Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguy cơ từ việc nuôi cá tra mật độ cao
08 | 09 | 2009
Với gần 7.000 ha ao nuôi cá tra, ĐBSCL có thể thu về 1,5 tỉ USD/năm nhờ xuất khẩu phi-lê cá tra. Tuy nhiên, sân chơi bắt đầu nghiệt ngã hơn khi người nuôi không chuyên nghiệp đang mất dần chỗ đứng.

Ông Hồ Minh Hoàng, ở cù lao Lục Sỹ Thành, Vĩnh Long, nuôi cá trên quy mô 2 ha cho biết nuôi cá tra mới 4 tháng đã tăng trọng 700g, nhưng đến tháng thứ 7 mới được 1 kg, chậm so trước đây 1 tháng. Mỗi năm ông Hoàng cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 tấn cá, nhưng với tình trạng cá chậm lớn và giá  thức ăn cao như hiện thời, giá thành mỗi ký cá tại ao của ông lên đến trên 14.000 đ/kg, khó bán.

Cách duy nhất để những người nuôi cá “gỡ gạc” là tăng mật độ thả 45-50 con/m2 thay vì 30 con/m2 như khuyến cáo. Nhưng càng nuôi mật độ cao thì việc kiểm soát dịch bệnh, nguồn nước trở thành thách thức cho những người nuôi cá theo kinh nghiệm.

Người nuôi thả cá với mật độ cao gần đây gia tăng tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, trong đó có nhiều loại đã bị cấm. Ngày 5.9.2009, các nghiên cứu của Khoa thủy sản, trường đại học Cần Thơ; của công ty Vemedim và Viện nghiên cứu thủy sản II công bố cho thấy bên cạnh hiện tượng lờn thuốc, bắt đầu xuất hiện một số bệnh mới trên cá. “Dùng thuốc như thế nào cho đúng cần được truyền đạt tới các chủ trại cá”, dược sĩ Lê Văn Điền (công ty Vemedim) nói. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phú Vinh, chuyên gia của Vemedim phát hiện người nuôi cá trị bệnh gạo trên cá theo cách dùng thuốc Ivermectin hoặc men rượu, thậm chí xài cả hai loại, nhưng không thể trị được.

“Bệnh gạo” trên cá do vi bào tử trùng gây ra. Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra thủ phạm gây bệnh gạo ở cá, một số biện pháp phòng trị có kết quả tốt nhưng nuôi cá mật độ cao sẽ khiến người nuôi thường xuyên dùng thuốc kháng sinh để trị bệnh gạo. TS Nguyễn Thanh Phương, trưởng khoa Thủy sản (trường Đại học Cần Thơ) cảnh báo: “Tuy cá có thời gian đào thải thuốc kháng sinh, nhưng càng nuôi cá ở mật độ cao thì thời gian đào thải kháng sinh bị kéo dài”.

Hiện nay, với thiết bị multiplex PCR, người mua cá có thể đồng thời phát hiện nhiều mầm bệnh cùng một lúc, qua đó việc kiểm tra nguyên liệu thuỷ sản sẽ tốt hơn. Điều đó cũng có nghĩa cá có mầm bệnh sẽ bị loại, kèm theo lời cảnh báo trong toàn hệ thống mua nguyên liệu. Và các chủ hộ nuôi thả cá mật độ cao có nguy cơ không bán được cá.



Theo www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường