Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường liệu có tăng?
04 | 05 | 2010
AGROINFO - Diễn biến giá đường Việt Nam trong nhiều năm qua luôn tương đồng với diễn biến giá đường thế giới, nhưng ở mặt bằng giá cao hơn. Nên khi giá đường thế giới tăng thì giá đường trong nước sẽ có đà để tăng theo. Trước đà tăng lên của giá đường thế giới, liệu giá đường trong nước có tăng theo, câu hỏi này còn là vấn đề băn khoăn không chỉ với nhiều doanh nghiệp, với người nông dân….

Thị trường mía đường xoay chiều

Ngày 4.1.2010, phiên giao dịch đầu tiên của năm 2010 tại sàn giao dịch hàng hoá nông sản London, giá đường trắng leo lên mức 721,7USD/tấn (giao tháng 3), mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ qua. Tuy nhiên sau đó giá đường trên thị trường thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai tháng qua do hoạt động bán ra của các nhà đầu cơ và ảnh hưởng tăng giá của đồng USD. Giá đường từ mức 794 USD/tấn (29/1) giảm xuống mức 653 USD/tấn (25/2) và hiện dao động ở mức 673,7 USD/tấn. Tháng Ba, giá đường thế giới còn có khả năng giảm nhẹ do nguồn cung được bổ sung khi Thái Lan vào vụ sản xuất mía đường. Tuy nhiên, giá đường tại thị trường trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Giá thu mua mía hiện vẫn đứng ở mức cao.

Hình minh họa: Internet

Sau khi đạt đỉnh vào tháng 12/2009, giá đường trên thị trường nội địa tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2010. Giá đường tinh luyện tại thị trường Hà Nội vào tháng 2/2010 đạt 19.000 đồng/kg, tăng 5,56% so với tháng 1/2010 và 11,76% so với tháng 12/2009; giá đường tinh luyện tại thị trường Đà Nẵng khoảng 18.800 đồng/kg, tăng 1,1% so với tháng 1/2010 và 9,47% so với tháng 12/2009. Đến tháng 3/2010, giá đường có khuynh hướng giảm nhẹ, tại thị trường Hà Nội, giá đường giảm xuống còn 18.625 đồng/kg, tại Đà Nẵng giảm xuống còn 17.636 đồng/kg, đây dường như là tín hiệu cho thấy giá đường đã chững lại và đi xuống. Tuy nhiên sang đầu tháng 4, giá đường lại có dấu hiệu tăng lên, tại thị trường Hà Nội đường đã lên đến 19.500 đồng/kg, trong khi đó tại Đà Nẵng, giá đường cũng lên tới 17.760 đồng/kg, tăng 0,7% so với tháng 3/2010.

Vậy trong thời gian tới, liệu giá đường còn tiếp tục tăng?

Theo Báo cáo thường niên ngành hàng mía đường 2009 và triển vọng 2010 của AGROINFO, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam trong năm 2010 sẽ vào khoảng 1,51 triệu tấn; trong khi đó, sản lượng đường sản xuất nội địa (tính theo tổng công suất thiết kế tối đa của các nhà máy khoảng 1 triệu tấn) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Trên thực tế, các nhà máy đường Việt Nam hiện chưa hoạt động được với công suất tối đa do thiếu nguyên liệu, lượng cung đường biến động hàng năm phụ thuộc vào tình hình sản xuất mía nguyên liệu. Tuy nhiên, sản lượng mía nguyên liệu lại biến động theo mùa vụ, phần do giá mía nguyên liệu thường xuyên biến động, phần do một số nơi chưa có sự gắn kết giữa người trông mía và nhà máy đường, nên gây ra tâm lý bấp bênh cho người dân khi lựa chọn cây mía để đầu tư gieo trồng.

 

Trong những năm qua, giá mía nguyên liệu không ngừng tăng do các yếu tố chi phí sản xuất như nhân công, phân bón, chi phí tài chính tăng lên. Mặt khác, sự cạnh tranh của các cây trồng khác như sắn nguyên liệu và tình hình phát triển các khu công nghiệp - đô thị khiến cho diện tích trồng mía bị thu hẹp, dẫn tới việc cạnh tranh mua mía nguyên liệu của các nhà máy càng gay gắt, đẩy giá mía nguyên liệu tăng cao. Trong khi đó, chi phí cho mía nguyên liệu chiếm tới trên 50% tổng chi phí sản xuất đường, do đó giá thành sản xuất đường nội địa trong ngắn hạn khó có thể giảm xuống.

Theo dự báo của USDA, các hiệp hội chế biến đường quốc tế và các quỹ đầu cơ cho thấy sản lượng đường thế giới niên vụ 2009/2010 có thể sẽ sụt giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi ở các quốc gia sản xuất, xuất khẩu đường chính trên thế giới và sự cạnh tranh về nguyên liệu mía của các ngành sản xuất nguyên liệu sinh học. Theo dự báo, sản lượng đường thế giới niên vụ 2009/2010 sẽ vào khoảng 165 triệu tấn và thị trường đường thế giới sẽ tiếp tục lún sâu hơn vào tình trạng thâm hụt nguồn cung. Do đó, giá đường thế giới sẽ vẫn giữ ở mức cao.

Diễn biến giá đường Việt Nam trong nhiều năm qua luôn tương đồng với diễn biến giá đường thế giới, nhưng ở mặt bằng giá cao hơn. Nên khi giá đường thế giới tăng thì giá đường trong nước sẽ có đà để tăng theo.

Mặt khác thời điểm này cũng chuẩn bị bước vào thời điểm chuyển mùa, nhu cầu tiêu dùng đường của các hộ gia đình và của các nhà máy chế biến nước giải khát có sử dụng đường sẽ tăng lên do vậy giá đường trong nội địa khó có khả năng giảm trong thời gian tới.

AGROINFO



Báo cáo phân tích thị trường