Ông Nguyễn Phương Đông, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau), cho biết việc thiếu nguyên liệu là tình hình chung của tất cả các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau.
“Hiện, các đại lý thu mua đã tăng giá tôm nguyên liệu lên, tuy nhiên nguồn cung thiếu nên cho dù các doanh nghiệp có mua với giá cao thì nhà máy chế biến của họ vẫn không thể hoạt động đủ công suất”, ông Đông cho biết.
Giá tôm nguyên liệu tăng từ 5.000 -10.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tôm nguyên liệu loại 30 con/kg là 165.000 đồng, tăng 10.000 đồng, loại 40 con/kg là 116.000 đồng, tăng 6.000 đồng so với 5 ngày trước đây.
Đối với cá tra nguyên liệu, giá thu mua tại An Giang cũng tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg trong hơn một tuần qua. Theo ông Đỗ Xuân Mai, Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), hiện giá cá tra được các công ty thu mua ở mức 17.800 đồng/kg, tăng 1.500 - 2.000 đồng.
Tuy nhiên, ông Mai cho rằng giá cá tra khó tăng quá mức 18.000 đồng/kg mặc dù nhiều công ty thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
“Trung bình 1kg phi-lê cần 3 kg cá nguyên liệu, nhưng hiện nay, các công ty bán 1kg phi-lê trên thị trường là 3 đô la Mỹ (gần 60.000 đồng), do đó, nếu tính thêm chi phí khác nữa thì các công ty sẽ không có lãi", ông Mai cho hay.
Theo số liệu của Hiệp hội Thủy sản An Giang, khoảng thời gian từ 2005- 2007, sản lượng cá tra tỉnh này sản xuất có khi lên đến 1- 1,2 triệu tấn, nhưng từ năm 2008 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi bị lỗ nên trong 10 hộ thì chỉ còn 2- 3 hộ tiếp tục nuôi, còn lại là treo ao.
Ông Nguyễn Tường Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Quang Minh (Cần Thơ), cho biết từ cuối tháng 9, các đại lý thức ăn chăn nuôi thông báo tăng giá 1- 2% nên người chăn nuôi cũng tăng giá bán để tránh bị lỗ.
“Tại Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu ở mức 17.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng, nhưng với mức giá này người nuôi vẫn cứ lỗ. Nếu không có những thay đổi mang tầm vĩ mô thì không chỉ năm nay mà những năm tiếp theo diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL sẽ tiếp tục giảm”, ông Minh nói.