Tuy nhiên, sản phẩm sữa đặc có đường, sữa nước và sữa chua được đánh giá là có khả năng cạnh tranh do tỷ lệ sữa tươi trong nước sản xuất ngày càng cao, các công ty trong nước đã tạo được thương hiệu và uy tín với khách hàng.
Có thể thấy, trong mấy năm qua, sữa là một trong những ngành đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực thực phẩm ở Việt Nam, với mức tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 18% năm.
Cùng với quá trình hội nhập toàn cầu, kinh tế trong nước ngày một phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng sữa tại Việt Nam. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam từ mức 8,09 lít/người/năm vào năm 2000 đã lên tới 14,81 lít/người/năm vào năm 2008, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm trong giai đoạn 2000-2008. Tuy nhiên so với một số nước khác trong khu vực như Thái Lan, tiêu thụ sữa tại Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều. Với mức tăng dân số hàng năm khoảng 1,2%, tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 6-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng... Tiềm năng phát triển của thị trường sữa tại Việt Nam còn rất lớn.
Hội nhập kinh tế quốc tế mang đến những cơ hội cho ngành sữa Việt Nam, như: tái cấu trúc lại sản xuất, giải thể, mua bán hoặc sáp nhập các doanh nghiệp kém hiệu quả nhằm tạo ra các doanh nghiệp lớn hơn, có tiềm lực hơn.
Bên cạnh những cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngành sữa Việt Nam cũng phải đối diện những thách thức như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sữa. Các vụ việc như sữa có Melamine, sữa có chất lượng thấp hơn so với công bố…, khiến cho các hoạt động tiêu thụ sữa gặp khó khăn, ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp sản xuất sữa. Đồng thời, nguồn thức ăn chăn nuôi cho bò sữa phải nhập khẩu trong xu hướng tăng cao, tác động tới chi phí đầu vào. Các hãng sản xuất sữa trong nước còn đang chịu sức ép cạnh tranh ngày một gia tăng do việc giảm thuế cho sữa ngoại nhập theo chính sách cắt giảm thuế quan của Việt Nam khi thực hiện các cam kết Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung trong Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (cam kết CEPT/AFTA) và cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo ông Phan Chí Dũng, sữa bột nhập khẩu hiện chiếm thị phần trên thị trường khá cao (khoảng 72%), sữa bột trong nước sản xuất thị phần chiếm ít hơn là Vinamilk (20%), Nutifood (5%) và khoảng dưới 10% doanh nghiệp nhỏ trong nước không có thương hiệu nhập về đóng gói. Ngoài ra, giá sữa bột nhập khẩu tại thị trường Việt Nam đôi khi lại vận động trái chiều với xu thế của thị trường thế giới và của giá sữa nguyên liệu nhập khẩu, gây nhiều bức xúc trong xã hội...
Theo các chuyên gia, để xây dựng tốt chiến lược phát triển ngành sữa Việt Nam đến năm 2020; Trong thời gian tới, cần cụ thể hoá quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam trên các địa bàn tỉnh, thành phố; Đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở kiểm nghiệm chất lượng sữa với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng thành phẩm, góp phần vào sự phát triển chung của ngành sữa trong thời kỳ hội nhập.