản ứng như thế nào? Một câu trả lời hiển nhiên là đa dạng hoá những mặt hàng không phải là gạo, ví dụ như tôm, cá, cà phê hoặc những mặt hàng có giá trị cao hơn. Khó khăn đối với phản ứng này là sản xuất gạo có thể không theo kịp nhu cầu tiêu thụ gạo, vì thế đe doạ an ninh lương thực. Vì thế Nhà nước cần phải tìm ra những chính sách khoa học hướng về thị trường gạo làm sao để xoá bỏ những khuynh hướng chính trị khác nhau và tập trung vào an ninh lương thực lâu dài của đất nước và lợi thế cạnh tranh quốc tế. Tôi nghĩ chính sách gạo "khoa học" này đang được các cấp chính phủ bàn thảo.

TS. Dũng: Gạo không phải là sản phẩm thương mại hàng hoá đơn thuần. Tuy vậy, cũng không nên quá nhấn mạnh những tính chất đặc thù của nó để tạo nên những sự can thiệp quá sâu của Chính phủ vào công việc kinh doanh dễ làm méo mó thị trường. Sự can thiệp của Chính phủ có thể bắt nguồn từ lý do an ninh lương thực. Sự can thiệp quá sâu của hiệp hội xuất khẩu có thể bắt nguồn từ từ lý do các công ty kinh doanh không đủ năng lực kinh doanh thường bán giá thấp gây thiệt hại cho đất nước. Tuy nhiên việc can thiệp sâu như vậy có thể làm cho người nông dân bị bất lợi về giá bởi Chính phủ luôn cân nhắc đến tình trạng lạm phát không để cho lúa gạo tăng được. Các công ty xuất khẩu yếu kém lại không bị đào thải bởi cơ chế bảo hộ giá. Rút cuộc, các rủi ro lẻ ra phân tán ở các công ty lại đổ dồn lên cấp vĩ mô và thiệt hại có thể còn lớn hơn. Khi người nông dân thấy giá cả bất lợi họ sẽ không quan tâm xuất khẩu và do vậy sản lượng sẽ giảm, điều này đã xảy trong khoảng thời gian từ 2000 - 2006.

Xuất khẩu gạo có đặc điểm khác với các hàng hoá khác do tính thời vụ thường tập trung vào mùa khô nên các dịch vụ về vận tải, bốc xếp cũng thường gia tăng trong thời điểm này. Gạo là loại hàng hoá xuất khẩu thô, yêu cầu về bao bì cũng đơn giản, về xúc tiến gạo ở cấp quốc gia trước nhất là sự ổn định về chính sách, với các công ty dó là năng lực giao hàng đúng hạn, thực hiện đúng hợp đồng đã cam kết. Hiện nay, gạo VN xuất khẩu đến hơn 100 thị trường nhưng chủ yếu là ở châu Á. Còn thị trường Châu Phi, VN chỉ xuất qua các trung gian khác vì VN chưa có điều kiện tiếp cận với thị trường này cũng như còn nhiều khó khăn trong việc thanh toán. Cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong mối quan hệ với các quốc gia của lục địa này .

Cung cầu gạo trên thế giới luôn trong tình trạng không cân đối, vùng này thừa thãi nhưng vùng khác không đủ ăn, và khủng hoảng xuất hiện khi việc dự trữ dưới mức báo động. Nhưng đó là lúc dễ mua bán nhất, cách dự trữ và cách “làm giá” của các nước có nguồn dự trữ lớn như thế nào? Trong điều kiện như Việt Nam, phải làm gì để đủ thực lực dự trữ? (Tiểu My)

TS. Dũng: VN là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Do vậy, mỗi khi VN xuất hay không xuất đều có tác động đến giá cả trên thị trường thế giới. Trong các năm qua mỗi khi vào vụ đông xuân của VN, giá lúa gạo trong nước ổn định, giá xuất khẩu không cao nên các nhà kinh doanh lúa gạo VN cũng thường dự trữ vào mùa này. Tuy nhiên, vẫn còn một ẩn số khác trên thị trường thế giới vì sau vụ đông xuân ở VN là tới vụ thu hoặch của một số nước khác. Nếu vụ thu hoach đó không khả quan thì giá gạo trên thị trường thế giới gia tăng, những người đã dự trữ trong nước sẽ có lợi và ngược lại họ sẽ bị lỗ. Tuy nhiên quy luật thông thường trong các năm qua ở VN là dự trữ ở lúa đông xuân vẫn có lợi. Điều này cho thấy tính bấp bênh của kinh doanh lúa gạo rất cao. Nếu chính phủ có chiến lược hỗ trợ cho nông dân dự trữ trong những lúc thu hoach rộ thì nông dân sẽ được lợi và giá gạo trên thị trường quốc tế không bị chìm xuống và như vậy sẽ giảm bớt những bất lợi đối với việc xuất khẩu gạo VN và sẽ gia tăng lợi ích cho nông dân. Cần có chương trình hỗ trợ cho việc lập những dự trữ ở trong các nông hộ các công ty xuất khẩu khắc phục tính thời vụ trên thị trường thế giới thường xuyên gây bất lợi với xuất khẩu gạo VN. Chính phủ có thể có những chương trình cho vay đặc biệt đối với các nông hộ lập kho dự trữ nhỏ cho chính họ. Điều này sẽ có lợi cho những người nông dân và họ sẽ là những người bảo quản tích cực nhất đối với số lúa gạo mà họ dự trữ. Chính phủ cũng có thể cho các công ty kinh doanh lúa gạo xây kho dự trữ với những tiêu chuẩn bảo quản tốt. Làm như vậy sẽ tăng năng lực dự trữ của quốc gia.

Các năm 2007- 2008, người ta đã chứng kiến những sai lầm khủng khiếp, của những chuyên gia hàng đầu, trong dự báo giá cả thị trường gạo, dẫn đến những bất ngờ gây thiệt hại lớn trong kinh doanh. Các ông suy nghĩ gì về việc này? Ngành khoa học dự báo thị trường đang có những lỗ hổng gì? (Vũ Quốc Khánh)

Giáo sư C. Peter Timmer: Như tôi đã trình bày hôm qua tại buổi toạ đàm do SGTT tổ chức, một câu nói nổi tiếng (của Yogi Berra) là dự đoán rất khó khăn, đặc biệt là với tương lai. Với cách tiếp cận tri thức riêng của tôi, không ai biết được cái gì sẽ xảy ra trong tương lai, do đó công tác dự báo, được xem là một bài tập về tư duy, suy nghĩ thông qua những lựa chọn vững vàng phụ thuộc vào những gì đã xảy ra.

Cộng đồng dự đoán thị trường gạo đã đúng khi dự báo giá gạo tăng đều 2007 – 2008 nhưng đã đoán sai giai đoạn giá dầu tăng vọt (từ cuối 2007 đến tháng 5.2008). Điều quan trọng là chúng ta phải học từ những sai lầm đó bằng cách tìm hiểu những gì đã làm cho giá gạo vọt lên rồi rớt nhanh như thế. Câu trả lời tốt nhất cho đến nay là những người tham gia thị trường gạo đã lo sợ nên dự trữ gạo hơn là đưa gạo ra thị trường. Chúng tôi nhìn thấy hành vi này khắp thế giới, từ nông dân đến người kinh doan gạo và cả người tiêu thụ gạo. Các chính phủ cũng lo sợ, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo (lúc đó đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo). Philippines là nước nhập khẩu gạo đã nói với thị trường xuất khẩu gạo thế giới rằng, họ sẵn sàng trả bất cứ giá nào để nhập khẩu gạo. Chẳng trách giá gạo trên thị trường thế giới tăng vọt.

Có cách nào để tăng cường năng lực dự báo hay không? Câu trả lời là không dù những dữ liệu tốt hơn và những phân tích được cập nhật về những xu hướng gần đây sẽ giúp công tác dự báo trong tương lai không đi quá xa như những diễn biến thực tế trong năm 2007 - 2008. Quan trọng phải biết là tương lai vô cùng bất ổn và chúng ta không thể kiểm soát nó cũng như không thể dự đoán chính xác.

TS. Dũng: Không có dự báo nào chính xác. Ngay cả những dự báo về giá dầu có lúc đến 200USD trong năm 2008 nhưng cuối năm chỉ còn 35USD. Dự báo là những thông tin phân tích do các chuyên gia đưa ra còn việc sử dụng nó như thế nào là do những cơ quan điều hành và những người sử dụng thông tin quyết định. Dự báo sai thì tất nhiên cũng có những ảnh hưởng lớn và năm qua là một minh chứng. Vấn đề mà chúng ta xem xet là vì sao các dự báo yếu kém, hơn nữa ở VN còn rất thiếu những thông tin phân tích thông tin dự báo chất lượng của các dự báo để những nhà hoạch định các nhà kinh doanh có điều kiện tham khảo để quyết định chính xác hơn . Điều kiện để phân tích các dự báo chính là việc có người biết sử dụng thông tin nền kinh tế có yêu cầu cao đối với các thông tin phân tích dự báo. Với nền kinh tế chúng ta hiện nay những việc như vậy rất thiếu, tôi xin đề cử một số ví dụ:

1/ Với nông nghiệp thì đâu tư cho công tác nghiên cứu khoa học rất thấp. Trung bình trong khoảng thời gian từ 1997-2002 ngân sách dành cho nghiên cứu trong khoa học nông nghiệp chỉ chiếm 2% trong tổng chi tiêu công trong nông nghiệp. Điều đó cho thấy nền kinh tế chưa coi trọng nghiên cứu khoa học thì chưa thể nói tới có sự quan tâm với các nghiên cứu phân tích dự báo.

2/ Trong nông nghiệp, đa số hộ nông dân quan tâm đến thời tiết mùa màng hơn là những điễn tiến giá cả của thị trường, cho dù họ có quan tâm thì cũng rất thiếu điều kiện tiếp cận, các công ty xuất khẩu, sự can thiệp thường xuyên của Chính phủ hoặc của hiệp hội. cuối cùng ở cấp điều hành là cấp quyết định sử dụng thông tin dự báo và ảnh hưởng đến việc hình thành các cơ quan phân tích về dự báo, chất lượng các dự báo qua việc sử dụng của mình

Việt Nam có một số loại gạo đặc sản. Thí dụ Chợ Đào, Tám Thơm... Liệu có nên phát triển chúng thành những sản phẩm gạo độc đáo riêng để xuất khẩu. Trên thế giới đã có nước nào làm thành công cách này. -Theo quý ông, Việt Nam nên xây dựng thương hiệu cho gạo. Nếu có, nên xây dựng thương hiệu chung cho gạo Việt nam hay tập trung cho thương hiệu của một số doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực này. Xin cảm ơn (nguyen van hoang)

TS. Dũng: Theo tôi biết, những loại gạo đặc sản vừa nói số lượng không lớn, điều kiện sản xuất cũng rất khó khăn do yêu cầu thổ nhưỡng. Các năm trước VN cũng sản xuất những loại gạo thơm để xuất khẩu nhưng không khả quan, việc sản xuất các loại giống luá thơm dài ngày ảnh hưởng đến cơ cấu thời vụ và sâu rầy, theo các chuyên gia nông nghiệp khuyên cáo rằng không nên mở rộng diện tích trồng lúa thơm dài ngày ở ĐBSCL. Những loại lúa đặc sản mà bạn hỏi nhu cầu trong nước hiện nay cũng tăng rất cao và đó cũng là thế mạnh xuất khẩu gạo của VN.

Biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi những vùng ven biển như Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng nên chú ý đến cây lương thực có củ. Liệu biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi nhu cầu thực phẩm, thay đổi vai trò lúa gạo trong giao dịch mua bán? (Nguyễn Trương Lê)

TS. Dũng: Biến đổi khí hậu đang là dự báo và người ta cho rằng mực nước biển tăng 1 m thì 45%diện tích đất bị ngập ở ĐBSCL bị ngập, tuy nhiên đây là dự báo người ta đang có những dự kiến và kế hoạch để phòng chống, chẳng hạn như thiết lập những hệ thống đê ven biển trong trường hợp này thì kinh nghiệm của Hà Lan rất đáng chú ý đối với VN. Việc thay đổi hệ thống canh tác, thay đổi cây trồng không phải là dễ dàng vì còn liên quan đến thổ nhưỡng tập quán canh tác, tuy nhiên việc thay đổi cây trồng vẫn có thể xảy ra với ĐBSCL những dự báo như thế chưa được đề cập, riêng ý kiến của tôi cho rằng vai trò lúa gạo của ĐBSCL vẫn được giữ. Do vị trí của ĐBSCL trong sản xuất lúa gạo của quốc gia không thể thay thế được chắc chắn Chính phủ có kế hoạch để đảm bảo duy trì đây là vùng trồng lúa của cả nước. Đây là vấn đề an ninh lương thực quốc gia cực kỳ quan trọng.

Các phân khúc thị trường (gạo phẩm cấp cao cho thương mại thuần tuý, và gạo phẩm cấp thấp theo các chương trình viện trợ - nhập khẩu của chính phủ) sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai? Việt Nam sẽ phải thích ứng thế nào trước sự thay đổi này? Ở tầm quốc gia? Tầm doanh nghiệp? (Hoàng Lan)

Giáo sư C. Peter Timmer: Thị trường gạo Việt Nam đang đối mặt với những thách thức khó khăn về nguồn cung và cầu các loại gạo khác nhau. Chất lượng gạo có hai vấn đề: thứ nhất, loại gạo nào đang được trồng và khả năng sấy khô, xay xát và tồn trữ tới đâu. Việt Nam phải đối mặt với cả hai vấn đề bởi vì thị trường thế giới liên tục muốn những loại gạo có chất lượng xay xát cao và thị trường nội địa muốn có thêm nhiều loại gạo hương vị khác nhau. Chính phủ cần phải đáp ứng những thách thức này bằng cách phải giúp đỡ thị trường gạo hiệu quả hơn, đặc biệt khuyến khích hiện đại hoá hệ thống phân phối gạo. Có thực tế là thị trường gạo nội địa không ngừng liên kết với thị tường gạo thế giới và chính phủ cần khuyến khích sự phát triển này. Nếu chấp nhận thách thức này, sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia mở rộng vào thị trường nội địa và xuất khẩu. Họ phải sử dụng công nghệ thông tin hiện đại và tài chính tương ứng để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu giá luôn thấp hơn của Thái Lan (gạo VN có giá 400 USD/tấn so 700 USD/tấn của Thái Lan), xin hỏi gạo Việt Nam có nên tăng giá bán? Vì thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan chiếm 50% thị trường thế giới (hoangsonsg)

Giáo sư C. Peter Timmer: Tại sao gạo xuất khẩu Thái Lan cao giá hơn gạo của VN? Có hai lý do cơ bản. Thứ nhất, chất lượng gạo VN thường thấp hơn gạo Thái Lan, bởi vì không đa dạng và chất lượng xay xát không tốt. Thứ hai, gạo VN bán giá thấp vì nguy cơ rủi ro trong giao dịch với nhà xuất khẩu Việt Nam. Trên thị trường thế giới, VN không được xem là nhà xuất khẩu đáng tin cậy nên họ (nhà xuất khẩu trong nước) phải giữ giá thấp để thu hút khách hàng. Thật khó để nói là VN và Thái Lan có thể hợp tác để “làm giá” trên thế giới vì mỗi quốc gia có những ưu tiên chính trị riêng và rất khác nhau.

 



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường