Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mua gạo tạm trữ là cần thiết
11 | 07 | 2011
Theo các chuyên gia, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nên thu mua gạo tạm trữ để nông dân yên tâm sản xuất và tránh tình trạng bán tháo.

Khác với nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường lúa gạo trong nước, cụ thể là ở ĐBSCL, những ngày qua có dấu hiệu chựng lại và bắt đầu sụt giảm. Giá lúa hè thu sớm (giống hạt dài xuất khẩu) tại ruộng chỉ còn 4.800 đồng/kg, lúa khô khoảng 5.600 đồng/kg, giảm 200-300 đồng/kg so với cuối tuần qua.

Đường nào nông dân cũng thiệt

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết hiện có khoảng 300/1,6 triệu ha lúa hè thu sớm ở khu vực này đã thu hoạch và khoảng 500 ha đang chín, còn lại sẽ thu hoạch rộ vào tháng 8. Những trà lúa hè thu sớm đã thu hoạch có năng suất trung bình gần 5,5 tấn/ha. Các địa phương có lúa hè thu sớm gồm: An Giang, TP Cần Thơ, Đồng Tháp…

Hơn tuần qua, nông dân ở huyện Thanh Bình- Đồng Tháp đã thu hoạch trà lúa hè thu sớm. Nhiều người cho biết khi lúa chuẩn bị gặt thì bạn hàng nườm nượp vào tận ruộng để mua nhưng chỉ vài ngày sau, một số nơi thu hoạch đồng loạt thì bạn hàng bất ngờ… vắng bóng. Thấy khó bán, ông Lê Thanh Phong (huyện Thanh Bình) đem hơn 10 tấn lúa mới thu hoạch về sấy khô chờ bán nhưng cánh bạn hàng cứ hẹn lần hẹn lữa mà chẳng đến mua, trong khi giá lúa đang có dấu hiệu sụt giảm. “Tôi vừa bán 10 tấn lúa khô cách đây 2 ngày, giá chỉ 5.600 đồng/kg, thiệt hại bạc triệu” – ông Phong chua chát nói.

Tại huyện Tịnh Biên, một trong những địa phương thu hoạch lúa hè sớm của tỉnh An Giang, lúa được phơi và chất đống cặp các bờ kênh xáng nội đồng. Nhiều nông dân cho biết mặc dù mới đầu mùa, lại thu hoạch sớm nhưng giá cả đang rục rịch tụt giảm và cánh bạn hàng cũng “khó tính” hơn. Lão nông Nguyễn Văn Út Hết (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) cho biết bây giờ bán lúa tươi rất khó vì bạn hàng cứ chê bai đủ điều.

“Họ chê lúa còn xanh quá, vỏ tối quá, ướt quá… nên mua giá thấp. Mới vài ngày trước, lúa tươi hạt dài tại ruộng còn có giá 5.100 đồng/kg nhưng nay chỉ 4.800 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Vừa tiếc rẻ vừa tức bạn hàng, tôi để cả đống lại phơi khô với hy vọng giá cao hơn nhưng cũng chỉ được 5.600 đồng/kg. Đường nào nông dân cũng bị thiệt” – ông Út Hết than.

Lãi không bao nhiêu

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết vụ hè thu này nông dân có lãi hơn 30%, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu tính đúng, tính đủ thì phần lớn nông dân hưởng lợi nhuận không được bao nhiêu do đa số sở hữu diện tích đất nhỏ (dưới 1 ha).

Theo tính toán của tiến sĩ Lê Văn Bảnh, với giá lúa thu mua tại ruộng hiện nay (từ 4.800 đồng đến 5.000 đồng/kg) được xem là cao nhưng thực chất người dân không có lãi bao nhiêu. Giả sử một hộ có 1 mẫu đất, canh tác 2 vụ (vụ đông xuân 6 tấn/ha và hè thu 4 tấn/ha). Như vậy, hộ này thu hoạch được 10 tấn lúa, với giá bán 5.000 đồng/kg sẽ có 50 triệu đồng, trừ đi chi phí sản xuất hết 25 triệu đồng, họ chỉ còn 25 triệu đồng. Với số tiền này, chia cho 12 tháng, tức mỗi tháng hộ này chỉ có hơn 2 triệu đồng để chi tiêu. Nếu hộ có 4 người, mỗi người có vỏn vẹn 500.000 đồng/tháng; còn hộ có 7-8 người, thậm chí 10 người (số hộ có đông người ở vùng nông thôn chiếm đa số) thì xem như “trắng tay”.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cũng thừa nhận phần lớn nông dân chưa được hưởng lợi nhiều từ giá lúa cao như hiện nay. Chỉ có một số bộ phận nông dân sở hữu diện tích lớn mới hưởng lợi nhiều, trong khi có đến 72% số hộ sở hữu chỉ vài công đất. Theo ông Phong, cách tính của Chính phủ để nông dân lãi 30% là cho cả năm chứ không theo một vụ mùa cụ thể. Chẳng hạn, vụ đông xuân vừa qua do thời tiết thuận lợi, không tốn nhiều chi phí nên giá thành sản xuất thấp (từ 2.800 đồng đến 3.200 đồng/kg), dẫn đến nông dân có lãi cao. Còn giá thành vụ hè thu hiện nay lên đến 3.500 đồng/kg do thời tiết không thuận lợi nên có lãi thấp.

Hoãn mua để ép giá?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết việc thu mua gạo tạm trữ đã trở thành quy định do Nhà nước giao cho VFA thực hiện và phân bổ theo từng thời điểm. Theo đó, cuối tháng 7 và đầu tháng 8 phải tiến hành thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhưng nhiều doanh nghiệp không muốn mua. Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, việc hoãn mua gạo tạm trữ sẽ gây áp lực lên nông dân vì họ còn phải trả nợ vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu và cả ngân hàng. “Lo ngại doanh nghiệp xuất khẩu không mua gạo, dân sẽ đua nhau bán tháo, dẫn đến giá sẽ tụt giảm sâu là điều rất nguy hại” – ông Bảnh nhận định.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng việc mua gạo tạm trữ cũng tốt cho doanh nghiệp vì có thể bảo đảm được chất lượng gạo và chủ động được nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, thu mua thường xuyên vào đúng thời điểm là góp phần bình ổn giá cả và bảo đảm tiêu thụ lúa gạo trong nội địa. Còn theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, việc VFA hoãn mua gạo tạm trữ là một cách để chèn ép giá đối với nông dân.


Theo Quốc Dũng – Ca Linh – Long Giang
 Người Lao động


Báo cáo phân tích thị trường