Thảm họa đã làm suy giảm nghiêm trọng hoạt động sản xuất gỗ dán nội địa của Nhật Bản và việc các nhà cung cấp châu Á chuyển hướng, tập trung cung cấp cho xây dựng tái thiết tại Nhật Bản, đã khiến nguồn cung cho thị trường châu Âu suy giảm, đồng thời đẩy giá tăng mạnh. Hiệu ứng của thảm họa đối với thương mại gỗ dán châu Âu càng mạnh hơn do thời điểm nguồn cung sụt giảm do các nhà cung cấp chuyển hướng thương mại, cùng lúc với thời điểm nguồn cung gỗ xẻ nhiệt đới từ các nước Đông Nam Á thấp và nhiều nhà giao dịch phải đối mặt với tình trạng dự trữ thấp. Thậm chí, ngay từ trước thảm họa xảy ra, thị trường châu Âu đã phát ra những tín hiệu cho thấy nhu cầu tăng khi các nhà nhập khẩu đang dần thu mua để tăng cường dự trữ gỗ dán từ Đông Nam Á, lúc bấy giờ đang ở mức thấp kỷ lục. Giá gỗ dán từ Trung Quốc tăng tương ứng với chi phí nhiên liệu, lao động và vận chuyển tăng trong những tháng gần đây.
Ảnh hưởng dài hạn của thảm họa này lên thị trường châu Âu vẫn chưa rõ rệt, nhưng hiệu ứng tức thời đang thúc đẩy những nhà giao dịch tại châu Âu tăng cường mua các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ và rời bỏ những nhà cung cấp Malaysia, Indonesia. Nguồn cung gỗ dán mỏng và có lớp phủ bề mặt từ Đông Nam Á ở mức thấp, trong khi nhu cầu của Nhật Bản đang lên cao. Thị trường gỗ dán chuẩn BB/CC ít bị ảnh hưởng hơn, mặc dù giá cũng đang tăng và thời gian vận chuyển ngày càng dài hơn.
Đơn hàng của châu Âu cho mặt hàng gỗ dán Trung Quốc đã tăng vọt với khối lượng lớn trong vài tuần gần đây. Tuy vậy, khi những đơn hàng này cập cảng châu Âu, người ta lại bắt đầu lo ngại về tình trạng cung vượt quá cầu.
Đặc điểm thị trường gỗ dán châu Âu là tăng giảm bất thường đang thể hiện rất rõ trong thời gian gần đây.
Kim Dung AGROINFO
Nguồn: ITTO