Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bất thường xuất siêu
03 | 03 | 2009
Trái với dự đoán về những khó khăn, hai tháng đầu năm đã chứng kiến cảnh xuất siêu đáng ngạc nhiên.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2009, Việt Nam đã xuất siêu hơn 400 triệu USD, do xuất khẩu đạt 3,72 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chỉ ở mức 3,3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước tính khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 15% so với tháng 1. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng tốc lên 4,4 tỷ USD, tăng tới 32% so với tháng 1. Tuy trong tháng này, xuất khẩu không còn “vượt mặt” nhập khẩu nhưng tính chung cả hai tháng đầu năm Việt Nam vẫn trong tình trạng xuất siêu gần 300 triệu USD.

Tại cuộc họp giao ban mới đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các chuyên gia cho rằng tình trạng xuất siêu trong bối cảnh cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu giảm không phải là tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế. Hồi cuối năm ngoái, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch nhập khẩu cả nước năm nay ở mức 90,3 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2008. Theo đó, nhập siêu sẽ là 19,2 tỷ USD, bằng 27% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên xuất siêu của hai tháng đầu năm đang ở con số hàng trăm triệu USD. Với một nước nhập siêu như Việt Nam, xuất siêu đang được xem như hiện tượng bất thường.

Theo lý giải của một chuyên gia, xuất siêu diễn ra trong bối cảnh cả xuất khẩu và nhập khẩu đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước, đặc biệt là xuất khẩu, cho thấy xuất siêu chỉ là “bề nổi” của việc kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Sâu xa của vấn đề là tình trạng sản xuất kém phát triển, dẫn tới nhập khẩu sút giảm mạnh.

Cụ thể, trong tháng 1 hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều giảm rất mạnh so với cùng kỳ như dầu thô, giảm tới 52%, dệt may giảm 33%. Một số mặt hàng khác có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng như đá quý và kim loại (tăng 7 lần), nhưng đây chỉ là hiện tượng nhất thời do giá vàng trong nước ở mức thấp hơn thế giới và việc NHNN mở quota xuất khẩu cho một số doanh nghiệp thời gian qua. Trong tháng 2, kim ngạch nhập khẩu đã tăng lên 15,5% so với tháng 1, song đa số các mặt hàng chủ yếu vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2008.

Theo Bộ Kế hoạch& Đầu tư, sở dĩ xuất khẩu giảm do giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm, cộng thêm sự thu hẹp thị trường do khủng hoảng kinh tế khiến lượng bị giảm mạnh. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường chính là Hoa Kỳ, EU, Asean, Nhật Bản đều giảm trên 20%. Xuất khẩu gặp khó khăn là điều đã được dự đoán do cuộc khủng hoảng kinh tế. Điều thực sự đáng quan ngại lại mang tên nhập khẩu.

Nhập khẩu giảm: quan ngại lớn

Nhập khẩu hai tháng đầu năm đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượng và kim ngạch, đặc biệt là tháng 1. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch& Đầu tư, kim ngạch nhập khẩu của hai tháng đầu năm ước đạt 7,73 tỷ USD, giảm tới 43,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu chủ lực đều giảm về lượng so với cùng kỳ, như thép giảm 74,2%, xăng dầu giảm 26,2% về lượng và 60% giá trị, ôtô giảm 60%... Các đối tác lớn là Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan đều giảm mạnh kim ngạch, xấp xỉ trên dưới 40%.

Ngoài yếu tố sụt giảm về giá, nhập khẩu giảm cho thấy nhu cầu tiêu dùng cũng như sản xuất trong nước đang giảm mạnh. Đặc biệt, sự sụt giảm của nhóm hàng phục vụ cho sản xuất, xây dựng được lo ngại sẽ đem lại khó khăn cho phát triển kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Lâu nay nhập siêu lớn vẫn được lý giải do Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp. Nhìn ở khía cạnh tích cực này nhập siêu không đáng quan ngại. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, nhập siêu tạo ra gánh nặng kinh tế vĩ mô, thâm hụt cán cân thanh toán của đất nước do lấy đi một khối lượng lớn ngoại tệ. Tuy nhiên, việc kim ngạch xuất nhập khẩu đi lệch khỏi quỹ đạo bình thường với việc xuất hiện hiện tượng nhập siêu lại cho thấy khả năng chống chọi của nền kinh tế trong khủng hoảng là chưa hiệu quả.

Một quan chức Bộ Công Thương cho rằng, nếu nhập siêu giảm không gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu thì sẽ vô nghĩa. Xuất siêu phải phản ánh tình trạng sản xuất - xuất khẩu tốt của nền kinh tế, nhưng nếu chỉ đơn thuần vì tốc độ nhập giảm mạnh hơn xuất mà dẫn tới xuất siêu, thì xuất siêu lại chính là hệ quả của suy giảm kinh tế.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường