Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nạn sản xuất, buôn bán phân bón giả: Người ngay sợ kẻ gian
16 | 03 | 2010
Nhiều vụ án làm phân bón giả đã bị khởi tố từ lâu, nhưng đến nay vẫn "đắp chiếu", gây bức xúc cho doanh nghiệp và nông dân. Đáng lưu ý, đã xuất hiện hành vi biến thuốc bảo vệ thực vật có độc chất thành phân bón có thể gây nguy hại cho sức khoẻ tính mạng nông dân, môi trường...

Tại hội nghị phân bón vụ hè thu 2010 vừa tổ chức tại TPHCM, một doanh nghiệp sản xuất phân bón ở ĐBSCL cho hay, hiện nay các đối tượng bán phân bón giả chuyển phương thức hoạt động vào... buổi tối. Cứ khoảng 21-23h là chúng “tung quân” len lỏi khắp miệt vườn, vào tận nhà dân “lai rai” và gạ gẫm bán phân bón.

Dân ham rẻ, lại nghe lời ngọt, thêm tí “men” vào, dốc tiền mua và sau này mới biết hậu quả thì đã muộn. “Nhiều khi chúng tôi có phát hiện, nhưng mình không được quyền bắt giữ. Báo cơ quan chức năng đến nơi thì chúng đã đi mất. Chúng chỉ cần dán nhãn mác của mình vào, dân thiệt hại một lần là sợ luôn tên tuổi mình. Đến khi “chờ được vạ” thì “má đã sưng” rồi. Nói thật bây giờ chúng tôi cũng phải sợ kẻ gian!” - DN này nói!

Ông Nguyễn Đình Hạc Thuý (Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam) cho biết, hàng loạt thương hiệu phân bón lớn của Cty XNK Hà Anh (Thanh Hoá); TSC (Cần Thơ); Vinacam (An Giang)... đều bị làm giả, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

“Trong khi đó, nhiều vụ án về làm phân bón giả như vụ án Cty CP thương mại Tân Trường Sinh, HTX Bắc Băng Vương... đã có quyết định khởi tố của Bộ Công an và VKSND, nhưng hơn 1 năm nay đến giờ vẫn “đắp chiếu”, gây bức xúc cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính! Hiện nay, nạn phân bón giả cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu đang âm ỉ và có nguy cơ tiếp diễn!” - ông Thuý nói. Theo các DN, trong các loại phân thì chỉ có phân urê ít có khả năng làm giả. Mà Urê chỉ chiếm 1/4 tổng lượng phân cả nước dùng trong 1 năm (2/8 triệu tấn phân).

Theo ước tính, trong 6 triệu tấn có khả năng bị làm giả, kém chất lượng,  chỉ cần 10% bị làm giảm chất dinh dưỡng thì nông dân mất khoảng 2.400 tỉ đồng/năm, chưa nói những thiệt hại lâu dài cho môi trường .

Báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, vừa qua có doanh nghiệp (Cty TNHH Kiên Nam) đã dùng thuốc bảo vệ thực vật chứa các chất nitro benzen, Ethephon, Kinaphon chuyển thành dạng phân bón để bán khắp Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang cho người trồng caosu để kích thích ra mủ.

Chỉ đơn cử với chất Nitro Benzen, theo tài liệu khoa học, nếu sử dụng không đúng hàm lượng, chất này có thể gây hại người tiếp xúc như gây độc qua đường hô hấp, đường tiêu hoá, ngộ độc gan, huyết tố...; nên việc “chế” thuốc BTVT thành phân bón rất nguy hiểm cho người sử dụng. Bởi sử dụng thuốc BVTV khác với... bón phân.

Nếu để đúng nguyên bản là thuốc BVTV thì người dân phải sử dụng đúng cách (găng tay, khẩu trang và các bảo hộ sức khoẻ khác), đúng liều lượng mới đảm bảo an toàn sức khoẻ, chứ không đơn giản như... bón phân.



Theo Lao Động Online
Báo cáo phân tích thị trường