Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt bẩn lại tràn về
16 | 07 | 2009
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, các lô thịt bẩn, thối nhập khẩu lại xuất hiện trở lại làm dấy lên nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Pín dê nhiễm khuẩn ra thị trường

“Đối với các mặt hàng thực phẩm đã phát hiện nhiễm khuẩn thì phải tiêu hủy ngay. Tuyệt đối không được dùng biện pháp chiếu xạ” - Chu Xuân Phương, Phó phòng Nghiệp vụ Chi cục QLTT TP.HCM

Ngày 13.7, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) quận Tân Bình (TP.HCM) đã họp và thống nhất tiêu hủy toàn bộ lô hàng gần 1,5 tấn pín dê (bộ phận sinh dục dê đực) phế thải nhập từ Úc của Công ty TNHH N.D.T (địa chỉ 2C Lam Sơn, P.2, Q.Tân Bình). Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện cả 3 lô hàng pín dê nhập khẩu của công ty này có ghi “không được sử dụng cho người”, đồng thời chứng thư kiểm dịch của Australia thể hiện đây là sản phẩm động vật không ăn được. Đại diện Công ty N.D.T cho biết, lô hàng trên được nhập từ Australia (ngày 13.4) và đã được Cơ quan Thú y vùng VI cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật (ngày 22.4) với số lượng 72 thùng (15 kg/thùng). Tuy nhiên, kiểm tra thực tế trong kho chỉ còn lại 25 thùng, 47 thùng đã tiêu thụ ra thị trường.

Nhân viên QLTT TPHCM kiểm tra trứng gia cầm chưa qua kiểm dịch - Ảnh: N.Đ.M

Bà Nguyễn Thị Thu Nga - Chánh thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết, qua xét nghiệm 3 mẫu pín dê từ 3 lô hàng của Công ty N.D.T nhập về đều cho thấy đã bị nhiễm vi sinh. Các chỉ tiêu vi khuẩn Salmonella, tổng số vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn E.Coli và PH đều không đạt tiêu chuẩn theo TCVN 7047:02. Ngoài việc tiêu hủy, Công ty N.D.T còn bị xử phạt hành chính theo Nghị định 40/2009 của Chính phủ đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn.

Tiếp đó, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP huyện Bình Chánh (TP.HCM) cũng lấy mẫu kiểm tra lô pín dê khác tại một kho lạnh trên địa bàn, do trên bao bì có ghi thông tin không sử dụng cho người nhưng lại được cấp giấy chứng nhận kinh doanh thực phẩm. Lô hàng này của Công ty TNHH QT-VT, cũng được nhập khẩu từ Úc. Số pín dê tại kho hiện chỉ còn 57 thùng (15 kg/thùng), công ty đã tung ra thị trường tiêu thụ 23 thùng.

Ngày 17.6, UBND Q.Phú Nhuận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và thương mại đối với Công ty cổ phần thương mại C.H.M do vi phạm trong kinh doanh thịt bò nhập từ Mỹ, trên 800 kg. Mức phạt gần 40 triệu đồng do doanh nghiệp này vi phạm: không khai báo kiểm dịch trước khi vận chuyển trong nước đối với sản phẩm động vật; đưa vào lãnh thổ VN sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch mà không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh không đúng ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; nhập khẩu, kinh doanh thịt bò từ Mỹ nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt; kinh doanh thịt bò nhập khẩu quá hạn sử dụng. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 51 kg thịt bò không rõ nguồn gốc và quá hạn sử dụng, trên 750 kg thịt bò còn lại doanh nghiệp phải khắc phục vi phạm về nhãn mác trước khi cho lưu thông.

Ng.Đình Mười

Rạng sáng ngày 14.7, Đội kiểm tra cơ động thuộc Chi cục Thú y Đồng Nai phát hiện một vụ buôn bán thịt heo lậu với số lượng lớn tại chợ Tam Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tại hiện trường Đội kiểm tra đã thu giữ của 4 đối tượng đang vận chuyển với số lượng 1.120 kg thịt heo và nội tạng heo không có dấu kiểm dịch, không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nguồn gốc. Trong lúc đang lập biên bản thì 3 đối tượng bỏ trốn. Người còn lại cũng không chịu ký vào biên bản. Số thịt này có dấu hiệu nhiễm bệnh, bốc mùi hôi thối.

H.Tuấn

Lỏng lẻo quản lý gà nhập khẩu

Đầu tháng 7, Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành quận 8 kiểm tra kho lạnh của Công ty Trúc Đen trên đường Tạ Quang Bửu và phát hiện hơn 5 tấn cánh gà nghi nhiễm khuẩn đã bán ra thị trường. Số hàng này Công ty Trúc Đen xin phép Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) nhập khẩu gồm 80 tấn cánh gà, 10 tấn mề gà và 10 tấn đùi tỏi gà từ Công ty Hazeldene’s Chicken Farm Pty., Ltd. (Úc). Được chấp thuận, Công ty Trúc Đen đã nhập trước 13,5 tấn cánh gà và thực hiện xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật (Cơ quan Thú y vùng VI). Kết quả xét nghiệm ngày 12.6 cho thấy mẫu cánh gà không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm do nhiễm Coliforms và E. Coli nên Cơ quan Thú y vùng VI đề nghị tái kiểm. Xét nghiệm lần hai vào ngày 16.6 cũng cho kết quả tương tự nên Cơ quan Thú y vùng VI yêu cầu Công ty Trúc Đen phải chiếu xạ toàn bộ lô hàng. Khi đoàn kiểm tra vào làm việc, đại diện Công ty Trúc Đen chỉ xuất trình được giấy chứng nhận chiếu xạ với số lượng 1 tấn vào ngày 17.6. Sau đó, công ty mới cung cấp bổ sung giấy chứng nhận chiếu xạ lần hai với số lượng 12,5 tấn (vào ngày 22.6 ). Đoàn kiểm tra đã ghi nhận: “Lô hàng 12,5 tấn cánh gà đã chiếu xạ nhưng chưa được xét nghiệm, hiện tại kho hàng của Công ty Trúc Đen chỉ còn 8,2 tấn cánh gà”. Như vậy một lượng lớn đã được tung ra thị trường dù không đạt chất lượng.

Ngày 11.7, trên tỉnh lộ 15 (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM), tổ công tác liên ngành phòng chống dịch cúm gia cầm huyện Củ Chi tiến hành kiểm tra đối với xe tải mang biển số 54N-6012 do ông Trần Tiến Dũng (huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển, phát hiện ông Dũng đang vận chuyển gần 10 tấn gà được cho là có xuất xứ từ Mỹ và Thái Lan. Trong đó gồm 4,2 tấn bột thịt gà Mỹ, 4 tấn hương gà Thái Lan và trên 1,6 tấn mỡ gà do Mỹ sản xuất chứa trong 3 kiện hàng. Điều đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, ông Dũng chỉ xuất trình một tờ phiếu xuất kho tự in do Công ty Danasato lập ngày 11.7.2009. Ông Dũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh hàng hóa hợp pháp. Toàn bộ lô hàng sau đó bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) Củ Chi tạm giữ để tiếp tục làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Theo nhận định của Chi cục QLTT TP.HCM, tình hình vận chuyển, buôn bán trái phép và nhập lậu thịt gia cầm, vật nuôi đang có dấu hiệu gia tăng. Điều đáng báo động ở chỗ chất lượng thịt gia cầm, vật nuôi buôn bán không được kiểm soát gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đừng chết vì... món ngoại!

Như đã thành thông lệ, cứ sau giờ tan tầm buổi chiều, nhất là những chiều cuối tuần, nhiều vỉa hè ở TP.HCM lại bị quán nhậu tràn ra lấn chiếm. Khách đến những nơi này lai rai đủ thành phần, từ người lao động phổ thông đến anh nhân viên văn phòng, công chức... Món nhậu tại các quán, vì thế, cũng “thượng vàng hạ cám”, song thịnh nhất hiện nay có lẽ là những món nướng, từ bình dân như chân gà, cánh gà, lòng heo, bao tử heo... cho đến tim, gan và cả nhiều “đặc sản” như nầm dê, pín dê, bò...

Thoạt nghe tên những món nhậu khoái khẩu trên, thiết tưởng chúng đều được cung cấp từ nguồn nội địa. Nhưng thực tế không phải vậy. Báo chí thời gian qua đã nói nhiều đến chân gà, cánh gà, nội tạng heo bò... được nhập khẩu vào VN, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Mới đây, thêm một lô hàng pín dê được cơ quan chức năng ở TP.HCM phát hiện được nhập về từ Úc... thì nhiều dân nhậu vỉa hè mới “ô hô, hóa ra lâu nay ta toàn xài đồ ngoại”.

Xài “hàng ngoại” rõ là oách rồi. Nhưng anh bạn tôi, từng một thời là “tín đồ” quán vỉa hè, bảo coi chừng mang họa vì cái oách đó. Anh kể, trong một lần “chén chú chén anh” ở quán vỉa hè trên đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp, với món chân gà nướng, khi đi vệ sinh tình cờ ngang qua khu chế biến thức ăn và phải bịt mũi vì mùi tanh nồng, hôi thối. Nhìn vào, thấy một đống chân gà, cánh gà, dù đựng trong bao xốp đông lạnh, nhưng nhớt nhèo, mốc xanh mốc đỏ, huyết tụ thâm tím... Xong, ra bàn nhậu ngồi chết trân, nhìn đĩa chân gà nướng thơm lừng mà... muốn ói. Từ đó, anh này cạch luôn mấy món chân gà, cánh gà, tim gan heo... nướng ở vỉa hè.

Kể lại câu chuyện trên, nhiều dân nhậu vỉa hè không tin, lý sự “mồi nhậu bê ra thơm nức, làm gì có chuyện được chế biến từ hàng ôi thiu, hôi thối...”, hoặc “có chăng chỉ là cá biệt”. Nhưng liệu có cá biệt khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện những lô hàng thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, thậm chí đang... phân hủy, vẫn được đem ra thị trường tiêu thụ.

Tại cuộc họp HĐND TP.HCM mới đây, trả lời chất vấn của các đại biểu về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Châu nhìn nhận: “Việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận VSATTP cho tất cả các quán ăn Sở làm được, riêng “thức ăn đường phố” và thực phẩm bày bán ở chợ thì chịu”.

Lời nói thật của người đứng đầu cơ quan “gác cổng” chính về vấn đề VSATTP ở một thành phố lớn nhất nước cho thấy hiểm họa từ thực phẩm kém an toàn, trong đó có thực phẩm ngoại ở các quán nhậu vỉa hè luôn rình rập các “thượng đế”.



Nguồn: www.thanhnien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường