Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội "vàng” cho gạo Việt Nam
08 | 12 | 2009
Với vai trò “độc nhất vô nhị” của loại lương thực nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới, trong đó chủ yếu là các quốc gia đang phát triển, an ninh lúa gạo thế giới đứng trước nguy cơ thêm một năm bị đe doạ sau sáu năm liên tục “bồ thóc”của thế giới rất “vơi”, thị trường gạo thế giới đang có những biến động bất ngờ. Trong bối cảnh như vậy, nếu đón bắt được xu thế, chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội vàng hiếm có này.
FAO hoàn toàn có lý khi liên tục cảnh báo rằng, an ninh gạo thế giới từ nhiều năm nay đã không được bảo đảm. Các số liệu thống kê tiêu dùng và dự trữ gạo thế giới cho thấy, nếu như bình quân dự trữ gạo trong suốt 17 năm từ 1987 đến 2003 bảo đảm cho thế giới có thể tiêu dùng trong 17,44 tuần lễ, thì con số này trong sáu năm trở lại đây đã “rơi tự do” xuống chỉ còn 9,82 tuần. Trong đó, nếu như năm 2009 kết thúc với mức dự trữ ước tính 10,83 tuần, thì dự báo năm 2010 sẽ giảm xuống chỉ còn 10,23 tuần.
“Quýt làm, cam chịu” ?
Đương nhiên, triển vọng rất đáng lo ngại đó của an ninh gạo thế giới tuy bắt nguồn từ những biến động trong sản xuất lúa của gần 90 quốc gia và trong tiêu dùng gạo của trên 100 quốc gia. Nhưng sự chao đảo của thị trường gạo thế giới hiện nay chủ yếu lại bắt nguồn từ những động thái của một số quốc gia chủ yếu sản xuất, tiêu dùng và XNK gạo.
Trong đó, nếu như từ cách đây gần bốn tháng, thị trường gạo thế giới bắt đầu rung động trước việc Ấn Độ, quốc gia giữ vị trí thứ hai trong sản xuất và tiêu dùng gạo thế giới, bị mất mùa lớn, thì trong hơn một tháng gần đây thực sự chao đảo trước những bước đi dị thường của Philippines, quốc gia liên tục giữ vị trí NKgạo nhiều nhất thế giới từ năm 2006 đến nay.
Cụ thể, ở thời điểm tháng 7 vừa qua, thế giới còn dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục đạt kỷ lục mới trong sản xuất 99,5 triệu tấn gạo năm 2010 (năm nay đạt kỷ lục gần 99,4 triệu tấn), thì đầu tháng 8, thị trường gạo thế giới thực sự bị dội một gáo nước lạnh khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo rằng, do thiên tai rất nặng nề, sản lượng gạo của Ấn Độ sẽ chỉ đạt 84 triệu tấn, còn theo dự báo ngày 12/11 vừa qua thì sẽ tiếp tục “co lại” chỉ còn 83 triệu tấn, tức là giảm tới 16,15 triệu tấn và 16,29% so với năm nay.
Do vậy, Ấn Độ chính là “thủ phạm chính” kéo sản lượng gạo thế giới năm 2010 giảm xuống 432,1 triệu tấn so với 445,8 triệu tấn trong năm nay, trong khi tiêu dùng gạo của nước này tuy phải “thắt lưng buộc bụng” 4,15 triệu tấn so với năm nay, nhưng vẫn còn đạt 89 triệu tấn (năm nay tiêu dùng 93,15 triệu tấn), cho nên cao hơn sản lượng tới 6 triệu tấn và 7,23%. Rõ ràng, việc Ấn Độ buộc phải dốc gần 42% “bồ thóc” dự trữ không lớn của mình cho tiêu dùng (7,1 triệu tấn trong tổng số 17 triệu tấn) cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến an ninh gạo toàn cầu vốn đã rất mong manh hiện nay càng trở nên mong manh hơn như đã nói ở trên.
Như vậy, tuy ba trận cuồng phong liên tiếp đổ vào Philippines làm mùa màng nước này bị tổn thất 1,3 triệu tấn lúa, quy ra gạo khoảng 845 nghìn tấn, khiến quốc đảo này chắc chắn sẽ phải gia tăng nhập khẩu. Nhưng rõ ràng là tổn thất này không khác gì “giọt nước làm tràn ly”, bởi chính Ấn Độ mới là tác nhân chủ yếu làm cán cân cung cầu gạo thế giới nghiêng ngả.
Đây cũng chính là lý do buộc Ấn Độ vừa phải có những động thái dọn đường cho gạo thế giới đổ vào thị trường trong nước, vừa phải có những bước đi đầu tiên thăm dò phản ứng của thị trường. Cho nên đây cũng chính là căn cứ rất xác đáng của những đồn đoán, rằng Ấn Độ thay vì vốn đã quá quen thuộc với vị trí cường quốc xuất khẩu gạo thứ ba thế giới, sẽ NKkhoảng 2-3 triệu tấn, thậm chí 5 triệu tấn gạo. Cho nên sẽ “tranh ngôi” NKgạo nhiều nhất thế giới của quốc đảo Philippines.
Việc giá bình quân 250 nghìn tấn gạo 25% tấm của Thái Lan và nước ta trúng thầu trong phiên đấu giá đầu tiên của Philippines ngày 4 tháng trước đã tăng rất mạnh lên 468,5 và 480 USD/tấn. Còn năm gói 100 nghìn tấn chắc chắn cũng sẽ trúng thầu trong phiên đấu giá thứ hai ngày 1 tháng 12 vừa qua để mua 600 nghìn tấn với giá bình quân xấp xỉ 623 USD/tấn chắc chắn là không thể tránh khỏi sức ép này, bởi như chính Bộ trưởng Nông nghiệp nước chủ nhà khẳng định ngay trước ngày đấu giá: “Giá gạo thế giới có thể tăng trở lại mức kỷ lục của năm 2008 do thời tiết xấu làm giảm mạnh sản lượng thu hoạch khiến một số nước phải NK gạo”.
“Nước cờ” sai của Philippines ?
Thế nhưng, việc Philippines buộc phải tăng khối lượng gạo NK khoảng 600 nghìn tấn do sản lượng bị giảm khoảng 300 nghìn tấn so với năm nay trong điều kiện Ấn Độ có những động thái “tranh ngôi” NK gạo nhiều nhất thế giới của mình, cho nên thật khó để Philippines có thể NK đủ khối lượng gạo cần thiết cho mình với giá “mềm”, nhưng dường như cách thức mà quốc đảo này tiến hành NK trong thời gian vừa qua lại không khác gì việc “đổ thêm dầu vào lửa để chữa cháy”. Suy đoán này dựa trên hai căn cứ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, những bước đi trong việc liên tục mở thầu mua gạo cho năm 2010 đã có không ít dấu hiệu không bình thường.
Trước hết, đó là việc mở thầu mua 250 nghìn tấn gạo sớm hơn bình thường ít nhất 2 tháng và sau cuộc đấu thầu cho là thành công này là ba cuộc đấu thầu khác chỉ trong vòng nửa tháng (vào các ngày 1, 8 và 15 tháng 12) cùng mua 600 nghìn tấn gạo 25% tấm đã được công bố.

An ninh lúa gạo thế giới đứng trước nguy cơ thêm một năm bị đe doạ khi Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ mất mùa lớn, hơn thế thị trường gạo thế giới cũng đang tiềm ẩn nhiều biến động bất ngờ. Vì thế, nếu đón bắt được xu thế, chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội vàng hiếm có này.

Trong đó, rõ ràng là nhận định nói trên của Bộ trưởng Nông nghiệp nước này ngay trước cuộc mở thầu đầu tiên không thể không gây bất lợi cho chính quốc đảo này, bởi trong điều kiện giá gạo thế giới năm 2010 có thể tái lập kỷ lục năm 2008 thì đương nhiên giá gạo nước này NK phải tăng. Còn sau khi đã đấu thầu, việc công khai nhận định mức giá chào 468,5 USD/tấn của Cty Daewo Co Ltd (Thái Lan) và 480 USD/tấn của Vinafood II (giá C&F, tương ứng với giá FOB 420 USD/tấn, tức là tăng tới 70 USD/tấn và 20% so với một tháng trước đó) là “giá mềm, giá tốt” và việc cả thế giới đều được biết là ngân sách mà quốc đảo này chuẩn bị sẵn sàng để trả là 543 USD/tấn rõ ràng chứng tỏ rằng người mua đã sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn trên 13%.
Không những vậy, việc quốc đảo này công khai nguồn ngân sách 325 triệu USD để có thể NK600 nghìn tấn gạo 25% tấm trong cuộc đấu thầu đầu tiên trong một chuỗi ba cuộc đấu thầu liên tiếp chỉ trong vòng nửa đầu tháng này rõ ràng không khác gì việc Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA) mặc nhiên thừa nhận sẽ chấp nhận giá NKsẽ được đẩy lên gần 542 USD/tấn, tức là sẽ tăng 66,3 USD/tấn và gần 14% so với với giá trúng thầu 475,4 USD/tấn đối với 250 nghìn tấn gạo 25% tấm ngày 4 tháng 11 trước đó.
Cuối cùng, rất có thể là do không kịp xoay xở cho cuộc đấu giá thứ hai trong đầu tuần này, nhưng việc NFA vừa công bố ngân sách dành cho việc mua cũng 600 nghìn tấn gạo 25% tấm trong phiên đấu thầu thứ ba vào giữa tháng này lên 398 triệu USD, tức là tăng 63 triệu USD và 22,5% giá sẽ chấp nhận mua so với cuộc đấu thầu đầu tháng này càng chứng tỏ quốc đảo này chấp nhận mức giá trên 663 USD/tấn để NK bằng được 600 nghìn tấn tấn gạo nữa.
Thứ hai, điều đặc biệt chính là ở chỗ, các động thái nói trên được tiến hành trong bối cảnh Ấn Độ đã chính thức tuyên bố không NK gạo và hủy bỏ ba đơn xin NK tổng cộng 30 nghìn tấn gạo chắc chắn chỉ nhằm thăm dò thị trường từ cách đây trong hai tuần lễ với lý do chính thức là có đủ gạo dự trữ, nhưng lý do đích thực có lẽ không ngoài việc giá gạo NK quá cao, cộng với việc quốc gia này có nguồn lúa mỳ dự trữ rất dồi dào, có thể tăng cường sử dụng thay thế một phần rất lớn sản lượng gạo bị mất mùa. Rõ ràng là nguyên nhân lớn nhất khiến giá gạo thế giới tăng bùng nổ nếu không bị loại trừ hoàn toàn, thì chí ít cũng đã được kìm nén lại.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, trong khi những động thái trên thị trường thế giới cho thấy khả năng giá gạo có thể chùng xuống, nhưng dường như chính bản thân người NK gạo chủ yếu của thế giới lại liên tục kích thích giá thế giới tăng. Một tờ báo của nước này cuối tuần qua cũng phải thốt lên rằng, “Thật khó để hiểu những gì Philippines đang làm với việc tích cực đấu thầu và các quan chức của họ nói về khả năng giá gạo lại thêm một lần bùng nổ”.
Phía sau những bước đi đúng
Gần như chắc chắn các DN XK nước ta đã thắng thầu 3 trong 5 lô 100 nghìn tấn gạo 25% tấm với giá bình quân cao ngất ngưởng 625 USD/tấn trong phiên đấu thầu ngày 1/12 vừa qua và cũng phải tới đầu tuần sau chúng ta cũng mới có thể biết được kết quả của phiên đấu thầu đang diễn ra tại Philippines ngày hôm nay. Nhưng rõ ràng là kết quả đầu tiên này đã là một thành công mỹ mãn. Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, trong điều kiện theo như hai ông Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực nước ta (VFA), thị trường gạo thế giới đang biến động mạnh, không thể lường hết được và dự báo giá gạo còn có thể tiếp tục tăng sau khi Philippines mở ba đợt thầu gạo với số lượng lớn, mặc dù mang đi 6 “gói” gạo 100 nghìn tấn, nhưng không nên trúng hết các gói thầu, cho nên việc chỉ trúng ba gói tổng cộng 300 nghìn tấn với giá 598 USD/tấn; 630 USD/tấn và 648 USD/tấn, tức là bình quân đạt 625 USD/tấn, tức là cao hơn chút ít so với giá bình quân 615,9 USD/tấn của hai gói 599 USD/tấn của Cty Thương mại toàn cầu Dreyfus (đặt trụ sở tại Singapore) và 639,95 USD/tấn của Chaiyporn Co Ltd (Thái Lan) là một kết quả rất đáng phấn khởi. Sở dĩ như vậy là vì, ngoài việc “để dành” nguồn hàng có hạn của nước ta cho hai cuộc đấu thầu trong hai ngày 8 và 15 tiếp theo với giá có nhiều khả năng còn cao hơn, không những chúng ta đã tăng rất mạnh giá gạo XK so với của chính chúng ta chí ít là từ đầu năm đến nay, mà với giá này khoảng cách của chúng ta với cường quốc XK gạo Thái Lan đã được “san phẳng”.
Thế nhưng, với việc trúng thầu một khối lượng gạo không nhỏ với giá cao như vậy, thì trên bình diện quốc gia, trong khi đương nhiên khoản lợi “kép” mà các DN XK gạo được hưởng vốn đã lớn lại càng lớn hơn, thì rõ ràng quyền lợi của những người nông dân làm ra hạt gạo lại càng nhỏ lại.
Trước hết, về phía các DN xuất khẩu gạo, như kết quả tính toán của một thương nhân trong nghề cho biết, nếu quy đổi giá C&F bình quân 625 USD/tấn ra giá FOB (đã trừ đi khoản lãi suất ngân hàng do khách hàng trả chậm 9 tháng), thì 300 nghìn tấn gạo 25% tấm trúng thầu vừa qua có giá vào khoảng 560 USD/tấn, tức là chỉ sau chưa tròn một tháng đã tăng được 140 USD/tấn (so giá FOB với 420 USD/tấn do thắng thầu 150 nghìn tấn ngày 4 tháng 11 trước đó) và tăng tổng cộng 42 triệu USD.
Hiển nhiên, đây là khoản lợi nhuận thực sự khổng lồ trước hết là do sự xô đẩy của thị trường thế giới đem lại cho các DN XK gạo nước ta.
Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận rằng, những khoản hỗ trợ không nhỏ của Chính phủ trong thời gian qua cũng giữ vai trò “xây nền” cho khoản lợi nhuận “kếch xù” này. Bởi lẽ, với việc Chính phủ mạnh tay áp dụng giải pháp hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay dự trữ 900 nghìn tấn gạo trong thời hạn 4 tháng trong thời gian gần đây, trong đó chính sách ưu đãi này đối với nửa triệu tấn gạo vẫn đang còn hiệu lực đến hết ngày 20/1/2010. Đây là “liều thuốc bổ” giúp các DN trong VFA tích cực mua được một khối lượng gạo dự trữ có lẽ kỷ lục từ trước tới nay.
Không những vậy, đương nhiên nguyên nhân đích thực của việc Chính phủ phải chi ngân sách hỗ trợ các DN tăng thu mua lúa gạo là không ngoài mục đích giảm thiểu tình trạng được mùa mất giá, cho nên rất có thể khoản lợi mà các DN XK gạo được hưởng do giá lúa gạo trong nước tụt dốc trong chính thời đoạn tăng mua tích trữ còn lớn hơn nhiều so với phần được hưởng lợi trực tiếp từ khoản chi ngân sách nói trên của Chính phủ. Trong khi các DN XK gạo được hưởng những khoản lợi như vậy, những người nông dân làm ra chính những hạt gạo XK này lại không được chia sẻ  vì họ đã bán lúa từ lâu. Mặc dù vậy, công bằng mà nói, cái mà họ có thể được hưởng là hi vọng ở vụ thu hoạch tới.


Nguyễn Đình Bích
Báo cáo phân tích thị trường