Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm thêm thị trường để cứu giá lúa
03 | 03 | 2010
Sớm đàm phán với đối tác nhập hàng để giải quyết tồn kho và xuất 1 triệu tấn gạo mà doanh nghiệp sẽ mua trong tháng 3 và 4.

Bằng mọi cách phải kéo giá thu mua lúa trong nước lên và Bộ Tài chính cần sớm công bố chi phí giá thành sản xuất lúa để doanh nghiệp chủ động đề ra giá sàn thu mua lúa phù hợp để đảm bảo nông dân có lời. Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị như vậy tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu gạo năm 2009 và triển khai mua lúa gạo vụ đông xuân diễn ra tại TP Long Xuyên (An Giang) ngày 2-3.

Thị trường xuất khẩu phức tạp hơn năm trước

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đều thống nhất để tránh giá lúa trong nước xuống thấp thì phải tìm đầu ra bằng cách tìm thêm thị trường xuất khẩu gạo. Ông Nguyễn Thành Quế, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sớm đàm phán với đối tác nhập hàng để giải quyết tồn kho và 1 triệu tấn gạo mà doanh nghiệp sẽ mua trong tháng 3 và 4.

Ông Quế không đồng ý việc một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước nên liên doanh với công ty đa quốc gia xuất khẩu qua những thị trường tập trung như Iraq, Cuba. Việc liên doanh này sẽ làm giá gạo xuất khẩu xuống thấp trong khi tại các thị trường tập trung doanh nghiệp Việt Nam có thể làm chủ được vấn đề giá cả.

Giá lúa gạo sau tết đang có xu hướng giảm. Ảnh minh họa: TR.HIẾU

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Võ Trọng Nghĩa đề xuất nên cho doanh nghiệp đấu thầu các gói thầu xuất khẩu đã trúng. Số tiền chênh lệch trong đấu thầu sẽ được đưa vào quỹ bình ổn giá nhằm hỗ trợ giá lúa gạo khi xuống thấp.

Tuy nhiên, ông Bùi Tất Tiếp Quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng hợp đồng trúng thầu nên chia chứ không đấu thầu lại trong nước vì như thế sẽ càng thêm rắc rối. Ngoài ra, VFA theo dõi sát doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào gặp khó khăn về tài chính thì nên ưu tiên hợp đồng xuất khẩu trước để có vốn kinh doanh.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Tổ trưởng Tổ Điều hành xuất khẩu gạo, cho biết thêm năm 2009 xuất khẩu gạo 6 triệu tấn được coi là kỳ tích của ngành nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay. Thị trường xuất khẩu gạo năm 2010 có những diễn biến phức tạp, mâu thuẫn và không giống các năm trước. Tuy nhiên, bằng mọi cách phải đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo đã sản xuất và tồn kho của doanh nghiệp. Bộ Công thương sẽ chỉ đạo quyết liệt các thương vụ tại một số thị trường xuất khẩu lớn như Philippines, Malaysia, một số nước châu Phi, tìm kiếm thêm thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Giá lúa đang xuống

Theo VFA, sau khi thông tin doanh nghiệp sẽ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giá lúa đã có chiều hướng nhích lên. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Rạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết giá lúa gạo sau tết đang có xu hướng giảm. Đến ngày 1-3, doanh nghiệp tại Long An đã thu mua được 85.000 tấn. Hiệp hội đề nghị doanh nghiệp mua với giá từ 4.000 đồng/kg trở lên nhưng nhiều nơi người dân chỉ bán được với giá 3.700-3.800 đồng/kg. Thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, nông dân muốn nhưng vẫn không bán được lúa.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, thừa nhận bức xúc lớn nhất hiện nay là việc công bố giá thành. Mặc dù Chính phủ giao Bộ Tài chính công bố giá thành từ đầu vụ nhưng đến nay vẫn chưa có. Nhiều địa phương tự khảo sát công bố lên tới 3.500-3.900 đồng/kg là không thực tế nên VFA tự đứng ra tạm tính mức giá là 2.200 đồng/kg. VFA dự kiến mua tối thiểu 4.000 đồng/kg lúa tại kho thì nông dân có thể bán được khoảng 3.800-3.900 đồng. Mức giá này đảm bảo nông dân có lời tối thiểu 30% trở lên.

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết qua khảo sát, tính toán thì chi phí sản xuất lúa của nông dân ngày càng tăng. Ngay trong vụ đông xuân năm nay, trong 16 chỉ tiêu mà Bộ Tài chính căn cứ để tính chi phí sản xuất thì có tới 11 chỉ tiêu tăng giá như phân bón, điện, nước, thuốc trừ sâu... Do đó, để đảm bảo nông dân có lời thì giá mua tối thiểu phải 4.200 đồng/kg chứ không phải mức giá 4.000 đồng/kg như đề xuất. Ngoài ra, với mức giá trên, doanh nghiệp phải mua trực tiếp thì nông dân mới có lãi.

Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị ngưng xuất khẩu

"Dự thảo nghị định điều hành kinh doanh, xuất khẩu gạo đang lấy ý kiến có hẳn một chương quy định chế tài doanh nghiệp bán phá giá. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị ngưng xuất khẩu gạo tới 3-6 tháng, thậm chí có thể bị thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo. Hy vọng Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định này để kiểm soát xuất khẩu gạo tốt hơn. "

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương

Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp phá giá

Doanh nghiệp không thống nhất giá chào bán đã gây thiệt hại cho xuất khẩu gạo. Để doanh nghiệp bán phá giá thì một phần lỗi từ phía hiệp hội khi không kiên quyết xử lý, hay chưa mạnh dạn chia 30% số lượng hợp đồng mà doanh nghiệp phá giá đã ký. Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp bán phá giá, kể cả doanh nghiệp đó được coi là “đại gia” trong xuất khẩu gạo. "

Ông Lê Huy Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường