Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chất lượng thủy hải sản trong nước đang bị thả nổi
07 | 12 | 2009
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Lương Lê Phương từng thừa nhận, thủy sản tiêu thụ nội địa, đến nay vẫn chưa qua bất cứ khâu giám sát chất lượng nào từ phía cơ quan chức năng. Hay đúng hơn là đang còn bị thả nổi.

Hầu hết các nước nhập khẩu thủy hải sản Việt Nam đã đưa ra quy định ngặt nghèo về quản lý chất lượng và hàng xuất khẩu của Việt Nam rất nỗ lực đáp ứng.

Thế nhưng, cùng sản phẩm đó, khi bán cho người dân trong nước sử dụng hàng ngày lại không bị ràng buộc bởi bất cứ khâu kiểm tra chất lượng nào.

Kiểm tra bằng… cảm quan

Chợ nông sản thực phẩm Bình Điền (quận 8), đầu mối cung cấp nguồn thủy hải sản chính cho Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi tuần nhập tới 4.000 tấn thủy hải sản, khoảng trên dưới 500 tấn/đêm, trong đó 2/3 là sản phẩm đánh bắt từ biển, còn lại là cá nuôi đồng.

Số thủy hải sản này chủ yếu từ các tỉnh miền Tây, Bà Rịa-Vũng Tàu và một vài tỉnh miền Trung, được thương lái đưa về chợ Bình Điền, sau đó bỏ mối về các chợ nhỏ, bán lẻ.

Hiện nay, theo Ban quản lý chợ, có khoảng trên 400 vựa kinh doanh thủy hải sản khô và tươi sống. Công tác giám sát kỹ thuật bảo quản, điều kiện vệ sinh của từng ô vựa kinh doanh thủy hải sản do 7 cán bộ của Chi cục quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh (Chi cục) thường xuyên thực hiện.

Hầu hết các loại hải sản tươi đều được đựng trong khay nhựa, chở bằng xe tải lạnh, khi hàng về chợ, tiểu thương sẽ phân loại rồi thay mới nước đá, sau đó đựng vào khay, trưng lên kệ để bán.

Khác với một số loại thực phẩm như thịt heo, gà, từng xe hàng khi đưa vào thành phố đều có nguồn gốc rõ ràng; chủ hàng phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng do cơ quan thú y địa phương (nơi hàng xuất đi) cấp; khi chế biến, giết mổ, còn bị giám sát bởi cơ quan thú y Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghĩa là, trong một chừng mực nào đó, một con gà, con lợn bán ở bất cứ chợ nào trên địa bàn thành phố đều có thể truy xuất về gốc nơi bán đi ban đầu. Còn với mặt hàng thủy hải sản đưa về chợ đầu mối nông sản Bình Điền, theo Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đơn vị này mới chỉ giám sát được bằng cảm quan, như kiểm tra xem hàng về chợ còn tươi không, ô vựa bảo quản, chứa đựng có đúng quy cách không.

Còn nguồn gốc hàng từ đâu đưa đến thì… chưa biết chính xác. Hơn nữa, thương lái cũng không phải xuất trình bất cứ loại giấy tờ nào khi đưa hàng vào chợ Bình Điền. Việc lấy mẫu xét nghiệm chất lượng mặt hàng thủy hải sản chỉ được thực hiện định kỳ, khoảng 2 tháng/lần.

Từ đầu năm 2009 đến nay, Chi cục mới tổ chức bốn đợt lấy mẫu để kiểm tra dư lượng chất cấm. Kết quả thu được là một số chỉ tiêu các chất bảo quản như urea, kháng sinh, hàn the đều dưới ngưỡng cho phép, nhưng tỷ lệ nhiễm vi sinh, nhiễm khuẩn nhiều mẫu lại quá cao, đặc biệt phát hiện mẫu cá ngừ tại một ô vựa chứa chất Histamine lên đến 700 mg/kg, trong khi mức cho phép là dưới 100 mg/kg.

Giám sát từ nguồn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Lương Lê Phương từng thừa nhận, thủy sản tiêu thụ nội địa, đến nay vẫn chưa qua bất cứ khâu giám sát chất lượng nào từ phía cơ quan chức năng. Hay đúng hơn là đang còn bị thả nổi.

Tình trạng ngư dân vẫn thường sử dụng một loại "bột đắng", nói chính xác là chloramphenicol, một chất độc gây ung thư để ướp cá thay cho nước đá vẫn tồn tại. Một ngư dân nhẩm tính, để bảo quản 25-30 tấn hải sản thời gian khoảng một tháng đi biển, cần 1.200-1.500 cây đá, tương đương 12-15 triệu đồng.

Nhưng, khi thay thế bằng urea, hàn the, chloramphenicol thay cho nước đá để ướp hải sản thì không những chi phí rẻ hơn nhiều lần, mà còn giữ độ tươi con cá, con mực lâu hơn...

Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm giám sát của cơ quan làm nhiệm vụ “gác cửa” vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đại diện Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang “sửa sai” những hạn chế nêu trên bằng việc xây dựng chương trình quản lý hồ sơ chất lượng thủy sản tại chợ Bình Điền.

Theo cách làm này, từng chủ vựa sẽ được phổ biến kiến thức về tác hại khi sử dụng chất bảo quản cấm, quy định kiểm soát mối nguy mất an toàn vệ sinh như tác nhân nhiễm vi sinh, nhiễm khuẩn. Mỗi ô vựa phải giám sát tốt môi trường nền gạch, nguồn nước, khay đựng, đá ướp, vệ sinh cá nhân.

Sau khi có trong tay hồ sơ chất lượng tại chợ, Chi cục làm bước tiếp theo là xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc (giống như thực phẩm thú y).

Hiện nay, Chi cục đang phối hợp với các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bình Thuận mở các lớp tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thủy hải sản cho ngư dân, chủ vựa thu gom. Mục đích là để từ đầu năm 2010 sẽ biết được “đường đi” của từng mặt hàng thủy hải sản khi đưa vào thành phố, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng các chất bảo quản cấm trong thủy hải sản.



Theo TTXVN/VietNam+
Báo cáo phân tích thị trường