Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đề nghị tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo
05 | 06 | 2009
Sản lượng tăng, gạo trong dân còn nhiều, đại diện nhiều địa phương đề nghị Chính phủ nâng chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2009 lên sáu triệu tấn, thay vì năm triệu tấn, đồng thời có biện pháp quản lý việc xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Gạo xuất khẩu đạt cao kỷ lục

Chính phủ không hạn chế xuất khẩu gạo

Trước những kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, chủ trương của Chính phủ không hạn chế xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu cần phải có sự tính toán, căn cứ theo khả năng sản xuất.

“Nếu điều hành không khéo, nâng chỉ tiêu xuất khẩu lên sáu triệu tấn, có thể đối mặt với việc giá sẽ giảm hơn nữa. Nếu phân chỉ tiêu cho các địa phương, có thể dẫn đến việc đăng ký tăng lượng xuất khẩu lên rất cao. Khi đó, giá xuất khẩu sẽ không cao” - Phó Thủ tướng cho biết.

Thông tin nhanh về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian qua tại Hội nghị trực tuyến về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 4/6, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến hết 31/5, các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổng cộng 4,12 triệu tấn gạo.

Số gạo xuất khẩu thực tế trong năm tháng đầu năm đạt hơn hơn 2,7 triệu tấn, với giá trị 1,385 tỉ USD. Dự kiến, sáu tháng đầu năm sẽ xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo

Theo ông Phong, trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam, chưa năm nào doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều như vậy trong năm tháng đầu năm. Khối lượng gạo mua vào của các doanh nghiệp cũng chưa bao giờ cao như vậy. Đây là nỗ lực rất lớn trong tình hình xuất khẩu khó khăn như hiện nay.

Về những ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến việc điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội, ông Phong cho biết, hiện Hiệp hội điều hành việc xuất khẩu gạo theo quy định trong các văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Việc các doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều hay ít phụ thuộc vào năng lực của từng doanh nghiệp.

Ông Phong cũng nêu hiện tượng, trên thị trường đang có một khối lượng gạo lớn nhưng không biết nguồn cung cấp.

“Vụ Đông Xuân thu được 9,8 triệu tấn lúa, sau cân đối còn thừa ba triệu tấn gạo để bán. Nhưng dù doanh nghiệp mua vào hơn ba triệu tấn gạo, không hiểu sao trên thị trường lượng gạo thừa vẫn còn rất lớn” - Ông Phong cho biết.

Về việc quản lý gạo trên thị trường, ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp đề nghị, cần rà soát lại sản lượng sản xuất gạo cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Năm nay, chỉ tiêu xuất khẩu gạo được giao là năm triệu tấn, nhưng với việc sản lượng lúa ở các địa phương lớn, đề nghị Chính phủ cấp thêm chỉ tiêu xuất khẩu cho các địa phương.

Ông Dương cũng cho rằng, cơ quan sản xuất phải dự báo chính xác tình hình sản xuất và cung ứng gạo, không nên để Hiệp hội làm công tác dự báo thị trường, dễ xảy ra tình trạng giá lên cao thì không cho bán, nhưng giá xuống lại cho xuất khẩu như thời gian qua.

Giá lúa ở nhiều địa phương có xu hướng giảm

Đại diện tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện giá thu mua lúa ở địa phương đang tụt bình quân 500 đồng, xuống còn 4.100 đồng/kg so với cuối tháng Tư, đầu tháng Năm. Dự báo, giá lúa sẽ còn giảm, trong khi thương lái lừng chừng không mua.

Trước hiện tượng này, tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ NN&PTNT và VFA cần cảnh giác trước hiện tượng không tiêu thụ được lúa như năm ngoái. Nếu không giải quyết, trong tháng sau sẽ trở thành vấn đề nóng, khá phức tạp.

Ông cũng cho rằng, lương thực là mặt hàng quan trọng, không giao chỉ tiêu sẽ khó thực hiện. Với tình hình hiện nay, nên tăng chỉ tiêu xuất khẩu lên sáu triệu tấn, chứ không nên áp mức 5,2 triệu tấn.

Đại diện tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị, cho tạm trữ 150.000 tấn gạo để bình ổn giá. Làm như vậy có khả năng giữ được giá và mua được số lúa dư trong nông dân.

Về tình hình lúa gạo trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, đầu vụ, giá lúa của nông dân bán ra đạt 4.500 - 4.600 đồng/kg, giờ xuống còn 4.000 đồng/kg, khiến người dân lo lắng. Do lượng lúa trong dân vẫn còn nên từ nay đến cuối năm, tỉnh đề nghị được tăng chỉ tiêu xuất khẩu lên 200.000 tấn.

Cùng chung ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở Công Thương An Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các tổng công ty, doanh nghiệp tập trung vào thị trường mới, có kế hoạch dài hạn cho năm 2010 và các năm sau.

Ông cũng đề nghị Chính phủ cho phép các tổng công ty lương thực được ký hợp đồng xuất khẩu từ 5,5 đến sáu triệu tấn gạo trong năm nay.

Chính phủ không hạn chế việc xuất khẩu gạo

Trước những kiến nghị của địa phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đánh giá, về cơ bản, xuất khẩu gạo năm tháng qua đảm bảo chỉ tiêu Chính phủ giao.

Theo ông Biên, giá gạo giảm ở các địa phương trong những ngày gần đây là do ảnh hưởng của lượng cung cầu trên thị trường thế giới.

“Thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản không giữ được giá do không điều hành tốt, không có quy định về mức giá sàn. Theo cam kết gia nhập WTO, một thành viên không có quyền can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp nên việc giao cho Hiệp hội thực hiện, đưa ra định hướng về giá sàn là phù hợp quy định của pháp luật” - Ông Biên cho biết.

Đứng trên góc độ quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khuyến cáo, tỉ lệ lúa chất lượng thấp trồng ở các địa phương đang ở mức cao. Các địa phương cần có chỉ đạo quyết liệt đến tận huyện, xã và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc lúa chất lượng thấp không tiêu thụ được và nông dân bị lỗ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, chỉ tiêu đưa ra nhằm xuất khẩu tối thiểu ở mức năm triệu tấn trong năm 2009. Còn trong tháng Sau, Bộ khuyến khích doanh nghiệp ký được càng nhiều hợp đồng càng tốt, giúp giảm số lúa còn trong dân.

Trước những kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, chủ trương của Chính phủ không hạn chế việc xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu thì cần phải có sự tính toán, căn cứ theo khả năng sản xuất.

“Nếu điều hành không khéo, nâng chỉ tiêu xuất khẩu lên sáu triệu tấn, có thể đối mặt với việc giá sẽ giảm hơn nữa. Nếu phân chỉ tiêu cho các địa phương, có thể dẫn đến việc đăng ký tăng lượng xuất khẩu lên rất cao. Khi đó, giá xuất khẩu sẽ không cao” - Phó Thủ tướng nói.



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường