Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mua lúa gạo tạm trữ: Doanh nghiệp tự định giá sàn!
03 | 03 | 2010
Việc doanh nghiệp kinh doanh tự định ra mức giá thu mua lúa liệu có đảm bảo tính khách quan, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân? Đó là những băn khoăn được đặt ra tại hội nghị tổng kết xuất khẩu gạo 2009 và triển khai mua vào lúa gạo hàng hoá vụ đông xuân 2009 – 2010 do hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức sáng 2.3 tại An Giang.

Chi phí đầu vào sản xuất lúa đông xuân, đến thời điểm này, dù đã vào vụ thu hoạch rộ nhưng vẫn chưa có con số chính thức được đưa ra từ phía bộ Tài chính. Và định mức giá thành sản xuất lúa 2.200 đồng/kg mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo lấy làm căn cứ thu mua lúa khô tại kho không dưới 4.000 đồng/kg là do VFA… tự đứng ra khảo sát.

Giá thành 2.200 hay 3.900 đồng/kg?

Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, cho rằng qua khảo sát sơ bộ ở một số địa phương, mức giá thành chi phí đầu vào 2.200 đồng/kg là tương đối phổ biến, tất nhiên ở một vài địa phương có điều kiện sản xuất khó khăn thì chi phí có cao hơn. Do đó, trong lúc chờ bộ Tài chính đưa ra con số chính thức, thì việc VFA tự đưa ra mức chi phí giá thành đầu vào để tiến hành áp giá thu mua không dưới 4.000 đồng/kg lúa khô tại kho cho nông dân là có cơ sở và chấp nhận được.

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA cũng thừa nhận, bức xúc lớn nhất hiện nay là việc công bố giá thành. Mặc dù Chính phủ giao bộ Tài chính công bố giá thành từ đầu vụ nhưng đến nay vẫn chưa có. Nhiều địa phương tự khảo sát công bố lên tới 3.500 – 3.900 đồng/kg là không thực tế nên VFA tự đứng ra tạm tính mức giá là 2.200 đồng/kg. “Chúng tôi dự kiến mua tối thiểu 4.000 đồng/kg lúa tại kho thì nông dân có thể bán được khoảng 3.800 – 3.900 đồng, mức giá này đảm bảo nông dân có lời tối thiểu 30% trở lên”, ông Phong nói.

Nhiều địa phương cho biết chi phí đầu vào cao hơn nhiều so với mức tạm tính của VFA. Ông Vương Bình Thạnh, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, chi phí sản xuất lúa của nông dân An Giang trong vụ đông xuân 2010 là 2.740 đồng/kg. Việc giá thành đầu vào vụ đông xuân năm nay cao hơn, theo ông Thạnh là do trong số 16 chỉ tiêu mà bộ Tài chính căn cứ tính chi phí sản xuất thì có tới 11 chỉ tiêu tăng giá như phân bón, điện, nước, thuốc trừ sâu... Do đó, để đảm bảo nông dân có lời thì giá mua tối thiểu phải 4.200 đồng/kg chứ không phải chỉ có 4.000 đồng/kg.

Theo VFA, Việt Nam năm 2010 dự kiến xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo sang Philippines, Malaysia 500 ngàn tấn, (đã ký 200 ngàn), Cuba 400 ngàn tấn, châu Phi 1,6 triệu tấn, Iraq 200 ngàn tấn. Các thị trường khác dự kiến khoảng 1 triệu tấn.

Lúa ế

Nhiều ngày qua, dù kế hoạch thu mua tạm trữ triển khai, nhưng nhiều nơi như Đồng Tháp, Long An, An Giang nông dân cần bán lúa không có người mua. Ông Phạm Văn Rạnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho hay vụ này nông dân trong tỉnh cần bán khoảng 440.000 tấn gạo. Nhưng sau tết doanh nghiệp chưa đẩy mạnh thu mua, cộng thêm áp lực tồn kho từ 2009 chuyển qua nên có hiện tượng nông dân khó bán lúa, giá giảm mạnh. Thực tế, dù doanh nghiệp công bố giá thu mua không dưới 4.000 đồng/kg, nhưng nhiều nơi vùng sâu vùng xa, nông dân bán chỉ được giá 3.700 – 3.800 đồng.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, việc mua lúa cho nông dân vẫn phụ thuộc vào thương lái thì khó cho người trồng lúa. Kế hoạch thu mua 1 triệu tấn gạo đông xuân lần này, mặc dù VFA đã tính đến phương án “kéo” lực lượng hàng xáo, nhà máy xay xát vào nhưng sự ràng buộc giữa doanh nghiệp và đối tượng này vẫn chưa thấy nói đến. Chưa kể, theo quy định của ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp thực hiện hợp đồng mua bán gạo trị giá từ 20 triệu đồng trở lên phải có hoá đơn, thanh toán qua ngân hàng. Trong khi lực lượng thương lái, hàng xáo hầu hết đều không có tài khoản.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc doanh nghiệp chủ động kho chứa, mua lúa gạo dự trữ đáp ứng chân hàng là điều kiện bắt buộc trong kinh doanh chứ không phải chờ chỉ đạo, chờ Nhà nước hỗ trợ. “Chỉ khi nào thị trường quá khó khăn về đầu ra, giá giảm mạnh gây thiệt hại nông dân thì lúc đó Chính phủ mới tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp vốn mua tạm trữ” – ông Thạnh góp ý.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường