Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều tín hiệu xấu cho xuất khẩu thủy sản
28 | 07 | 2011
Cơ quan kiểm tra chất lượng thực phẩm của Canada vừa chính thức kiến nghị không cho phép nhập khẩu cá tra, basa file đông lạnh từ Việt Nam.

Lý do của kiến nghị này là phát hiện dư lượng chất kháng sinh Enrofloxacin trong các lô hàng vượt quá 0,06 ppb cho phép trong thủy sản.

Gặp khó ở nhiều thị trường

Thủy sản hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada. 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 11,55 nghìn tấn thủy sản, trị giá 21,4 triệu USD vào Canada.

Tuy nhiên kể từ ngày 20.6, khi Luật An toàn sản phẩm tiêu dùng của Canada có hiệu lực thì việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này bị ảnh hưởng. Kể từ đầu năm đến nay, ngoài Choramphenicol, Trifluralin...thì Enrofloxacin là chất đang bị cảnh báo nhiều nhất tại các thị trường nhập khẩu và lần đầu tiên Canada cảnh báo về dư lượng hóa chất này trong các lô hàng cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam.

Và cách đây chưa lâu, ba tập đoàn bán lẻ đứng thứ nhất, thứ 2 và thứ 4 của Anh là Tesco, Asda và Morrisons đồng loạt ngừng bán cá tra nuôi của Việt Nam do phát hiện tạp chất tăng trọng trong cá. Ngoài ra tại cơ quan thẩm quyền Đức, Italia cũng đã cảnh báo 4 lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng Trifluralin và chất diệt mối Chlophyriphos. Bên cạnh đó, với mặt hàng tôm, vào tháng 6.2011 Nhật Bản đã tăng tần suất kiểm tra dư lượng Enrofloxacin trong lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ 30% lên 100%.

Việc các thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam phát đi tín hiệu về dư lượng các chất có trong sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã cảnh báo sự tác động không nhỏ đối với tình hình sản xuất, kinh doanh và thu hoạch của người nuôi trồng thủy sản trong nước. Đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết họ rất lo ngại về những khó khăn sắp tới khiến thị trường, sản lượng xuất khẩu bị thu hẹp.

Cần hỗ trợ nông dân

Hiện tại cả giá tôm và giá cá tra đều được nhận định tăng cao cả về giá trong nước và giá xuất khẩu. Người dân nuôi trồng thủy sản đang vui mừng.

Theo đại diện ngành NNPTNT nhiều tỉnh ĐBSCL, thừa nhận: Mạng lưới bán thuốc thủy sản quá dày đặc! Nguồn nhân lực quản lý lại còn mỏng, trong khi sản phẩm đa dạng, diện sản xuất rộng lớn. Do đó, dù tăng cường mấy cũng khó quán xuyến hết.

Theo thông tin của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết: Giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau đang tăng cao, theo nhận định là cao nhất từ trước tới nay. Tôm loại 30 con/kg hiện có giá 230.000 đồng/kg, tăng hơn 30.000 đồng so với vụ trước.

Và cũng theo thông tin từ thị trường Nhật Bản thì do nước này hạn chế nhập tôm Việt Nam nên giá tôm Việt Nam tại thị trường Nhật cũng đang đứng ở mức cao. Giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL tuần qua cũng tăng từ 200-500 đồng/kg tùy loại.

Tuy nhiên, việc giá tăng cao chưa chắc đã giúp cho người nuôi trồng thủy sản được hưởng lợi bởi những tín hiệu khó khăn về đầu ra tiếp tục cảnh báo, không chỉ với họ mà cho cả các cơ quan quản lý về những biện pháp cần thiết để bảo vệ sản phẩm thủy sản cho người nông dân trong nước.

Ông Ngô Hiển - doanh nghiệp ở Sóc Trăng: Dư lượng chất Enrofloxacin không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý, còn làm phía doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng vượt bậc. Bởi theo họ không thể nào kiểm soát các lô nguyên liệu toàn diện trước khi đưa vào chế biến. Và một khi hóa chất này vẫn lưu hành ở nhiều dạng thương phẩm khác nhau và hậu quả xảy ra sẽ rất nặng nề.

Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu: Ngành sẽ tăng cường kiểm soát dư chất Enrofloxacin trên địa bàn theo quy định và tham gia hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ NNPTNT cần nghiên cứu, sớm điều chỉnh, cho phép mức lưu tồn hợp lý của chất Enrofloxacin trong thủy sản chế biến mà các nước chấp nhận nhập khẩu.



Báo cáo phân tích thị trường