Dù chưa cho phép sử dụng tại VN nhưng sản phẩm GMO đã có mặt trên thị trường nhiều năm qua. Hàng loạt sản phẩm thực phẩm chế biến và nông sản GMO bày bán tràn lan trên thị trường vẫn chưa được quản lý, kiểm soát.
Người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thực phẩm biến đổi gien. Ảnh: HỒNG THÚY
Tràn ngập thị trường
Tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở TPHCM, mỗi ngày có hàng chục tấn nông sản nhập về từ Trung Quốc, Thái Lan, Philippines... Từ cà rốt, khoai tây, bắp cải, gừng... cho đến bom, lê, nho, quýt, cam... đều có kích thước to bất thường, màu sắc bắt mắt một cách đáng ngại. Những sản phẩm này được phân phối về các chợ lẻ ở TPHCM cũng như đi các tỉnh, TP khác.
Theo giới chuyên môn, những mặt hàng này, nhất là các loại xuất xứ từ Trung Quốc, nếu không sử dụng chất kích thích thì cũng là sản phẩm GMO. Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, khẳng định nhiều loại bột dinh dưỡng, bột bắp, bột mì... bày bán trên thị trường là sản phẩm GMO. Những loại bột biến tính này còn được dùng chế biến giò chả, chả lụa, bánh các loại. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (gọi tắt là Trung tâm 3) thời gian qua đã phát hiện một số sản phẩm có nguồn gốc từ thực phẩm sử dụng công nghệ GMO.
Trước thực trạng sản phẩm GMO tràn ngập thị trường, Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM đã đặt hàng Trung tâm 3 khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm. Với 323 mẫu bắp, đậu nành, khoai tây, cà chua, gạo lấy ngẫu nhiên tại 17 chợ, siêu thị và cửa hàng ở TPHCM, Trung tâm 3 đã kiểm nghiệm và phát hiện có đến 1/3 là sản phẩm GMO, gồm bắp hạt, bắp trái, bột bắp và sản phẩm thực phẩm chế biến từ bắp; hạt giống, nguyên liệu và sản phẩm chế biến từ đậu nành; khoai tây và sản phẩm chế biến từ khoai tây; gạo và sản phẩm chế biến từ gạo; cà chua, đậu hà lan...
Trên thực tế, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu GMO như sữa đậu nành, nước tương, đậu hũ, dầu thực vật cũng đang bày bán tràn ngập trên thị trường. Ngoài ra, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi mỗi năm phải nhập 2 triệu tấn đậu nành, 1 triệu tấn bắp, trong đó có 80%-90% là nguyên liệu GMO.
Người tiêu dùng rất khó nhận biết thực phẩm biến đổi gien và rất mù mờ về thông tin dùng sản phẩm này hại hay vô hại. Ảnh: HỒNG THÚY
Khó biết sản phẩm GMO
Khi chúng tôi hỏi về sản phẩm GMO, ít người tiêu dùng tỏ ra hiểu biết. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, ngụ trên đường Tân Trang, quận Tân Bình – TPHCM, ngạc nhiên: “Người nội trợ như chúng tôi làm sao biết được sản phẩm nào biến đổi hay không biến đổi gien? Trên sản phẩm cũng đâu thấy ghi gì? Tôi chỉ biết các loại thực phẩm nhập từ nước ngoài to bất thường, màu sắc cũng rất lạ nên ngại, không dám mua về dùng”. Chị Lê Uyên Trang, ngụ đường Bà Hạt, quận 10 – TPHCM, cho biết: “Tôi có nghe nói về thực phẩm GMO nhưng không biết nó có hại hay không nên rất băn khoăn mỗi khi đi chợ”.
Một số nhà chuyên môn cho rằng sử dụng sản phẩm GMO có khả năng gây dị ứng, gây lờn thuốc kháng sinh; trong khi nhiều người khác khẳng định chúng vô hại. Trên thế giới từ lâu cũng có hai trường phái đối lập nhau: các nước châu Âu quản lý chặt thực phẩm GMO do lo ngại nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cộng đồng; trong khi Mỹ và nhiều nước khác xem đây là một sản phẩm bình thường. Chưa kể, nhiều tổ chức môi trường, tôn giáo cũng phản đối mạnh mẽ sản phẩm GMO vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích kinh tế.
Một thực tế nữa là Chính phủ đã có quy chế về việc quản lý sản phẩm hàng hóa là sinh vật GMO lưu thông, buôn bán trên thị trường phải ghi trên bao bì dòng chữ “Sản phẩm có sử dụng công nghệ GMO”. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết sản phẩm GMO bày bán đều không tuân thủ quy định này khiến người tiêu dùng càng thêm mù mờ.
Trong khi đó, Trung tâm 3 cho biết nơi này sẽ không kiểm nghiệm chỉ tiêu về GMO nữa do tiêu chuẩn này không nằm trong danh mục phải kiểm tra, đồng thời Trung tâm 3 cũng không được phân công kiểm tra thực phẩm GMO nữa.
Trồng khảo nghiệm bắp GMO Các cơ quan chức năng đang tiến hành trồng khảo nghiệm bắp GMO trên diện hẹp tại trạm thực nghiệm huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại buổi hội thảo đầu bờ vừa tổ chức tuần qua tại trạm này để đánh giá về tác động môi trường, đa dạng sinh học..., Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết bộ sẽ tổ chức khảo nghiệm thêm trên diện rộng rồi mới sản xuất đại trà bắp GMO vào giữa năm 2012. Sau bắp GMO, bộ sẽ triển khai khảo nghiệm tiếp cho cây bông vải và đậu nành GMO. Trước đó, Hải Hưng cũng đã trồng khảo nghiệm bắp GMO trên diện hẹp. Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, việc trồng cây GMO là cần thiết nhưng cơ quan chức năng cần có quy định quản lý chặt chẽ từng nhóm cây phục vụ cho từng lĩnh vực. GS-TS Bùi Chí Bửu lưu ý khi trồng cây GMO, phải quản lý chặt chẽ để tránh phấn hoa phát tán ra môi trường lai với cỏ, dẫn đến kháng thuốc diệt cỏ cũng như cạnh tranh với môi trường. |