Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không giảm giá cá tra XK vào EU
09 | 06 | 2011
Giá cá tra xuất khẩu sang EU đã lên tới 3,5 USD/kg, trong khi giá cá trong nước không còn cao như trước.

Bởi vậy, một số nhà NK cá tra đang ép các DN chế biến thủy sản VN giảm giá. Trước sức ép này, nhiều DN chế biến cá tra lên tiếng kêu gọi các DNXK  thủy sản hãy giữ bằng được mức giá đó và kiên quyết không giảm giá, nếu không sẽ bị thua lỗ trong thời gian tới. 

Hơn 1 tuần trước, khi giá cá tra còn ở mức trên dưới 28.000 đ/kg, ông Nguyễn Văn Đạo, TGĐ Cty CP Gò Đàng (Godaco), cho biết, với mức giá đó giá thành cá tra xuất khẩu sẽ vào khoảng 3,5 USD/kg. Trong khi đó, ở thời điểm ấy, giá cá tra xuất khẩu sang EU mới chỉ ở mức 3,4 USD/kg. “Vậy là doanh nghiệp bị lỗ?”, tôi hỏi. Ông Đạo nói: “Doanh nghiệp nào phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cá nuôi trong dân thì lỗ là cái chắc. Còn DN nào đã tổ chức nuôi cá thì vẫn có lãi, dù không nhiều”.

Sau khi tham dự Hội chợ Thủy sản Châu Âu, giá cá tra Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này phổ biến ở mức 3,4 USD/kg, có những DN ký được giá tới 3,5 USD/kg. Nếu giá cá nguyên liệu vẫn giữ mức trên dưới 28.000 đ/kg, coi như với giá xuất khẩu mới, DN đã hòa vốn. Nhưng trên thực tế, ngay sau hội chợ đó, giá cá tra lại giảm xuống còn 27.300-27.500 đ/kg đối với cá có kích cỡ 850-950 gam/con, từ 26.500-26.700 đ/kg với cá quá lứa (trên 1 kg). Như vậy, rõ ràng DN đã có cơ hội chuyển từ lỗ, hòa hoặc lãi ít sang có lãi thực sự.

Thế nhưng điều đó lại không làm cho các DN thấy vui. Sao lạ vậy? Theo tiết lộ của một số DN, khi đàm phán tăng giá cá tra xuất khẩu sang EU, các DN cá tra Việt Nam chủ yếu dựa vào việc giá cá nguyên liệu trong nước tăng quá cao. Vì thế, khi hay tin giá cá tra nguyên liệu ở Việt Nam đang giảm mạnh, ngay lập tức nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã yêu cầu các DN Việt Nam phải giảm giá. Tuy nhiên, các DN Việt Nam khó có thể chấp nhận điều này, vì cá tra giảm giá mạnh trong hơn 1 tuần qua chỉ là nhất thời bởi tỷ giá USD/VNĐ giảm 1.000 đồng, nên các DN phải điều chỉnh giá mua xuống cho phù hợp.

Khi giá cá lên tới đỉnh 29.000 đ/kg hồi đầu tháng 5, nhiều người nuôi dự báo giá sẽ còn lên nữa, ít nhất là 30.000 đ/kg, nên đã găm lại, cho dù cá đã tới lứa. Để rồi, khi cá quá lứa, thấy giá không những không tăng mà còn có xu hướng giảm, nên nhiều hộ ồ ạt bán ra với giá thấp hơn, khiến cho giá cá giảm nhanh hơn. Một số hộ thấy vậy, cũng hoang mang, kêu bán khi cá trong ao còn chưa đạt tới kích cỡ chuẩn, cũng góp phần đẩy giá cá xuống thêm. Bên cạnh đó, giá phụ phẩm (đầu, xương, da …) bị giảm xuống do giá một loại nguyên liệu cạnh tranh là bột cá giảm, nên cũng tác động tới việc giảm giá cá tra dịp cuối tháng 5.

Do nguồn cá nguyên liệu năm nay giảm mạnh, chỉ còn khoảng 500-600 ngàn tấn, không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, do đó giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng trở lại. Ở An Giang, giá cá tra hiện đã ở mức 26.800-27.400 đ/kg. Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, giá cá tra lại đang nhích lên và có thể đạt tới mức 28.000 đ/kg. Lãi suất ngân hàng quá cao lại đang tạo nên sức ép không nhỏ cho các DN xuất khẩu cá tra.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, DN nào thân thiết với ngân hàng thì mới được vay ưu đãi ở mức lãi suất trên dưới 18%/năm. Còn không, phải vay lãi cao hơn nhiều. Các loại chi phí sản xuất khác cũng tăng vọt. Do đó, bà Tường Lan cho rằng, mức giá 3,4-3,5 USD/kg xuất khẩu sang EU hiện nay chưa phải là mức giá mà các DN kỳ vọng. Chính vì thế, nhiều DN xuất khẩu cá tra đang lên tiếng rằng, giá cá tra xuất khẩu sang EU không thể giảm xuống như yêu cầu của các nhà nhập khẩu, dù giá cá trong nước không còn ở đỉnh cao như hồi đầu tháng 5.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN xuất khẩu cá tra để cùng giữ mức giá vừa đàm phán được. 

Theo Thanh Sơn

Nông Nghiệp VN



Báo cáo phân tích thị trường