Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra Việt tại Mỹ: Bài học “khôn nhà, dại chợ”
17 | 09 | 2010
Việc một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ phải đối mặt với khả năng bị áp thuế chống bán phá giá đã khơi lại cuộc tranh cãi về giá bán của sản phẩm này tại Mỹ có yếu tố phi thị trường hay không.

Hay nói cách khác, giá thành sản phẩm của một số doanh nghiệp trên đã phản ảnh đầy đủ chi phí hay chưa ? Có sự bao cấp về hay trợ giá của Nhà nước hay không ?

Giá cá Tra Việt Nam được tính theo chí phí của… Philippines

Khi Mỹ ra quyết định áp dụng biện pháp “trừng phạt” về thuế bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tức là họ đã có căn cứ để chứng minh rằng: giá bán sản phẩm là phi lý, không phản ảnh đúng hoặc đầy đủ chi phí “đầu vào”.

Do Việt Nam chưa được Mỹ và một số quốc gia khác công nhận là quốc gia có “nền kinh tế thị trường”, do đó, căn cứ tính giá thành của nước nhập khẩu được xem xét, kiểm chứng cơ cấu giá thành ở một nước thứ ba có trình độ canh tác tương đương.

 Ngư dân Thu hoạch cá Tra

Lần này, quốc gia được Mỹ chọn để tính biên độ phá giá của sản phẩm cá tra Việt Nam lại ở… Philippines chứ không phải là Banglades như Việt Nam đã từng đề nghị.

Đại diện hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã khẳng định: nghề nuôi cá tra ở Philippines có trình độ kỹ thuật còn khá thấp, nên chi phí đầu vào thường cao gấp nhiều lần so với Việt Nam. Chính vì vậy, thật dễ hiểu khi giá thành nguyên liệu 1kg cá ở Philippines mà DOC đưa vào tính đã tăng gấp 2,5 lần; chi phí lao động nuôi cá, nhân công chế biến tăng gấp đôi và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới… 40% so với ở Việt Nam.

“Khôn nhà, dại chợ”

Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi quá trình xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ từ đầu năm 2008 đến nay, có thể thấy, chính các doanh nghiệp Việt Nam đang tự rước “họa” vào mình.

Thực tế hiện nay là, doanh nghiệp xuất khẩu cá với giá thấp và mua cá của nông dân với giá thấp hơn giá thành chăn nuôi. Nhưng thống kê của VASEP trong quý I năm nay, so với cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp vẫn tăng sản lượng xuất cá sang Mỹ từ 5.000 lên 12.000 tấn.

Ép giá nông dân nuôi trồng trong nước, nhưng các doanh nghiệp Việt nam lại ưu ái “thượng đế” tại thị trường tiêu thụ, cụ thể là người tiêu dùng Mỹ, quá dễ dãi và…dại dột.

Theo số liệu từ một văn phòng luật của Mỹ cho thấy: nếu như quý I/2008, cá tra bán lẻ tại thị trường Mỹ có mức giá 1,95 USD/pound, thì đến quý IV giảm 10 cent. Đà giảm giá tiếp tục xảy ra trong suốt năm 2009 và những tháng đầu năm nay. Giá một pound cá quý I/2009 là 1,8 USD, thì quý I năm nay giảm còn 1,45 USD.

Ông B. Schoroth, đại diện một văn phòng luật sư tại Mỹ, chuyên tư vấn pháp lý vụ kiện chống phá giá cá tra cho doanh nghiệp Việt Nam và ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đều thừa nhận, có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh, hạ giá bán. 

“Để tránh bị phía Mỹ “nhòm ngó”, doanh nghiệp phải bán từ 1,65 – 1,7 USD/pound mới an toàn”, ông B. Schoroth từng khuyến cáo như vậy.

Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Bộ và VASEP phải “tính toán đưa ra mức giá sàn xuất khẩu và giá thu mua nguyên liệu để ổn định tình hình”.

Luật sư B. Schoroth (Mỹ) nhìn nhận sự việc ở một góc độ khác khi cho rằng nó mang tính chính trị nhiều hơn là xuất phát từ yếu tố cạnh tranh thương mại thuần tuý.

Mặc dù ông nhận định: “Rõ ràng, tăng thuế là nhằm mục đích hạn chế xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ” thì việc một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá Tra sang thị trường này bị áp thuế chống bán phá giá tăng lên đến 100% cũng vì sự “khôn nhà, dại chợ” của chính chúng ta.



Theo Tin Tức Online
Báo cáo phân tích thị trường