Đến ngày 23.11, tình trạng thương lái gom heo xuất sang Trung Quốc vẫn diễn ra sôi động.
Cầu ngoại: Trung Quốc mua mạnh
Tại Long An, theo ông Đinh Văn Thế, chi cục trưởng chi cục Thú y tỉnh, khoảng hơn 1 triệu con heo quá lứa, người chăn nuôi không tiêu thụ được trong mùa dịch tai xanh hồi tháng 4 – 9 đã được bán gần hết sang Trung Quốc. “Tuy đàn heo còn ít, nhưng hiện nay chúng tôi vẫn cấp giấy cho đi khoảng ba xe tải, tức khoảng 150 con heo mỗi ngày để xuất sang Trung Quốc”, ông Thế nói.
Không riêng gì Long An, đàn heo quá lứa còn sót lại từ đợt dịch heo tai xanh ở hầu hết các tỉnh thành phía Nam cũng lần lượt đáp xe tải sang Trung Quốc. Hiền, một lái heo ở Đồng Nai nói có ngày vựa của anh gom tới 1.000 con heo, cứ khoảng ba bốn ngày là đánh một chuyến sang Trung Quốc. “Nhu cầu còn lớn lắm, thị trường phía Bắc họ – thương lái Trung Quốc – mua không đủ nên bây giờ đổ bộ vào phía Nam săn lùng”, Hiền cho biết. Theo Hiền nhận định, cứ đà này thì khoảng giữa tháng 12 là đàn heo quá lứa ở các tỉnh miền Đông hết sạch.
Trong nước: sau thức ăn, đến lãi suất
Trong lúc đó, ngoài rủi ro dịch bệnh, áp lực giá thức ăn chăn nuôi và lãi suất tăng đang đè nặng lên giá thành sản phẩm chăn nuôi heo. Nhiều trại chăn nuôi giảm đầu tư.
Ngày 13.11, anh Chung Kim, chủ trại heo trên 4.000 con thương phẩm ở Bến Cát, Bình Dương nhận được thông báo của ngân hàng tăng lãi suất từ 12%/năm lên 16%/năm cho khoản vay 20 tỉ đồng đầu tư nuôi heo. Lãi suất tăng sẽ áp dụng ngay trong kỳ đáo hạn lãi suất vào ngày 15.11. Tính ra, với việc lãi suất tăng thêm 4% thì anh Kim phải chi thêm 800 triệu đồng mỗi năm.
“Sau khi đi đóng lãi ngân hàng tháng này về, tôi nhẩm tính mỗi con heo phải gánh 16.667 đồng/tháng tiền lãi suất tăng thêm”, anh Kim ngao ngán.
Không riêng gì anh Kim, hầu hết trại chăn nuôi heo quy mô từ vài trăm heo nái trở lên hiện nay đều phải vay tiền ngân hàng để đầu tư và đang lo lắng trước việc ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất. Bởi theo tính toán của anh Nguyễn Trí Công, chủ trại heo ở Hố Nai, Đồng Nai, vòng đời từ lúc nuôi đến khi xuất chuồng thì một con heo ăn hết khoảng 2,7 triệu tiền cám, nếu quy mô trại 4.000 con thương phẩm thì cần ít nhất trên 10 tỉ đồng, chưa kể tiền thuốc thú y, chăm sóc đàn nái…
“Càng nuôi quy mô lớn thì tiền đầu tư càng nhiều và không chủ trại nào có đủ vốn nên buộc phải vay ngân hàng lấy tiền mua cám cho heo ăn hàng ngày”, anh Công nói, đồng thời cho biết khoản vay 8 tỉ đồng hồi đầu năm nay của anh cũng đã được ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông báo tăng lãi suất.
Từ đầu tháng 10.2010 đến nay, người chăn nuôi còn phải đau đầu trước bài toán cân đối làm sao để giá thành chăn nuôi không tăng đột biết trước sức ép từ giá thức ăn liên tục biến động. Do áp lực tỷ giá, lãi suất và giá nguyên liệu nhập khẩu tăng nên hầu hết nguyên liệu thức ăn đang tăng giá rất mạnh. Đầu năm 2010, giá đậu nành chưa đến 6.000 đồng/kg, thì đến cuối tháng 11 này tăng lên 11.000 đồng, bắp từ 5.000 đồng/kg lên 7.000 đồng, mì lát từ 3.000 đồng/kg lên 6.000 đồng… Trong khi đó giá thức ăn, vốn chiếm 70% giá thành chăn nuôi.