Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khả năng cạnh tranh giá nông sản xuất khẩu Việt Nam nhìn từ khía cạnh tỷ giá
24 | 03 | 2010
Năm 2009, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 7,8 tỷ USD với lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng trưởng dương so với năm 2008 bất chấp những dự đoán về ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên cầu của những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật,…

Xuất khẩu nông sản Việt Nam 2009

Năm 2009, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 7,8 tỷ USD với lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng trưởng dương so với năm 2008 bất chấp những dự đoán về ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên cầu của những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật,…

Lượng xuất khẩu (ngàn tấn) một số mặt hàng nông sản Việt Nam 2008 – 2009
Nguồn: Agro tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

Điều đáng nói là mặc dù có mức tăng trưởng dương về lượng nhưng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đều giảm so với năm 2008. Nguyên nhân chủ chốt là do sự trượt giá của các mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới.

Giá trị xuất khẩu (triệu USD) một số mặt hàng nông sản Việt Nam 2008 – 2009
Nguồn: Agro tổng hợp từ Tổng cục Hải quan và GSO


Để bù đắp giá trị sụt giảm do trượt giá, ngoài biện pháp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cho các mặt hàng nông sản Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu là một vấn đề quan trọng. Liên quan đến khía cạnh này, vấn đề tỷ giá đóng một vai trò quan trọng.

Diễn biên tỷ giá VND/USD

Những tháng cuối năm 2009 – đầu năm 2010, điểm gây chú ý nhất trong bức tranh kinh tế vĩ mô là vấn đề tỷ giá. Trong thời gian ngắn, những động thái điều tiết thị trường tiền tệ của NHNN làm dấy lên làn sóng tranh luận về hiệu ứng của những điều chỉnh mới này lên các mặt hoạt động của nền kinh tế Việt Nam – nền kinh tế hiện vẫn lấy hoạt động xuất khẩu làm trọng tâm tăng trưởng mặc dù đang có những bước chuyển mình hướng vào thị trường nội địa.
Từ ngày 26/11/2009, NHNN chính thức áp dụng tỷ giá niêm yết và biên độ tỷ giá mới. Theo đó, biên độ tỷ giá thu hẹp từ +5% xuống +3% và tỷ giá niêm yết tăng 5,44%, từ 17.034 VND/USD lên 17.961 VND/USD.

Sau hơn hai tháng từ lần điều chỉnh trên, từ ngày 11/2/2010,NHNN quy định tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 18.544 VND/USD, tương đương tăng 3,36% từ mức 17.941 VND/USD của ngày 10/2/2010.

Những điều chỉnh tỷ giá chính thức của NHNN nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do. Khoảng cách chênh lệnh giữa hai tỷ giá này trong lần điều chỉnh đầu tiên là 1.000 VND/USD và được thu hẹp về mức 681 - 771 đồng/USD sau lần điều chỉnh thứ hai.

Về lý thuyết kinh tế nói chung, việc giảm giá đồng tiền mang lại hiệu ứng kích thích xuất khẩu, giảm nhập khẩu do hàng hóa xuất khẩu trở nên rẻ hơn tại các thị trường tiêu thụ trong khi hàng nhập khẩu đắt lên ở thị trường nội địa. Tuy vậy, mức độ của hiệu ứng này cần phải đặt trong bối cảnh tăng giá các mặt hàng nhiên liệu đầu vào, hàng tiêu dùng và tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu trong các mặt hàng xuất khẩu.

Những hiệu ứng

Tỷ giá VND/USD tăng trong bối cảnh đồng USD đang yếu đi tương đối so với một số đồng tiền như won, đôla Úc, rupee Ấn, peso Philippines,.... Khi VND/USD tăng, giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên rẻ tương đối so với hàng hóa các nước khác trên các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, khi USD trở nên yếu hơn tương đối so với đồng tiền nội địa trên các thị trường này, hàng hóa nhâp khẩu bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn do giá rẻ hơn tương đối. Do đó, với điều kiện hiện nay, có thể nói đây là điều kiện thuận lợi kép về cạnh tranh giá của nông sản xuất khẩu Việt Nam trên những thị trường xuất khẩu nông sản chính.
Mặt khác, dù Việt Nam thuộc nhóm những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu ở nhiều ngành hàng như lúa gạo, cao su, điều, tiêu,… nhưng tỷ trọng nhập khẩu đầu vào cho sản xuất nông sản còn cao. Cho đến nay, hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 50% lượng phân bón sử dụng cho nông nghiệp trong 1 năm, 60% điều thô cho ngành công nghiệp chế biến điều nhân xuất khẩu.

Nhập khẩu một số đầu vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam 2008 – 2009 (lượng: ngàn tấn, giá trị: triệu USD)

Năm

Thức ăn chăn nuôi

Phân bón

Lượng

Giá trị

Lượng

Giá trị

2008

-

1752

2978

1474

2009

-

1770

4500

1350

2 tháng/2010

-

353

748

231

Nguồn: Agro tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

Từ thực tế trên, việc giảm giá VND tạo ra những hiệu ứng rất khác nhau giữa các ngành hàng nông sản xuất khẩu có tỷ trọng nhập khẩu đầu vào sản xuất khác nhau.

Hiệu ứng tích cực về cạnh tranh giá xuất khẩu lan tỏa mạnh nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng có tỷ trọng nguyên nhiên liệu xuất khẩu thấp do khi giảm giá tiền đồng, nguyên nhiên liệu nhập khẩu lại trở nên đắt tương đối. Trong khi đó, điều này tạo nên những hiệu ứng trái chiều trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu cao.
Tiêu biểu nhất trong trường hợp này là ngành điều xuất khẩu. Hiện Việt Nam phải nhập khẩu 60% điều thô nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến điều nhân xuất khẩu có công suất hơn 700 ngàn tấn/năm. Năm 2010, hiệp hội điều dự kiến nhập khẩu 250 ngàn tấn với tổng vốn cho điều nguyên liệu nhập khẩu là 4.320 tỷ đồng, tương đương khoảng 930 – 935 USD/tấn theo tỷ giá những tháng đầu năm 2010. Trong bối cảnh giá điều xuất khẩu chưa có nhiều tín hiệu tích cực, tỷ trọng điều thô nhập khẩu trong chế biến cao, việc tăng tỷ giá VND/USD làm giảm hiệu ứng tích cực về cạnh tranh giá ở các thị trường tiêu thụ điều Việt Nam.

Ngoài ra, sự tăng giá nhiên liệu đầu vào như xăng dầu, điện,… gây áp lực tăng giá hàng hóa trong nước, đặt ra nguy cơ lạm phát cho nền kinh tế. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của thị trường trong nước vẫn cao. Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu 2010 tăng 3,39 tỷ USD so với cùng kỳ 2009 với tất cả các mặt hàng tăng trưởng dương. Trong khi đó, cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật, EU,… khó khôi phục lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng do kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng. Những yếu tố này có thể dẫn đến thâm hụt thương mại của Việt Nam ngày càng lớn, kết hợp với nguy cơ lạm phát trong nước sẽ lại đặt áp lực giảm giá tiền đồng.

Vòng ảnh hưởng trên có thể kéo theo tăng chi phí nhân công trong nước. Với các ngành như cao su, mía đường, điều, giá mủ cao su, đường, điều nhân xuất khẩu trực tiếp tỷ lệ thuận với chi phí nhân công. Do đó, cùng với những yếu tố trên có thể khiến chi phí sản xuất hàng hóa nông sản tăng và giảm lợi nhuận xuất khẩu hàng hóa của các ngành này.

Kết luận

Mỗi một điều chỉnh vĩ mô đều có tác động nhiều chiều lên các hoạt động kinh tế. Với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, vấn đề tỷ giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Với sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong bối cảnh hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn ít giá trị gia tăng, tỷ trọng nguyên nhiên liệu nhập khẩu trong xuất khẩu lớn, giá nhân công biến động cùng giá xuất khẩu, ảnh hưởng của tỷ giá, thời điểm và mức giá nhập khẩu nguyên nhiên liệu, liên kết xuất khẩu để tránh hiện tượng trượt giá xuất khẩu không kiểm soát cần được các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đặc biệt chú trọng.



Kim Dung/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường