Cho dù còn phải chờ khoảng 2 - 3 tuần lễ nữa mới có thể biết một cách cụ thể, nhưng với những động thái của thị trường gạo thế giới và trong nước cho đến thời điểm này, thắng lợi “kép ba” gần như chắc chắn đã nằm trong tay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta.
Thắng lợi thứ nhất: cơ hội tăng giá gạo xuất khẩu
Do triển vọng của cán cân cung - cầu gạo thế giới đang nghiêng về phía các nước xuất khẩu gạo, mà trước hết là do Philippines nhập khẩu gạo ồ ạt, cho nên đây là cơ hội vàng “trời cho” để các doanh nghiệp nước ta tăng giá gạo xuất khẩu ngay trong những tháng tới.
Theo dự báo tháng 11 của bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng sản lượng gạo thế giới niên vụ này sẽ giảm 13,68 triệu tấn và 3,07% so với niên vụ trước, trong khi tiêu dùng gạo thế giới vẫn tăng 1,31 triệu tấn và 0,30%, cho nên đây sẽ là một niên vụ mà thế giới phải dốc kho dự trữ rất “hẻo” tới 7,59 triệu tấn để tiêu dùng.
“Người khổng lồ” Ấn Độ là “thủ phạm chính” dẫn tới tình trạng này. Bởi lẽ, theo dự báo của bộ Nông nghiệp Mỹ, do thiên tai quá khắc nghiệt, sản lượng gạo của quốc gia này sẽ giảm tới 16,15 triệu tấn, còn tiêu dùng gạo tuy sẽ giảm 4,15 triệu tấn, nhưng vẫn cao hơn sản lượng tới 6 triệu tấn, cho nên Ấn Độ phải dốc kho dự trữ 7,1 triệu tấn gạo để tiêu dùng.
Sau cuộc mở thầu thành công mua 250 nghìn tấn gạo vào ngày 4.11 vừa qua, Philippines sẽ dồn dập mở ba gói thầu mua gạo 25% tấm với khối lượng 600 nghìn tấn chỉ trong vòng nửa tháng vào các ngày 1, 8 và 15.12 tới. Một quan chức Philippines bộc bạch trước ba cuộc mở thầu sắp tới: “Chúng tôi hy vọng là giá sẽ giữ ở mức 530 USD/tấn và sẽ không có cuộc đua” (về giá).
Có thể nói, đây chính là những nguồn động lực đẩy giá gạo của các nước xuất khẩu cùng tăng. Chẳng hạn, nếu giá gạo 25% tấm của Thái Lan ngày 28.10 chỉ mới là 416 USD/tấn, thì ngày 25.11 đã tăng lên 466 USD/tấn, còn của Việt Nam cũng đã tăng rất mạnh lên 430 USD/tấn. Giá gạo thế giới tăng chí ít là 50 USD/tấn trong vòng chưa đến một tháng và sẽ còn tiếp tục tăng, cho nên càng có nhiều gạo trong kho, khoản lợi nhuận “trời cho” của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đương nhiên càng lớn.
Thắng lợi thứ hai: được hỗ trợ vốn mua gạo
Cho dù chỉ chiếm khoảng một nửa trong tổng số khoảng 1,7 - 1,8 triệu tấn gạo tồn kho của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hiện nay, như tiết lộ của ông chủ tịch hiệp hội cách đây ít ngày, nhưng rõ ràng một bộ phận các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã được trực tiếp hưởng lợi không nhỏ từ việc Chính phủ hai lần mạnh tay áp dụng giải pháp hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay dự trữ 900 nghìn tấn gạo trong thời hạn 4 tháng trong thời gian gần đây. Đáng lưu ý, chính sách ưu đãi này đối với nửa triệu tấn gạo vẫn còn hiệu lực đến hết ngày 20.1.2010.
Thắng lợi thứ ba: mua lúa trong nước giá thấp
Rất có thể “phần bánh” được hưởng do giá lúa gạo trong nước tụt dốc trong thời đoạn tăng mua tích trữ do giá gạo thế giới tụt dốc mạnh còn lớn hơn nhiều so với phần được hưởng lợi từ khoản chi ngân sách nói trên của Chính phủ.
Bởi lẽ, khối lượng gạo khổng lồ 1,7 - 1,8 triệu tấn mà các doanh nghiệp thành viên VFA và khoảng 0,7 triệu tấn của các doanh nghiệp ngoài VFA đã kịp tích vào kho trong khoảng 3 tháng gần đây chính là thời đoạn giá gạo xuất khẩu của nước ta tụt dốc rất mạnh, khiến giá lúa gạo trong nước cũng tụt dốc theo.
Các số liệu thống kê cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta trong tháng 8 và 9 vừa qua chỉ dao động trong khoảng 384-393 USD/tấn, còn trong tháng 10 tuy cũng đã tăng khá mạnh, nhưng cũng chỉ mới là 410 USD/tấn. Còn giá lúa trong nước, người dân Sóc Trăng chỉ bán được 2.012đ/kg, tức là bằng 53% giá sàn; nơi bán được cao nhất là Kiên Giang cũng chỉ 3.190 đồng, gần bằng 83%... (theo chất vấn của các đại biểu Quốc hội với bộ trưởng Công Thương tuần trước).
Nói tóm lại, trong điều kiện hiện hành của nước ta, do thị trường gạo thế giới xô đẩy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta gần như chắc chắn sẽ “đút túi” khoản lợi nhuận khổng lồ; còn những người nông dân trồng lúa lại không được hưởng chút nào, bởi lúa gạo của họ đã bán từ lâu. Đây có lẽ cũng chính là một trong số những bất cập không nhỏ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa nhắc tới trong đêm Festival lúa gạo lần thứ nhất để tôn vinh nền văn minh lúa nước rực rỡ, mà lực lượng chủ công không ai khác ngoài nông dân nước ta.