Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bài toán cân đối lương thực: Còn nhiều ẩn số
10 | 07 | 2007
Hiện có nhiều con số thống kê đầu vào sản xuất lúa cũng như đầu ra của lúa hàng hoá, nhưng đến thời điểm cần thiết thì không khẳng định được độ tin cậy của thông tin, dẫn đến tình trạng lúng túng trong quản lý - điều hành xuất khẩu gạo hàng năm.

Điển hình như năm 2005, Việt Nam có thể xuất khẩu được bao nhiêu gạo? 4,5 triệu tấn hay 5 triệu tấn? Giữa Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam còn có ý kiến khác nhau.

Đột biến do đâu?

Trong 6 năm qua (2000 - 2005), sản lượng lúa tăng đều bình quân 3,4%/năm. Xét về lượng gạo xuất khẩu: Giai đoạn 2000 - 2004 tăng dao động từ 3,2 - 3,8 triệu tấn/năm, bình quân 3,5 triệu tấn /năm; tỉ trọng gạo xuất khẩu so với tổng sản lượng thóc khoảng 10 - 11%.

Riêng năm 2005 mặc dù sản lượng lúa không tăng so với năm 2004, nhưng lượng gạo xuất khẩu tăng đột biến (5,2 triệu tấn gạo) tăng đến 30%, tương đương 1,2 triệu tấn so năm 2004; tỉ trọng gạo xuất khẩu so với tổng sản lượng thóc cũng tăng đến 14,5%, tăng hơn bình quân nhiều năm trước 2 - 3%.

Trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, diện tích lúa có giảm dành đất cho các nhu cầu sử dụng khác. Tuy mùa vụ sản xuất lúa có tăng ở một số vùng, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, kéo theo sản lượng lúa tăng, nhưng không đáng kể.

Trong khi đó, các nhu cầu tiêu dùng lương thực trong xã hội tăng nhanh, tăng cao đồng hành với sự tăng trưởng dân số và kinh tế, xã hội. Vậy thì ở đâu ra mà năm 2005, kể cả năm nay - năm 2006, lượng gạo xuất khẩu tăng cao và tăng đột biến như thế?

Phải chăng, ngoài những nguyên nhân về cung - cầu lương thực thế giới, về kết quả của việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, của việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, thì còn có một nguyên nhân rất cơ bản là "bài toán cân đối lương thực".

Còn nhiều ẩn số

Theo phương pháp cân đối truyền thống, "đầu vào" bao gồm mùa vụ, diện tích, năng suất, sản lượng, hao hụt trong và sau thu hoạch, để giống, để ăn, để chăn nuôi, để dự trữ, để chế biến bún-bánh-thực phẩm... rồi tính toán đến tỉ lệ thu hồi thành phẩm sau xay xát; cuối cùng "đầu ra" là gạo hàng hoá dành cho xuất khẩu.

Phương pháp này vẫn giữ nguyên giá trị; song các yếu tố cấu thành đã có những biến động đáng kể bởi tác động mạnh mẽ của tiến bộ khoa học kỹ thuật, của sự phát triển đời sống - xã hội và các quy luật kinh tế thị trường.

Nhiều năm gần đây, vùng lúa ĐBSCL (vùng trọng điểm đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của cả nước) tiến hành gieo trồng lúa quanh năm và hiện tại sản xuất lúa trong vùng được thống kê đến 4 vụ. Hai vụ chính là đông xuân và hè thu được canh tác ở cả 13 tỉnh, thành phố trong vùng; vụ thu đông (vụ 3) canh tác ở 7 tỉnh, thành phố và vụ mùa (chủ yếu sử dụng nước trời) cũng chỉ được canh tác ở 7 tỉnh.

Nhiều loại giống mới, kháng bệnh tốt, năng suất - chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Những tác động về diện tích, về thời vụ, về giống đã làm biến đổi lớn đến sản lượng lúa thu hoạch.

Cũng theo phương pháp cân đối truyền thống, ta thường áp định mức 10% tổng sản lượng lúa cho hao hụt trong và sau thu hoạch; song hiện nay ĐBSCL là vùng lúa có tỉ lệ cơ giới hoá cao nhất nước, với gần 1.000 máy gặt đập liên hợp, 6.576 máy sấy... chắc chắn đã góp phần làm giảm tỉ lệ hao hụt trong và sau thu hoạch lúa; song tỉ lệ đó là bao nhiêu?

Trước đây, trong cân đối lương thực thường áp tỉ lệ 5% tổng sản lượng làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm. Hiện nay hầu hết người dân đã có thói quen sử dụng thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi.

Chúng ta cũng thường lấy định mức bình quân 10kg gạo/người/tháng đối với người dân ở thành thị và 15kg gạo/người/tháng đối với người dân nông thôn để cân đối một lượng lương thực dành cho ăn của nhân dân, nhưng do nhu cầu sống, điều kiện sống thay đổi nhiều nên định mức trên không còn hợp lý nữa.

Trong xay xát lúa ta thường tính toán tỉ lệ thu hồi thành phẩm gạo khoảng 50%, hiện nay chắc chắn tỉ lệ đó đã hoàn toàn lạc hậu. Vậy thì tỉ lệ thu hồi gạo bình quân hiện nay là bao nhiêu? Chưa có câu trả lời xác đáng (cần lưu ý rằng: Khi tính toán tỉ lệ thu hồi gạo qua xay xát, nếu chỉ cần tăng, giảm 1% thôi thì đồng thời sẽ cho kết quả tăng - giảm cả 100 ngàn tấn).

Rõ ràng, "bài toán cân đối lương thực" còn quá nhiều ẩn số, ảnh hưởng lớn đến tính ổn định của công tác quản lý - điều hành và kinh doanh xuất khẩu gạo.

Để nâng cao hiệu quả công tác điều hành và kinh doanh xuất khẩu gạo, cần thiết phải tiến hành một cuộc điều tra, khảo sát toàn diện về sản xuất lúa - tiêu dùng - kinh doanh xuất khẩu gạo. Kết quả điều tra sẽ cho câu trả lời xác đáng hơn về những vấn đề còn gây lúng túng; sẽ giúp Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân chủ động trong sản xuất, đầu tư, chủ động trong kinh doanh xuất khẩu gạo.



(Theo TBKTVN)
Báo cáo phân tích thị trường