Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:
Lê Chinh Nhan: Xin được hỏi, sau năm 2011, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường gạo. Như vậy, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài?
|
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng (trái) đang trả lời bạn đọc - Ảnh: Hồ Hùng |
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng: Vẫn có khả năng cạnh tranh với các công ty nước ngoài bởi các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam có lợi thế gắn bó với sản xuất am hiểu tình hình sản xuất trong nước, họ cũng có nhiều năm kinh nghiệm với thị trường lúa gạo quốc tế. Tuy nhiên khả năng này vẫn có thể bị suy yếu nếu các doanh nghiệp trong nước không phối hợp tốt.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp trong nước phải phối hợp với nhau và liên kết trong chuỗi giá trị với người sản xuất là nông dân trồng lúa, những nhà xay sát chế biến. Nếu không họ sẽ gặp khó khăn trở ngại khi cạnh tranh với các công ty lớn nước ngoài.
Về cơ chế chắc chắn cũng phải tính đến việc đảm bảo lợi ích của quốc gia, trong đó có những người sản xuất phải được đảm bảo, đảm bảo cả việc ổn định xã hội. Câu hỏi của bạn rất hay, liên quan đến chiến lược cạnh tranh của mỗi công ty và chiến lược chung của các công ty trong nước khi phối hợp nhau.
Tôi nghĩ rằng nếu từng công ty riêng lẻ với vi mô và kinh nghiệm hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh với các công ty lớn ở nước ngoài, nhưng nếu phối hợp nhau thì sẽ có kết quả tốt. Sân chơi từ năm 2011 trở đi sẽ có nhiều khó khăn và phức tạp cho các công ty nội địa nếu không thay đổi chiến lược canh tranh.
Nông dân thời a còng: Nếu doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cùng tham gia xuất khẩu gạo và họ chỉ tuân theo luật, thì làm sao VFA có thể xác nhận giá sàn để cho xuất hay không cho xuất?
Ông Nguyễn Thọ Trí: Việc điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam là tuân thủ theo các quy định của Chính phủ. Theo văn bản 215 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo năm 2009 có quy định VFA phải tổ chức đăng ký hợp đồng và hướng dẫn giá xuất khẩu. Các DN muốn xuất khẩu phải đảm bảo thực hiện đúng giá hướng dẫn, nếu không đúng giá hướng dẫn VFA theo quy định sẽ không đăng ký hợp đồng này và do vậy doanh nghiệp sẽ không thực hiện việc xuất khẩu được.
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nếu tham gia xuất khẩu gạo cũng phải tuân thủ theo quy định này trừ khi Chính phủ có quy định nào khác cho phù hợp.
Minh Hương: Cơ sở nào để VFA và Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương tính toán giá sàn mua lúa đảm bảo nông dân lãi 30%, khác nào doanh nghiệp có quyền định mức lời lỗ cho nhà sản xuất là nông dân?
|
Ông Nguyễn Thọ Trí (phải) đang trả lời bạn đọc - Ảnh: Hồ Hùng |
Ông Nguyễn Thọ Trí: Việc tính toán giá sàn mua lúa đảm bảo nông dân có lãi 30% của vụ hè thu vừa qua được thực hiện trên cơ sở tính toán của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cùng UBND các tỉnh ĐBSCL và sau đó, Bộ NNPTNT có tổ chức một cuộc họp tổng kết việc tính toán này tại tỉnh Hậu Giang. Trên cơ sở thống nhất của cuộc họp nêu trên do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng chủ trì, giá thành lúa vụ hè thu được xác định và sau đó được báo đến Bộ Tài chính xem xét, sau khi xem xét Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ký thông báo chính thức giá thành lúa của vụ hè thu và cộng thêm 30% vào thành giá tối thiểu để các doanh nghiệp mua vào.
Hoàng Linh: Khi qui định nông dân lời tối thiểu 30% so với giá thành, tức là ấn định: giá thu mua lúa = giá thành sản xuất lúa + 30% giá thành sản xuất lúa. Xin hỏi Tiến sĩ Võ Hùng Dũng:
1) Giá gạo xuất khẩu phải tuân theo giá gạo thế giới, giá thu mua lúa phải căn cứ vào giá gạo xuất khẩu, qui định nông dân lời 30% so với giá thành đã tách giá lúa ra khỏi giá gạo xuất khẩu. Vậy theo Tiến sĩ đây có phải là dùng biện pháp hành chánh phi thị trường trong xuất khẩu gạo hay không?
2) Theo qui định này, nông dân muốn được tăng lợi nhuận phải tự làm tăng giá thành sản xuất lúa . Thí dụ: nông dân muốn được lời 1.500 đồng/kg lúa so với giá thành thì phải đồng lòng nâng giá thành sản xuất lúa lên 5.000 đồng/kg (việc nâng giá thành này phải đồng lòng và phải có tính khoa học để qua mặt được Bộ Tài chính). Theo ông một qui định làm cho nông dân phải tích cực tìm mọi cách nâng cao giá thành sản xuất liệu có hợp lý không?
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng: Đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo tối thiểu cho lợi ích của nông dân, tôi tán thành. Tuy nhiên xem xét ở góc độ lý thuyết về kinh tế học thì có nhiều vấn đề để bàn. Khi đóng góp cho Dự thảo Nghị định về xuất khẩu gạo tôi đã có ý kiến không nên đưa điều này vào văn bản như là một cam kết của Chính phủ. Bởi hai lẽ:
- Một là giá thành của lúa rất khác nhau trong mỗi thời vụ. Vụ Đông xuân giá thành luôn thấp hơn so với Hè thu chẳng hạn. Ở những vùng khác nhau thì giá thành của lúa cũng khác nhau. Ví dụ: Vùng Đồng Tháp Mười, hay Tứ giác Long Xuyên giá thành cũng khác so với những vùng trồng lúa khác. Thậm chí giữa các hộ sản xuất tùy theo trình độ và phương thức canh tác giá thành cũng khác nhau. Vậy thì để đảm bảo lời cho nông dân 30% sẽ căn cứ trên mức giá thành nào là vấn đề. Có thể là bình quân chung thì có người được lợi nhiều nhưng có người thì cũng không có lợi là bao nhiêu.
- Hai nữa, điều này rất khó thực hiện trong nền kinh tế thị trường. Để đảm bảo lãi 30% cho người nông dân là dựa trên giả định thị trường xuất khẩu ổn định và luôn có giá tốt. Nếu thị trường suy thoái giá quốc tế suy giảm thì các công ty cũng không thể dám mua với mức giá cao hơn giá thành để xuất khẩu, trừ phi Chính phủ bù lỗ. Điều này thì không thể trong điều kiện ngân sách đất nước chúng ta. Hơn nữa, việc duy trì một mức giá đảm bảo lâu dài như vậy không khác gì một hình thức trợ giá sẽ gây ra những biến dạng khác.
Một trường hợp minh họa rất thú vị mà bạn đọc đã nêu là người nông dân sẽ tăng giá thành để họ có mức lợi nhuận cao hơn. Khi tăng giá thành sản xuất chứ không phải là tìm cách giảm giá thành thì lại giảm sức cạnh tranh trong thị trường quốc tế. Hậu quả của việc này còn có thể dẫn đến tình trạng sơ cứng trong sản xuất, thiếu nổ lực cải thiện phương pháp canh tác và nâng cao hiệu quả. Việc hỗ trợ để cho nông dân có mức lãi 30% như đã nêu chỉ nên là một biện pháp ngắn hạn. Còn về dài hạn thì nên hết sức cân nhắc.
NguyễnThanh Phùng: Xin hỏi ông V. Subramanian, Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng chất lượng gạo của Việt Nam hiện tại vẫn chưa cao. Vậy theo ông, Việt Nam cần bao lâu để có thể sản xuất ra gạo có chất lượng cao như Thái Lan đã từng làm?
|
Ông V. Subramanian (phải) đang trả lời bạn đọc - Ảnh: Hồ Hùng |
Ông V. Subramanian: Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong cải thiện chất lượng hạt gạo. So sánh với với chất lượng hạt gạo của Thái Lan là một tham vọng tốt, nhưng đặt vấn đề đến khi nào Việt Nam có thể sản xuất gạo có chất lượng như Thái Lan là điều khó, phải cần nhiều thời gian để thực hiện được điều này vì đòi hỏi đầu tư từ xây dựng hệ thống phân phối, hạt giống, các loại gạo đa dạng đến hệ thống kho chứa, xay xát và các hoạt động sau thu hoạch.
Thách thức lớn nhất đối với hạt gạo Việt Nam chính là xây dựng danh tiếng, từ thuơng hiệu cho đến giá trị thương hiệu mà Thái Lan đã làm với thương hiệu lúa gạo của họ.Việt Nam vẫn chỉ là một nước xuất khẩu lúa gạo đang trong giai đoạn phát triển nếu so với Thái Lan, một nước đã có xuất khẩu lúa gạo nhiều năm. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ phải tạo ra thị trường riêng đối với những nước tiêu thụ hạt gạo Việt Nam lâu nay. Có thể nói rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng khi phát triển hạt gạo có chất lượng ổn định. Tuy nhiên, công việc tiếp theo Việt Nam phải tập trung đến cải thiện chất lượng hạt gạo, bắt đầu bằng việc chọn giống phù hợp nhu cầu tiêu thụ gạo tại các thị trường mà Việt Nam đang nhắm xuất khẩu đến.
Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là vấn đề an ninh lương thực và tiêu thụ nội địa, do vậy, sẽ phải mất nhiều thời gian để Việt Nam có thể so sánh với Thái Lan khi Thái Lan chỉ tập trung mọi nguồn lực vào việc xuất khẩu gạo mà thôi.
Phùng Thế Việt: Người nông dân lâu nay vẫn bị các doanh nghiệp và thương lái ép giá khi bán lúa. Vậy các cơ quan chức năng có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này không?
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng: Đây là một thành phần tham gia trong chuỗi giá trị, nó vẫn rất cần thiết để đưa hạt gạo từ hộ nông dân sản xuất đến nơi tiêu thụ. Nó cũng có vai trò như các thành phần khác trong chuỗi, không ai có thể dẹp bỏ thành phần kinh tế này một cách duy ý chí. Nó chỉ có thể giảm đi khi điều kiện kinh tế thay đổi. Chẳng hạn, giao thông vận tải thay đổi tốt hơn việc đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn; phương thức canh tác thay đổi; có nhiều hộ sản xuất lớn hoặc nông trại; việc hình thành các cụm doanh nghiệp (business cluster), phương thức giao dịch mua bán theo kiểu truyền thống thay đổi.
D.T: Xin cho hỏi hội nghị lúa thế giới tổ chức ở Hà Nội vào năm sau sẽ diễn ra vào thời gian cụ thể nào?
Ông V. Subramanian: Hội nghị lúa gạo thế giới sẽ diễn ra ngay sau khi Viện lúa gạo quốc tế kết thúc lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. Hội nghị lúa gạo thế giới sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 đến 12 tháng 11 năm 2010 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Hà Nội.
Để biết thêm thông tin, bạn có thể vào trang web: www.ricecongress.com. Nếu bạn quan tâm đến Hội nghị Kinh doanh lúa gạo thế giới, một hội nghị khác sẽ do Tạp chí Rice Trader tổ chức sớm hơn vào tháng 10-2010. Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình chọn địa điểm tổ chức hội nghị này, có thể địa điểm được chọn sẽ là thành phố Phuket của Thái Lan, bạn cũng có thể vào trang web: www.trtworldrice.com để biết thêm thông tin.
Hoàng Kim: Xin hỏi ông Nguyễn Thọ Trí:
1) VFA định giá sàn xuất khẩu gạo năm 2009 dựa trên những cơ sở nào?
2) Tại sao năm 2009, VFA luôn bán gạo xuất khẩu rẻ hơn gạo Thái lan cùng loại từ 100 đến 160 đô la Mỹ/tấn? Ông nghĩ sao khi người Thái Lan cho rằng gạo của họ đang bị cạnh tranh về giá do gạo Việt Nam giá rẻ hơn?
Ông Nguyễn Thọ Trí: Giá sàn hướng dẫn xuất khẩu gạo mà VFA ban hành được xác định trên cơ sở giá giao dịch và mua bán thực tế của thị trường gạo thế giới đồng thời cũng cân nhắc tình hình thị trường trong nước và các điều kiện khác như thời điểm thu hoạch hay không thu hoạch, triển vọng sản lượng thu hoạch trong và ngoài nước và những thông tin mang tính dự báo của các nguồn tin chính thống về gạo như của Bộ Nông nghiệp Mỹ, của các nước xuất khẩu gạo khác như Thái Lan, Pakistan, Mianmar,... và của các nước nhập khẩu gạo. Từ các thông tin trên, việc định ra giá sàn được thảo luận bởi Hội đồng quản trị của VFA gồm 21 ủy viên là giám đốc, tổng giám đốc của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam hiện nay (số lượng gạo xuất khẩu của 21 DN này đạt hơn 80% lượng gạo xuất khẩu của cả nước).
Từ trước đến nay, gạo của Thái Lan luôn bán được giá cao hơn gạo cùng loại của Việt Nam bởi các lý do sau:
- Thái Lan sản xuất gạo từ một số bộ giống chất lượng cao do vậy gạo của họ là đồng nhất về mặt chất lượng. Giống lúa sản xuất của Thái Lan là giống cao sản dài ngày, năng suất không cao trong khi Việt Nam chúng ta đang sản xuất với mấy trăm giống khác nhau chất lượng thấp, ngắn ngày. Năng suất bình quân của sản xuất lúa nước ta cao gấp 1,5 lần của Thái Lan. Do vậy, việc giá gạo của Thái Lan cao hơn của Việt Nam là hợp lý, tuy nhiên cao đến mức độ nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Trong thực tế đã có những thời điểm gạo Việt Nam được bán cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan đó là lúc thị trường khan hiếm gạo và khả năng cung cấp thỏa mãn cho người mua về số lượng, thời gian giao hàng, tốc độ giao hàng Việt Nam đã làm được hơn người Thái và do vậy lúc đó giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo Thái nhưng rõ ràng là xét về yếu tố chất lượng để bằng được gạo Thái gạo Việt Nam còn phải cần có 1 thời gian dài để chuyển đổi.
- Trong phân khúc thị trường về mặt chất lượng thì Thái Lan có ưu thế ở loại gạo phẩm cấp cao, Việt Nam có ưu thế ở loại gạo phẩm cấp trung bình và thấp. Về chất lượng thì như đã trình bày trên giữa gạo Việt Nam và gạo Thái Lan có những chênh lệch nhất định do vậy nếu nói gạo Thái Lan luôn bị cạnh tranh khốc liệt bởi giá rẻ của gạo VN là không thỏa đáng.
T.D: Tôi được biết năm 2011 Việt Nam sẽ mở cửa cho các công ty nước ngoài tham gia ngành gạo. Xin hỏi các cơ quan chức năng có những biện pháp gì để bảo vệ người nông dân, các công ty khỏi sự thôn tính của các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty nhỏ. Vì tôi nghĩ gạo rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, an ninh lương thực. Nếu có một cá nhân hay tổ chức nào đó ngoài nhà nước có thể tác động được giá cả mặt hàng này thì hậu quả sẽ khó lường. Xin chân thành cám ơn.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng: Việc mở cửa thị trường sẽ mang lại những lợi ích lớn lao cho nền kinh tế nhưng cũng có những rủi ro, nhất là với các công ty nhỏ, siêu nhỏ. Hơn hai năm qua, từ khi gia nhập WTO các nhà kinh tế, các nhà quản lý cũng nhìn thấy được những mặt trái của vấn đề mà bạn vừa nêu. Chính phủ đang soạn thảo một Nghị định về kinh doanh xuất khẩu là cũng nhằm chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa, bạn nên dành chút thời gian để đóng góp cho dự thảo Nghị định đó.
Ý kiến riêng của tôi là, dự thảo Nghị định nói trên mới chỉ bàn về vấn đề xuất khẩu để giải quyết yêu cầu trước mắt. Cần có một khung pháp lý, một Nghị định chẳng hạn bao quát vấn đề lương thực từ sản xuất đến tiêu thụ mà xuất khẩu chỉ là một bộ phận trong đó. Một dự thảo Nghị định như vậy cần tạo ra khung pháp lý, thể chế để tác động hình thành các cụm doanh nghiệp (business cluster), thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trong ngành theo một chuỗi giá trị của lúa gạo. Điều này sẽ nâng cao sức cạnh tranh ngành lúa gạo Việt Nam. Các công ty nước ngoài khi vào Việt Nam không phải là để thôn tính hay xóa sổ các công ty trong nước mà cần được tính đến như một đối tác để mở rộng thị trường cả hai bên đều thắng.
Hoang Huu Phuoc: Ý kiến của tiến sĩ Hùng Dũng về sự tồn tại mang tính truyền thống và hiệu quả thực tế của thương lái nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham dự. Nhưng có một thực tế là các thương lái Việt Nam toàn là những cá nhân, không như các hội đoàn và không có "cương lĩnh" chung và các "thủ lĩnh" tầm cỡ như một đối tác đối với chính quyền khi có vấn đề nhạy cảm, nên từ trước đến nay chính các thương lái cũng gây ra nhiều bất lợi cho người sản xuất nói chung và nông dân nói riêng, theo kiểu sống chết mặc bây. Theo tiến sĩ, liệu có nên quy định đưa thương lái vào hệ thống, khi đã công nhận sự tồn tại của họ như một thực thể kinh doanh hợp pháp, xem như một trong những phương cách giảm thiểu rủi ro cho nông dân?
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng: Thương lái cũng là những nhà kinh doanh nhỏ nên họ cũng không thể tập hợp chung với nhau để có một tiếng nói, ý kiến của bạn rất hay ở chổ, nếu họ đã có thể tập hợp với nhau và có chung tiếng nói thì có thể nhận thức của xã hội cũng thay đổi. và chính họ cũng sẽ nhìn nhận lại mình để xem vì sao mà mình (tức là những người thương lái) phải chịu đựng khó khăn, cực nhọc, thậm chí hiểm nguy khi đi đến những vùng xa xôi như lúa đưa đến nhà máy, kể cả những rủi ro khi vận chuyển, rủi ro trong thanh toán mà lại bị nhiều ý kiến chê trách đến như thế.
Tôi đồng ý với bạn nên xem những người này cũng có vai trò giống như những nhóm khác tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo để có cách đối xử bình đẳng thì sẽ có kết quả tốt hơn là xem họ như "công dân hạng 2" sẽ không mang lại lợi ích chung gì cả.
Hai Kim: Xin hỏi ông Nguyễn Thọ Trí:
1) Tại sao VFA định giá sàn bán gạo rẻ hơn gạo cùng loại của Pakistan từ 40 đến 45 đô la Mỹ mỗi tấn? Trong khi đó chất lượng gạo Việt Nam cao hơn chất lượng của gạo Pakistan cùng loại.
2) Ông đã hứa với Thời báo Kinh tế Sài Gòn là: “sau khi phương án liên doanh hoàn tất nông dân trong nước sẽ biết rõ ràng tại sao chúng ta phải đầu tư sang Campuchia trong lĩnh vực xuất khẩu gạo”. Nay liên doanh đã thành lập, xin ông thực hiện lời hứa.
Ông Nguyễn Thọ Trí: Giá gạo cùng loại của Việt Nam thông thường luôn cao hơn gạo của Pakistan vì chất lượng của ta cao hơn của họ, tình hình chính trị ổn định của nước ta so với Pakistan làm cho việc giao hàng của ta có ưu thế hơn hẳn họ. Tuy vậy có những thời điểm giá gạo của họ cao hơn của ta đó là lúc thị trường thế giới trầm lắng, việc mua bán gạo chậm hẳn lại, họ lại có những thị trường truyền thống ở các nước có cùng tôn giáo tín ngưỡng với họ nên khi bán vào những thị trường này họ có ưu thế hơn hẳn ta về nhu cầu và giá cả. Hiện nay gạo Việt Nam đã trở lại cao hơn giá gạo cùng loại của Pakistan.
Về việc thành lập Công ty cổ phần Lương thực Cambodia Việt Nam (Cavifood) giữa Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Greentrade Co. (thuộc Bộ Công thương Cambodia) thì đây là liên doanh theo thỏa thuận cấp cao của Thủ tướng Chính phủ hai nước. Đến nay Công ty này đang trong quá trình hoàn tất điều lệ để tiến hành đăng ký kinh doanh theo luật pháp Cambodia, như vậy việc thành lập công ty này vẫn chưa hoàn tất, tuy vậy vẫn có thể trả lời sớm với bạn theo lời hứa trước kia là thực tế hàng năm người Việt sống dọc biên giới với Cambodia đã qua phía đất bạn thuê ruộng để canh tác và khi thu hoạch họ chở lúa về Việt Nam, điều này đã phát sinh vài năm trước cho đến nay.
Về quan điểm thương mại thì như bạn đã biết Cambodia có cùng điều kiện thổ nhưỡng khí hậu giống Viêt Nam, diện tích của Cambodia tương đương với diện tích của Việt Nam, nhưng dân số của bạn chỉ trên dưới 20 triệu (trong khi của ta là 86 triệu) do vậy tiềm năng còn chưa khai thác của đất đai nước bạn là rất lớn. Việc chúng ta đầu tư sang Cambodia để tận dụng những thành tựu trong canh tác lúa gạo của Việt Nam để cùng bạn khai thác đất đai nông nghiệp để sản xuất ra lúa gạo và sau đó là xuất khẩu ra thị trường lương thực thế giới là một quyết định đúng đắn bởi lẽ Cambodia có những lợi thế mà ta không có như từ 1-10-2009 gạo xuất sang thị trường châu Âu từ Cambodia được miễn thuế 100%. Hơn nữa, việc hợp tác cùng Cambodia sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cũng nhằm tránh tình trạng ta không phải cạnh tranh trong lĩnh vực này với một đối tác khác (như Trung Quốc, Thái Lan chẳng hạn khi không phải là Việt Nam mà là các nước này liên doanh với Cambodia).
Lại Thu Trúc: Các chuyên gia thế giới đã xác định silo là một hệ thống trữ gạo tốt, sau vài chục năm lưu trữ vẫn đảm bảo được chất lượng gạo. Hệ thống Silo cũng là một chọn lựa cho chiến lược an ninh lương thực nếu tình hình biến đổi khí hậu tác động lên toàn cầu đặc biệt có thể thu hẹp diện tích canh tác lúa của Việt Nam do nước biển ngập mặn. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng chỉ có nhà nước là có đủ tài lực và quyền lực để trang bị hệ thống silo cho Việt Nam. Theo tiến sĩ, có nên có sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội và hộ nông dân cá thể để việc trang bị hệ thống silo cho Việt Nam được chung tay góp sức chứ không chuyển giao toàn bộ gánh nặng cho nhà nước hoặc là độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước?
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng: Dự trữ lương thực quốc gia có một ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và điều hòa cung cầu của thị trường trong nước đề phòng những bất trắc do thiên tai. Những silo mà bạn nói có thể khả dĩ cho một chương trình mà khi Chính phủ quyết định đầu tư để nâng cấp hệ thống dự trữ quốc gia. Trong ngắn hạn tôi vẫn chưa nghĩ được là các công ty kinh doanh sẽ trang bị hệ thống silo như bạn nói.
Về dài hạn, như thế nào thì phải chờ thêm vài năm. Tôi vẫn ủng hộ một hệ thống dự trữ mạnh, tương ứng với nó là một nguồn tín dụng lớn để đảm bảo an ninh lương thực, điều hòa thị trường, cân bằng hơn trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để không phải rơi vào tình trạng giá cả thị trường trong nước lên xuống đột ngột bởi tác động rất mạnh từ biến động ngắn hạn của thị trường nước ngoài như chúng ta đã gặp trong một số năm trước đây và mấy ngày gần đây. Nhưng hệ thống kho chứa như thế nào, công nghệ như thế nào là công việc của những nhà kinh doanh. Đó là những dự án đầu tư không đơn giản chút nào khi quyết định.
D.T: Xin gửi ông V. Subramanian, ông có thể cho ý kiến đánh giá về tình hình lúa gạo thế giới năm 2010?
Ông V. Subramanian: Tôi có thể trả lời ngắn gọn những điểm quan trọng về diễn biến tình hình lúa gạo trên thị trường thế giới vào năm 2010 như sau:
- Dự kiến trong 3 ngày, từ ngày 1, ngày 8 và ngày 15 tháng 12 năm 2009, Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (National Food Authority of the Philippines) sẽ mở thầu để mua khoảng 2,2 triệu tấn gạo trong năm 2010.
- Diễn biến thị trường lúa gạo tại Ấn Độ trong năm tới đến lúc này vẫn chưa biết được. Nhưng những dự kiến ban đầu cho thấy có khả năng Ấn Độ sẽ nhập khẩu khoảng 2 đến 3 triệu tấn gạo từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2010.
Đây là 2 sự kiện quan trong đối với những ai quan tâm đến thị trường lúa gạo trên thế giới. Các nhà kinh doanh lúa gạo cần đánh giá thị trường năm 2010, sức tiêu thụ gạo có thể sẽ chậm lại nếu giá gạo vào năm tới tiếp tục giữ ở mức cao.
Về giá gạo trên thị trường thế giới, tôi nghĩ có thể giá gạo xuất khẩu năm 2010 có thể cao hơn năm 2009. Giá gạo có thể sẽ ổn định trở lại sau khi Philippines và Ấn Độ nhập khẩu xong lượng gạo họ cần vào năm tới.
Thái Thư Lê: Trong thời gian qua, tôi theo dõi tin tức báo chí tại quê nhà, thấy nổi lên vấn đề xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 6 triệu tấn thu về khoảng 2,4 tỷ USD, trong khi năm 2008, Việt Nam xuất khẩu 4,5 triệu tấn thu về 2,2 tỷ USD. Tôi muốn nghe câu trả lời của ông Trí cho vấn đề này.
Ông Nguyễn Thọ Trí: Năm 2008 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kim ngạch rất cao do có thời gian giá gạo thế giới tăng đột biến có lúc đạt mức 1.000 đô la Mỹ/tấn gạo 5% tấm, điều này lần đầu tiên xảy ra của ngành lúa gạo toàn cầu. Năm 2009 này giá gạo 5% tấm từ đầu năm đến nay chỉ dao động quanh mức 400 đô la Mỹ/tấn do vậy bạn đã hiểu vì sao số lượng gạo xuất nhiều mà kim ngạch thu về lại ít.
Anh Tien: Có thể tham khảo mô hình của nông dân Hà Lan hay Thái Lan trong việc tổ chức hệ thống thu mua và phân phối gạo và nông sản được hay không?
Ông V. Subramanian: Tất nhiên là Việt Nam có thể tham khảo được mô hình tổ chức thu mua và phân phối gạo và nông sản của Thái Lan và Hà Lan.
Đặc biệt là Việt Nam có thể tham khảo mô hình của Thái Lan vì họ làm rất tốt tất cả các khâu trong sản xuất ra hạt gạo, từ đồng ruộng đến người tiêu thụ được tổ chức rất tốt. Hơn thế, người nông dân Thái Lan nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ của họ. Đặc biệt người nông dân Thái Lan rất chú trọng đến đầu tư nhiều cho việc nâng cao chất lượng hạt lúa vì họ luôn ý thức được họ là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Dẫu sao, Việt Nam cũng nên lưu ý rằng người tiêu thụ gạo trong nước có đặc điểm khác với người tiêu thụ trong nước của Thái Lan. Chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách về phát triển lúa gạo khác với Thái Lan.
D.T: Vừa qua hiệp hội có kiến nghị đưa gạo trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Như vậy có phải là buộc các công ty xuất khẩu phải là nơi trực tiếp sản xuất, còn các công ty thương mại đơn thuần sẽ không được xuất khẩu dù họ có khách hàng và có vốn. Nếu vậy tôi nghĩ là không công bằng vì thực tế trên thị trường quốc tế có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài không hề sản xuất gạo trực tiếp nhưng họ vẫn đang mua bán một lượng gạo rất lớn do họ có thị trường, có vốn. Mong hiệp hội làm rõ vấn đề này. Xin cám ơn.
Ông Nguyễn Thọ Trí: Việc soạn thảo Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo là do một tổ công tác của Chính phủ phụ trách do Bộ Công Thương chủ trì có lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, trung ương và cộng đồng doanh nghiệp chứ đây không phải là kiến nghị riêng của VFA do vậy để hiểu rõ thêm đề nghị bạn tìm hiểu ở Bộ Công Thương, có thể ở trang web chính thức của Bộ hoặc bạn liên hệ Vụ Quản lý xuất nhận khẩu thuộc Bộ, nơi biên soạn Nghị định này.
Lê Hùng: Thưa tiến sĩ Dũng, giữa lạm phát và giá gạo có liên quan như thế nào mà hồi năm 2008, một số ý kiến đã cho rằng việc tạm ngưng xuất khẩu nhằm không cho giá gạo tăng cao, ảnh hưởng lạm phát?
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng: Vấn đề này Chính phủ đã trả lời trước Quốc hội. Mấy hôm nay, tôi có xem lại các tin tức liên quan đến giá lúa gạo và việc xuất khẩu gạo của những tháng đầu năm 2008 thì thấy rằng, VFA yêu cầu các doanh nghiệp thành viên tạm ngừng ký hợp đồng mới do số lượng theo hợp đồng đã ký đã vượt quá cân đối. Đây là vấn đề điều hành trong mỗi thời điểm và vấn đề cũng đã được giải thích vào cuối năm trước.
Ý kiến riêng của tôi, nếu giá lúa gạo trong nước tăng vọt, tác động mạnh đến lạm phát thì hậu quả rất là lớn. Tốt nhất là không để xảy ra tình hình như vậy. Ở đây không có chổ cho những giả định mà phải khẳng định là phải có hành động để ngăn chặn lạm phát. Lạm phát khi đã xảy ra thì hậu quả khôn lường, người nghèo, người nông dân cũng chính là những người bị thương tổn lớn nhất. Nó sẽ hủy hoại những thành quả mà nền kinh tế đã đạt trước đó, gây nên những khó khăn, phức tạp lâu dài.
Bùi Thu Hà: Đến bao giờ doanh nghiệp và nông dân thực sự là những đối tác chiến lược?
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng: Chỉ có nông dân và doanh nghiệp mới có thể trả lời câu hỏi này của bạn. Chính phủ có thể tác động qua các cơ chế và chính sách ban hành.
KT: Thưa tiến sĩ Dũng, việc lập sàn giao dịch trên mạng như tại Festival ở Hậu Giang sắp thí điểm, liệu có lợi gì hơn cho nông dân hay chỉ có lợi cho doanh nghiệp và nhà nhập khẩu?
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng: Đây là phương thức giao dịch khá phổ biến ở những nước có nền kinh tế thị trường, đã phát triển. Nhưng không phải nước nào cũng làm được. Với Việt Nam, vấn đề không chỉ là mới mà còn liên quan đến khả năng quản lý, khung pháp lý vận hành. Tôi có nghe nói cũng như bạn nhưng tôi chưa biết thực chất của việc lập sàn ở Hậu Giang là như thế nào. Vấn đề, theo tôi nghĩ, việc lập sàn không đơn giản chút nào nhất là với sàn lúa gạo. Tôi cũng được biết có nhóm ở ngân hàng nghiên cứu về vấn đề này. Gạo không phải là cà phê, việc lập sàn cần được nghiên cứu thấu đáo và cần được tranh luận với các nhà kinh tế trước khi đề xuất với cơ quan chính quyền.
D.T.T: Tôi là nông dân tỉnh An Giang. Từ trước đến nay hầu như nông dân chúng tôi sản xuất lúa nhưng không nắm thông tin và không biết tìm thông tin từ nguốn nào. Tôi nghĩ cần giúp nông dân có thêm thông tin. Việc này không tốn tiền, lại đơn giản và hiệu quả vì nếu nông dân biết thông tin, nông dân sẽ biết cách chủ động tránh rủi ro và tính toán nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể: Hiệp hội có thể nói rõ giá FOB trên cơ sở thanh toán ngay của các lô gạo trúng thầu từ các hợp đồng xuất khẩu của các Tổng công ty ( Vinafood 1 và Vinafood 2 ) được không, để nông dân biết chính xác hơn giá gạo thị trường? Xin chân thành cám ơn.
Ông Nguyễn Thọ Trí: Chúng tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn, việc tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được nhiều nguồn thông tin là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của họ, hiệu quả của việc làm này là hiển nhiên. Tuy vậy về cơ sở hạ tầng ở nông thôn nước ta còn một số bất cập để thực hiện điều này.
Tôi cũng đã được biết ở An Giang, Vĩnh Long có những điểm cà phê internet cho nông dân đến để truy cập tin tức cần thiết cho hoạt động sản xuất của mình và điều này là rất đáng mừng. Tôi tin tưởng rằng trong tương lai gần sắp đến hình mẫu của việc đưa internet về nông thôn phục vụ cho nhu cầu của bà con nông dân sẽ được nhanh chóng nhân rộng vì tính hiệu quả của nó.
Xin thông báo đến bạn là giá trúng thầu 150 ngàn tấn gạo 25% tấm của Vinafood 2 vừa qua thì giá FOB là 420 USD/tấn, bạn nhân giá này với tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ bạn sẽ có giá của 1 tấn gạo 25% tấm thành phẩm giao lọt lòng tàu tại cảng Việt Nam. Tuy vậy từ giá này để tính ngược lại giá lúa là cả một quá trình với nhiều công đoạn như sau: xay xát, tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm là bao nhiêu phần trăm, giá bán tấm cám lúc đó là bao nhiêu, đến giai đoạn đánh bóng cũng tương tự, rồi chi phí vận chuyển cũng thay đổi theo giá xăng dầu, rồi bao bì...
Lê Hùng: Thưa ông V. Subramanian, cơn sốt giá gạo hồi tháng giữa năm 2008, là do đầu cơ hay do yếu tố cung cầu?
Ông V. Subramanian: Trong kinh doanh lúa gạo, quá trình đầu cơ không dễ xảy ra. Cơn sốt giá gạo hồi giữa năm 2008 do nhiều nguyên nhân, kết hợp bởi nhiều yếu tố xảy ra đồng thời với cơn sốt giá gạo, có cả yếu tố đầu cơ và nhu cầu thực sự của thị trường.
Lý do chính của cơn sốt giá gạo năm ngoái chính là ngay sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, và Việt Nam khi đó cũng cấm việc xuất khẩu gạo, người ta lại đinh ninh nguồn cung gạo rồi sẽ thiếu hụt, nên mới có chuyện sốt giá.
Cần lưu ý rằng trường hợp đầu cơ lúa gạo chỉ xảy ra khi mọi người cho rằng sẽ khan hiếm lúa gạo, tuy nhiên sự kiện xảy ra giữa năm 2008 cho thấy không hẳn là do đầu cơ vì sau cơn sốt giá, nguồn cung gạo không hề thiếu.
Lê Chinh Nhan: Xin được hỏi, gần đây có nhiều thông tin về thị trường gạo của Ấn Độ. Xin được hỏi, cụ thể Ấn Độ đang gặp khó khăn về sản xuất hay nhu cầu tăng quá nhanh mà không xuất khẩu gạo? Liệu khi nào họ có thể xuất khẩu trở lại?
Ông V. Subramanian: Sản xuất lúa gạo của Ấn Độ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết mưa gió mùa, do vậy việc Ấn Độ có xuất khẩu gạo hay không còn phụ thuộc vào thời tiết chứ không phải vì chính sách nào của Chính phủ.
Nhu cầu tiêu thụ gạo của Ấn Độ cũng dễ dự báo trước bởi vì người dân Ấn Độ có thể chọn gạo để ăn hay các loại lương thực khác tùy theo điều kiện từng mùa trong năm. Kết quả là, khi sản lượng gạo của Ấn Độ tăng, đủ để cung ứng cho thị trường nội địa thì nhu cầu tăng thôi. Nhưng năm nay thì khác vì giá gạo ở Ấn Độ tăng cao, nên nhu cầu tiêu thụ gạo không phải dễ dự báo truớc. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đang có chương trình lương thực hỗ trợ cho nguời nghèo.
Hiện tại, Ấn Độ phải nỗ lực để đảm bảo lượng gạo đủ cung cho nhu cầu trong nước nên khó nói trước khi nào Ấn Độ sẽ xuất khẩu gạo trở lại.
Hoang Huu Phuoc: Người mua gạo đồ (gạo đã được luộc với nhiệt độ thích hợp trước khi đóng bao xuất khẩu) đã tiếp cận vào thị trường Việt Nam từ năm 1989 nhưng không tìm được nhà cung cấp, ông có thể cho biết những nhà cung cấp gạo đồ trên thế giới?
Ông V. Subramanian: Nguồn cung cấp gạo đồ lớn hiện nay là Thái Lan. Mặc dù gạo đồ này cũng có tại một số nước như Pakistan, Mỹ, Brazil, Trung Quốc và Việt Nam, tuy nhiên lượng gạo đồ ở các nước trên không nhiều bằng Thái Lan.
Ban tổ chức và tòa soạn xin chân thành cảm ơn bạn đọc và các vị khách mời: ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ; ông V. Subramanian, Tổng biên tập tạp chí Rice Today của Viện lúa gạo quốc tế IRRI đã tham gia giao lưu trực tuyến.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online