Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa đến hẹn lại tăng
30 | 09 | 2010
Liên tục trong vài ngày qua, ba hãng sữa đã thông báo tăng giá: Dumex tăng khoảng 10% cho 17 loại sữa bột, Friesland Campina VN tăng 6% cho một số sản phẩm sữa nước và sữa đặc, XO tăng 2,5% các loại sữa bột.

Nếu so với các lần trước mức tăng 2,5-6% không đủ để tạo chấn động thị trường, nhưng nhiều người cho rằng lý do tăng giá không đơn giản chỉ là đầu vào nguyên liệu, tỉ giá tăng.

Đẩy khó cho người tiêu dùng

Bà Thu Phương, giám đốc Công ty TNHH Nam Dương, nhà phân phối nhãn hiệu XO (Hàn Quốc), cho biết công ty đã làm đúng thủ tục để trình Bộ Tài chính về mức tăng và giải trình mức tăng này cho việc điều chỉnh giá trong 8-2010. Tuy nhiên áp dụng cụ thể mức tăng với từng mặt hàng thì đến nay công ty vẫn chưa quyết định. Theo bà Phương, để có mức tăng này công ty đã cắt giảm chi phí tối đa bởi sự điều chỉnh giá thường gây xáo trộn thị trường. Dumex, XO là nhãn sữa trong năm 2009 chưa tăng giá, nên hầu hết lý do mà đại diện các công ty cho biết do trước đó chưa tăng và không chịu nổi áp lực tỉ giá, chi phí bán hàng...

Nhập khẩu sữa đạt gần 394 triệu USD

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan VN, tính đến giữa tháng 7- 2010, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của cả nước đạt gần 394 triệu USD (trong khi đó đến hết tháng 7-2009 kim ngạch nhập khẩu sữa của cả nước chỉ khoảng 269,45 triệu USD). Hiện nguồn sữa nhập khẩu vào VN chủ yếu từ: Mỹ, Hà Lan, Úc, Thái Lan, Ba Lan...

B.H.

Bà Thường, kinh doanh sữa trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM), cho biết nếu so với mẫu mã cũ thì hộp sữa mới Cô gái Hà Lan (thuộc Công ty Friesland Campina VN) không khác bao nhiêu. “Trước khi tăng giá, các mẫu cũ bị đứt hàng một thời gian và khi nhập hàng trở lại giá đã tăng 6%”, bà Thường nói.

Như vậy, tính từ tháng 12-2009 đến nay đã có sáu hãng sữa lần lượt tăng giá. Tháng 1-2010, các sản phẩm hiệu Enfa A+ của Mead Johnson, sản phẩm sữa bột của Abbott đồng loạt điều chỉnh tăng 7-9% với lý do tỉ giá. Đến tháng 2-2010, các sản phẩm Friso của Công ty Friesland Campina VN cũng chính thức áp dụng bảng giá mới với mức tăng 8-10%. Từ tháng 3-2009 đến nay, không chỉ sữa bột mà sữa nước, sữa chua, bột dinh dưỡng cũng tăng giá 5-7%.

Giám đốc một công ty sữa cho biết hầu hết các công ty kinh doanh sữa nào cũng có chu kỳ tăng giá, hoặc rơi vào thời điểm đầu năm hay sau khi kết thúc mùa mưa. Những đợt điều chỉnh giá này theo nhiều cách khác nhau như thay đổi bao bì, bổ sung vi chất hay đơn giản như tỉ giá, chi phí bán hàng... “Áp lực tăng giá là có nhưng thay vì điều chỉnh doanh số thông qua cắt giảm chi phí quảng cáo, hoạt động bán hàng thì doanh nghiệp lại đẩy hết cho người tiêu dùng. Thời điểm tăng giá được doanh nghiệp cân nhắc khá kỹ nếu không rất dễ bị mất thị phần”, giám đốc này cho hay.

Dumex là một trong ba hãng sữa tăng giá trong tháng 7 với mức tăng 10% cho 17 loại sữa bột - Ảnh: Thanh Đạm

Chiếm thị phần bằng doanh số

Theo các chuyên gia, giá sữa tăng 10-15% trong năm 2009 là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu nhiều công ty sữa tăng mạnh. Do đó, tăng giá là một chiêu của nhà kinh doanh sữa thúc đẩy doanh số trong thời điểm khó khăn.

Trước mỗi đợt tăng giá, thông tin hãng sữa tăng đều được thông báo trước cho đại lý, nhà phân phối, những người có nhu cầu nhanh tay ôm hàng vô tình giúp tiêu thụ một lượng hàng lớn trong thời gian ngắn. “Gánh nặng doanh số luôn đè lên nhà phân phối, chiêu tăng giá có thể thúc đẩy doanh số bán hàng trong mùa thấp điểm. Ở đây là mùa sau tết và mùa năm học mới khi người tiêu dùng phải chi tiêu nhiều khoản cho gia đình” - ông N.N. Hùng, từng làm trong lĩnh vực phân phối, cho biết.

Ông Phạm Ngọc Châu, giám đốc Công ty HancoFood, cho rằng có ba lý do tăng giá của các công ty là lợi nhuận sáu tháng đầu năm không đạt chỉ tiêu, nguyên vật liệu - bao bì tăng giá và tỉ giá. Nhưng việc bao bì tăng 1-2% thì khó đủ cơ sở để doanh nghiệp điều chỉnh giá bán. “Với giá nguyên liệu đầu vào, tỉ giá hiện hành thì các công ty sữa trong nước vẫn chưa có kế hoạch tăng giá”, ông Châu cho biết.

Theo ông Trần Hữu Đức, giám đốc đối ngoại NutiFood, sở dĩ các công ty trong nước rất hạn chế chuyện tăng giá vì việc mở rộng thị trường, cửa hàng quan trọng hơn các chỉ tiêu doanh số. Các hãng tăng giá sữa hiện nay chủ yếu để đảm bảo lợi nhuận sau khi tăng chi phí quảng cáo, hoa hồng chiết khấu, chi phí trưng bày, chi phí khuyến mãi... để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế thời gian gần đây thị trường sữa ngoại đã có sự sụt giảm và chứng kiến sự thay đổi thị phần giữa các hãng sữa. Ở mảng sữa bột có sự vươn lên của Vinamilk với thị phần tăng dần từ 11,2% năm 2004 lên 17% năm 2008, thị phần Abbott trong giai đoạn 2004-2008 dao động quanh mức 23%, Mead Johnson khoảng 15% và con số này đang có xu hướng giảm. Theo các chuyên gia, những năm trở lại đây sữa là một trong những ngành đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành thực phẩm ở VN, với mức tăng trưởng doanh thu trung bình trong giai đoạn 2005-2009 đạt 18%/ năm.

Trong pháp lệnh giá, sữa nằm trong các mặt hàng bị kiểm soát giá và cần bình ổn, nhưng thực tế giá sữa vẫn tăng đều trong các quý với nhiều lý do khác nhau. Đặc biệt, ở thông tư 104 về điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn giá hiện còn nhiều sơ hở, nên một số doanh nghiệp có thể lách được và tiếp tục tăng giá sữa...



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường