Bên cạnh yếu tố mùa vụ, một số mặt hàng thực phẩm tăng giá dù nguồn cung không bị thiếu hụt.
Theo khảo sát ở một số chợ lẻ thuộc khu vực quận 8, quận 4, quận 3, giá cá điêu hồng sống từ 35.000 đồng hồi cuối tháng 8, nay tăng đến 55.000 đồng/kg, cá rô đồng 55.000 đồng nay lên 75.000 đồng/kg, cá nục ướp đá cỡ vừa 28.000 đồng nay vọt lên 45.000 đồng/kg…
Không chỉ có mặt hàng thủy hải sản, trong vòng mười ngày qua, thị trường thịt gia cầm phía Nam cũng chứng kiến giá thay đổi nhanh. Từ đầu tháng 9 đến nay, giá gà công nghiệp tăng trung bình mỗi ngày khoảng 1.000 đồng/kg, lên mức đỉnh 40.000 đồng/kg, tăng 60% so với cách nay hai tháng; tương tự gà thả vườn tăng 68%, từ 23.000 đồng lên 54.000 đồng/kg.
Bữa cơm teo tóp
Sáng 11/9, bà Hoàng Thị Mỹ, ngụ quận 8 đi chợ Rạch Ông phải lượn tới lượn lui khu vực bán thực phẩm tươi sống mà chẳng biết nên mua loại gì. Bà Mỹ phân trần: “Tiền chợ một ngày có 100.000 đồng, mà giá thực phẩm quá cao, cá thịt tăng đã đành, mà rau củ cũng tăng”.
Bà Trinh, đi chợ Thủ Đô, quận 5 than thở: “Con tôi mỗi tháng đưa mẹ 3 triệu đi chợ từ năm ngoái đến giờ, nó đâu biết rau tần ô đã cắt rễ hồi tháng 5 có 12.000 đồng/kg, bây giờ 30.000 đồng/kg, muốn kèm chút tôm tươi cho nồi canh ngon thì 100g tôm mất thêm 3.000 đồng so với trước”.
Đánh giá về sức mua, bà Tấn, đại diện ban quản lý chợ Tân Định, cho biết đây đang là thời điểm ế nhất trong năm vì vào mưa. Hơn nữa, giá thực phẩm tăng quá cao cũng khiến các sạp bán chậm lại. “Trừ thịt heo vì bị heo tai xanh nên giảm giá, còn lại gà, bò, cá, tôm, cua, mực, rau củ… thứ gì cũng tăng giá”, bà Tấn nói.
Người bán lẻ đẩy giá?
Ông Nguyễn Đăng Phú, phó giám đốc chợ Bình Điền thừa nhận, lượng thủy hải sản về chợ trong một tháng trở lại đây hụt khoảng 5%, còn 600 tấn/đêm kéo theo giá bán sỉ các mặt hàng tăng khoảng 6 – 7% so với sáu tháng đầu năm. Có một số mặt hàng tăng cao đến hơn 20% như tôm sú, mực tươi là do xuất khẩu hút hàng và do bị trở ngại trong việc đánh bắt.
Còn lại các loại cá biển, cá đồng chỉ tăng giá khoảng 3 – 4%, tuy một vài loại biến động tăng trên 10% nhưng chỉ một hai ngày sau lại quay về mức cũ.
Nguyên nhân lượng hải sản về chợ đầu mối giảm nhẹ là do đang vào vụ Nam, mùa khai thác thấp điểm nhất trong năm. Theo ông Nguyễn Văn Hoa, ngư dân ở Phước Tỉnh, Long Đất, Bà Rịa – Vũng Tàu thì luồng đánh bắt trải dài từ Bình Thuận đến Cà Mau bị ảnh hưởng biển động, sản lượng giảm rõ rệt. Còn một số loài thủy sản nuôi thì bị tác động bởi tỷ giá tăng gây áp lực lên giá thức ăn, làm đội chi phí giá thành.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Phú cho rằng, giá bán lẻ tăng đến 20 – 30% so với chợ sỉ là điều bất thường, ở đây do tiểu thương tự đẩy giá. Tôi tìm hiểu qua các chủ bán sỉ, họ cũng không lý giải được tại sao giá ở các chợ lẻ lại tăng cao như thế”, ông Phú nói thêm.
Thịt gia cầm không thiếu hụt nguồn cung, vẫn tăng giá. Ông Nguyễn Xuân Minh, giám đốc công ty thực phẩm Gia Nghĩa, doanh nghiệp chuyên giết mổ gia cầm cho biết, nguồn cung gà công nghiệp cho thị trường thành phố không thiếu, nhưng giá nhập vào lò mổ thì ngày nào cũng thấy tăng.
Phân khúc thị trường thịt gà công nghiệp, vốn chiếm số thị phần lớn nhất hiện nay đang thuộc về ba công ty nước ngoài là C.P, Japfa, Emivest. Thông thường, từ tháng 7 đến hết tháng 8 hàng năm, thị trường gia cầm ế ẩm do sức tiêu thụ sụt giảm trong mùa ăn chay. Năm nay, sức mua gia cầm tăng do dịch heo tai xanh.
Ông Lê Thanh Phương, giám đốc chăn nuôi của công ty TNHH Emivest thừa nhận nguồn cung không thiếu, sức mua tuy tăng nhẹ nhưng vài ngày gần đây đang có xu hướng giảm mạnh do giá quá cao, người dân không kham nổi. Tuy nhiên, các công ty khác tăng giá nên… Emivest không thể không tăng theo.
Theo tính toán, giá thành chăn nuôi một ký gà hơi hiện nay vào khoảng 22.000 đồng, trừ hết chi phí doanh nghiệp lời 12.000 đồng. Như vậy, cứ một con gà xuất chuồng (trọng lượng 2,5 – 2,6 kg/con) ở thời điểm này, doanh nghiệp bỏ túi khoảng 30.000 – 32.000 đồng.