Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực phẩm biến đổi gien: Có an toàn?
21 | 06 | 2007
Mức độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi trên khắp thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hầu hết mẫu thức ăn chăn nuôi trên thị trường Việt Nam đều chứa sản phẩm biến đổi gen với một tỷ lệ nhất định. Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế của các sản phẩm biến đổi gen, song vẫn còn rất nhiều những nghi ngại về những ảnh hưởng của chúng đến sức khoẻ cộng đồng.

Trung tuần tháng 9/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước ta cho biết hầu hết mẫu thức ăn chăn nuôi trên thị trường Việt Nam đều chứa sản phẩm biến đổi gien (như ngô và đậu tương) với một tỷ lệ nào đó, phần lớn được nhập chính thức qua các công ty liên doanh với nước ngoài và chưa được kiểm soát.

Vấn đề thực phẩm biến đổi gien (genetically modified - viết tắt GM) đã và tiếp tục gây nhiều tranh luận khắp thế giới về mức độ an toàn…

GM và cuộc chiến “cuốc xẻng”

Trong năm qua, gần như không tuần nào mà dân Anh không đem chuyện thực phẩm GM ra mổ xẻ. Tháng 8/1999, Giáo hội Anh từng tuyên bố việc phát triển thực phẩm GM là phi đạo đức. Sau đó không lâu, Peter Melchett - một trong những thủ lĩnh của tổ chức Hòa bình xanh - bị bắt giam vì tội chủ xướng thực hiện việc quẳng thực phẩm GM vào các khu đất trồng thử nghiệm GM do chính phủ đầu tư. Anh là nước gần như duy nhất mà các đại công ty GM như Monsanto (Mỹ), Novartis (Thụy Sĩ)… trông cậy nhiều để ủng hộ họ bành trướng hạt giống cũng như thực phẩm GM ra châu Âu.

Vấn đề thực phẩm GM trở nên nổi cộm không chỉ ở Anh. Brazil đứng hàng thứ hai về sản lượng xuất khẩu đậu nành, sau Mỹ. Đậu nành “thiên nhiên” của Brazil đã bị đánh bật khỏi thị trường châu Âu bởi đậu nành “nhân tạo” Mỹ. Tháng 6 năm ngoái, nông dân Brazil đã thắng kiện khi buộc Công ty Monsanto thực hiện cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường trước khi tung ra thị trường nước họ các hạt giống GM. Tại Ấn Độ - nơi 700 triệu người đang lệ thuộc trực tiếp vào nông nghiệp, trận chiến chống cây trồng GM càng quyết liệt. Monsanto đã chi 20 triệu USD để lập một trung tâm nghiên cứu cây trồng GM và bỏ ra thêm 4 tỉ USD để mua trọn các công ty GM của Ấn nhằm tạo thế độc quyền. Tuy nhiên, cuộc chiến “cuốc xẻng” của nông dân Ấn cũng bùng nổ. Tại bang Karnakata, nông dân đã cắt bỏ và đốt cây bông tại hai khu thử nghiệm của Monsanto.

Không thể phủ nhận tính tích cực của cây trồng GM. Bằng kỹ thuật cấy gien, người ta tạo ra được những loại cây kháng rầy hoặc tự diệt cỏ. Thậm chí, có cả loại khoai tây có thể phát sáng khi khát nước (do cấy gien con sứa, sản sinh protein huỳnh quang). Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn phát sinh: thực phẩm GM có tuyệt đối an toàn cho sức khỏe người hay không và các công ty GM có lợi dụng thế mạnh để làm chủ hoàn toàn nông dân hay không.

Còn nhiều hoài nghi

Từ 1996-2005, tổng diện tích đất cho cây trồng GM đã tăng từ 17.000 km2 lên 900.000 km2, trong đó Mỹ chiếm 55%. Cây trồng GM gia tăng nhanh tại các nước đang phát triển. Tính đến năm 2006, 89% đậu nành, 83% bông và 61% ngô tại Mỹ đều là sản phẩm GM.

Trong thực tế, các hạt giống GM mang tính năng đặc biệt nào đó là những hạt giống của riêng công ty nào đó. Chẳng hạn hạt giống diệt cỏ Roundup Ready của Monsanto chỉ sống được nếu người ta dùng kèm thuốc diệt cỏ Roundup Ready của nhà sản xuất Monsanto! Riêng vấn đề an toàn sức khỏe của thực phẩm GM đã trở thành đề tài quan tâm khi tiến sĩ Arpad Pusztai - từng làm việc tại Viện Rowett (Scotland) 35 năm - tung ra công trình nghiên cứu về cây trồng và thực phẩm GM. Với 3 quyển sách và 270 bài báo, Pusztai chứng minh rằng thực phẩm GM rất không an toàn.

Một trong những thí nghiệm của Pusztai là cho chuột ăn khoai tây GM. Kết quả cho thấy nhiều cơ quan nội tạng chuột bị teo, trong đó có cả não, chưa kể hệ miễn nhiễm cũng bị suy yếu. Tuy thế, kết quả công trình khảo sát của Pusztai đã bị Hiệp hội Hoàng gia Anh và Tiểu ban khoa học - kỹ thuật của Hạ viện Anh bác bỏ. Anh nói riêng và châu Âu nói chung chưa thực hiện cuộc thí nghiệm qui mô nào về ảnh hưởng của thực phẩm và cây trồng GM lên môi trường và cơ thể người về lâu dài.

Tháng 11/2005, khoa học gia tên tuổi Maarten J. Chrispeels (chuyên gia miễn dịch học) chứng minh rằng loại đậu Hà Lan GM của Công ty Úc CSIRO gây tình trạng dị ứng ở chuột. Khả năng kháng rầy và diệt cỏ dại cũng có thể có những ảnh hưởng lâu dài. Còn nữa, liên quan vật nuôi dùng hoócmôn tăng trưởng theo công nghệ GM cũng tồn tại không ít câu hỏi. Monsanto đã phát triển thành công loại hoócmôn tăng trưởng Somatotropin (rbST hoặc rbGH; bán ở thị trường dưới tên Posilac). Tiêm vào bò sữa, Somatotropin làm tăng lượng sữa từ 10% - 40%.

Dù được dùng tại Mỹ nhưng Somatotropin bị cấm hoàn toàn ở châu Âu. Chưa ai có thể chắc rằng rbST sẽ không đi từ sữa bò vào cơ thể người. Vấn đề tranh luận thực phẩm GM còn dài và hiện mỗi nước đều có chính sách riêng. Tháng 8/2002, Zambia - dù đói rã ruột - vẫn cấm nhập thực phẩm GM (chủ yếu ngô) từ Chương trình thực phẩm thế giới của Liên hiệp quốc. Tháng 4/2004, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cũng cấm hoàn toàn tất cả thực phẩm GM tại nước mình. Và tháng 1/2005, Chính phủ Hungary cấm nhập cũng như trồng ngô GM.

Tại Việt Nam, từ tháng 8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sản phẩm GM (cho phép nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm GM đã được cấp giấy chứng nhận an toàn nhưng trên nhãn phải ghi rõ: “Sản phẩm có sử dụng công nghệ chuyển gien”). Tuy nhiên, đến nay, do thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện nên quy chế trên vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Phó giáo sư Trần Đáng (Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm) nhắc lại rằng bên cạnh những lợi ích, sản phẩm GM vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe cộng đồng, như khả năng gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố và gây độc lâu dài cho cơ thể...

Theo Thảo Chi/báo Sài Gòn Giải Phóng



Báo cáo phân tích thị trường