Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đứng vững cây mía Hậu Giang
29 | 07 | 2009
Hậu Giang có diện tích trồng mía khá lớn. Đời sống người dân ở một số xã vùng Phụng Hiệp, TX.Ngã Bảy, Long Mỹ, TX.Vị Thanh phải nhờ vào cây mía là chính. Mặc dù, nhiều lúc giá cả có bấp bênh do ảnh hưởng chung của giá đường trong nước và thế giới, nhưng vụ mía vừa qua được xem là giá tương đối ổn định đối với người trồng mía.

Theo nhận định của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), vụ mía vừa qua tương đối thuận lợi cho nông dân và nhà máy, giá tăng dần từ đầu cho đến cuối vụ. Giá đầu vụ tại rẫy ở Phụng Hiệp, TX.Ngã Bảy từ mức 380-400 đ/kg mía và tăng dần đến thời điểm cuối vụ ở TX.Vị Thanh, Long Mỹ trên 700 đ/kg mía. Do giá vật tư vừa qua đứng ở mức cao, phân bón kém chất lượng nên nông dân bón phân đạm ít và thận trọng hơn trong sản xuất, từ đó đã nâng chữ đường lên cao thêm 1 CCS so với trước. Với giá mía như trên, người trồng mía bình quân có lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ lời từ 50-60 triệu đồng/ha như hộ anh Lê Văn Ràng, ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho lợi nhuận trên 51 triệu đồng/ha mía.  

Kết quả sản xuất vụ mía 2008-2009, 2 nhà máy đường trực thuộc Casuco đã ép được 784.502 tấn mía cây, đạt 92% kế hoạch, với sản lượng đường thành phẩm là 75.769 tấn. Trong đó, sản lượng mía mua trong tỉnh là 491.372 tấn, chiếm 63% sản lượng mía ép. Tại địa bàn huyện Phụng Hiệp, đã thu mua được 296.000 tấn, chiếm 60% sản lượng của tỉnh; TX.Ngã Bảy là 65.776 tấn, chiếm 13% sản lượng toàn tỉnh; TX.Vị Thanh với 101.605 tấn, chiếm 21% sản lượng toàn tỉnh, huyện Long Mỹ 27.989 tấn, chiếm 6% sản lượng toàn tỉnh.
 
Cây mía là cây chủ lực thứ hai sau cây lúa, tuy nhiên do đặc thù là cây mía vùng trũng, diện tích trồng tương đối lớn, kênh rạch chằng chịt, đất đai màu mỡ nhưng bị chia cắt manh mún, sản xuất phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên. Chưa kể nông dân sản xuất với công cụ thô sơ, đầu tư lớn, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Nhưng đây là cây giúp xóa đói giảm nghèo hàng năm và là một cây có đầu ra tương đối ổn định so với các cây trồng khác. Hiện tại, Hậu Giang có 3 nhà máy đường với công suất 8.000 tấn mía cây/ngày, nhưng qua các vụ mía cho thấy, sản lượng mới đáp ứng được khoảng 60-70% công suất của nhà máy. Như vậy, để đáp ứng đủ sản lượng cho 3 nhà máy đường của tỉnh hoạt động liên tục trong năm, cần có một số giải pháp cơ bản về lâu dài nhằm khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, con người thì mới mang lại hiệu quả thiết thực, ổn định và bền vững. Theo đó, cần quy hoạch vùng trồng mía rải vụ trong suốt năm, cơ cấu giống mía phải được xác định cho từng vùng. Như giống ngắn ngày phải trồng ở vùng thu hoạch sớm chạy lũ; giống trung bình thì trồng ở vùng mía - lúa, còn giống dài ngày thì trồng ở những vùng đất liếp cao và lưu gốc được nhiều vụ. Ngoài ra, chất lượng giống phải được tuyển chọn, giống phải mới và chất lượng tốt, có như vậy mới đảm bảo được năng suất và hiệu quả cho người trồng mía. Bên cạnh đó, công tác khuyến nông phải được chú trọng để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân sản xuất hiệu quả.

 Theo bộ phận khuyến nông Casuco, hàng năm, các nhà máy có kế hoạch ký hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu cho bà con nông dân trồng mía. Nhưng sản lượng được ký chỉ chiếm từ 70-80% sản lượng mía trong tỉnh và thực tế sản lượng mía nông dân bán chỉ chiếm 80% sản lượng đã ký hợp đồng. Một bộ phận khác mặc dù có ký hợp đồng bao tiêu, nhưng vẫn bán trôi nổi không thực hiện tốt hợp đồng đã ký kết. Bên cạnh đó, do đất đai manh mún, sản xuất mía phân tán nên người trồng mía cũng không có phương tiện vận chuyển mía đến bán trực tiếp cho nhà máy. Ngược lại, nhà máy cũng không có khả năng để mua sắm phương tiện đến trực tiếp thu mua mía cho nông dân. Hiện tại, phải nhờ qua lực lượng ghe có sẵn của tư nhân phối hợp với các tổ thu mua có đăng ký sản lượng cung ứng mía theo kế hoạch sản xuất của nhà máy. Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, lực lượng các tổ thu mua này không thể thiếu. Do đó, để từng bước giúp người trồng mía có lãi cao, không qua các khâu trung gian, sản xuất với số lượng lớn, phải tiến hành xây dựng các câu lạc bộ, hợp tác xã trồng mía có ký hợp đồng bao tiêu và bán trực tiếp cho các nhà máy.

 Theo ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Casuco, để cây mía Hậu Giang luôn ổn định, đủ sức cạnh tranh và đứng vững với các loại cây trồng khác trong xu thế hội nhập, đòi hỏi các nhà máy đường phải phấn đấu cải tiến công nghệ, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí sản xuất và mua hết mía cho bà con nông dân, chế biến tốt hơn để tồn tại. Ngược lại, người trồng mía phải phấn đấu hết mình, khai thác tối đa tiềm năng của đất đai, thâm canh để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng nhiều hơn để hai bên cùng tồn tại.



Theo báo Hậu Giang
Báo cáo phân tích thị trường