Vực dậy vùng nguyên liệu
Nhà máy Đường Tuy Hòa (thuộc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa) được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt vùng nguyên liệu mía rộng 4.500ha, song năm 2008, vùng nguyên liệu của công ty chỉ còn 2.187ha khiến niên vụ 2008 - 2009, nhà máy chỉ thu mua, chế biến được 104.026 tấn mía cây, bằng 69,4% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do, thời kỳ đó, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa gặp khó khăn về vốn, chưa thể đầu tư đúng mức cho vùng nguyên liệu nên nông dân phá bỏ mía để trồng sắn.
Trước thực trạng này, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã xây dựng chiến lược khôi phục vùng nguyên liệu với nhiều chính sách đầu tư mới, trong đó có chủ trương tăng suất đầu tư nhằm đảm bảo cho người dân có đủ vốn làm đất, mua mía giống, chăm sóc cho cây mía cả vụ, với mức đầu tư 15 triệu đồng/ha.
Niên vụ 2009- 2010, công ty còn phối hợp với các huyện Tây Hòa, Sông Hinh thành lập ban điều hành chương trình mía đường tại các xã. Qua đó, các vướng mắc về thủ tục đầu tư được giải quyết nhanh chóng ngay tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận vốn. Trong niên vụ vừa qua, công ty đầu tư cho bà con 37 tỷ đồng, nhờ đó diện tích mía trong vùng nguyên liệu đã đạt gần 4.200ha, tăng 1.200ha so với niên vụ trước. Tiêu biểu như xã Ea Ly, năm 2008, chỉ có gần 100ha mía, nhưng trong năm 2010 đã trồng mới trên 700ha.
Ngoài điều chỉnh về chính sách thu mua, đơn vị còn nhập các giống mía mới có năng suất cao của Thái Lan phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của Phú Yên như: MI5514, R579, R570, K88-65, K88-92, K 88-200… để thay thế các giống mía cũ đã thoái hóa. Đây là các giống mía có tiềm năng năng suất cao, nếu đầu tư thâm canh đúng mức có thể đạt 120-150 tấn/ha. Đồng thời, công ty cũng hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc để tăng hiệu quả kinh tế của cây mía.
Nông dân và nhà máy cùng có lợi
Nhờ chính sách đầu tư “trọn gói” từ cung cấp mía giống mới, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật trồng mía… cùng với việc mua mía với giá cao, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã “kéo” nông dân trở lại trồng mía. Đã có nhiều hộ thu hoạch mía đạt năng suất cao như hộ ông Nguyễn Đình Quốc ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) trồng trên 3,9ha, năng suất 150 tấn/ha; hộ ông Nguyễn Ngọc Mỹ ở xã Ea Ly (Sông Hinh) trồng hơn 20ha, năng suất trên 100 tấn/ha…
Hiện, nhà máy đã thu mua và đưa vào chế biến 136.250 tấn mía cây, tăng hơn 26.000 tấn so với niên vụ 2009 – 2010. ông Nguyễn Xuân Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết, do lượng mía trên đồng còn lớn, bà con vẫn đang tiếp tục thu hoạch nên niên vụ này, nhà máy sẽ kéo dài thời gian hoạt động thêm 1 tháng so với niên vụ trước, dự kiến đến tháng 6 sẽ kết thúc vụ ép.
Ông Lê Tấn Đàm, Phó giám đốc Công ty cho biết: “Mặc dù giá đường đang hạ, khó tiêu thụ nhưng công ty vẫn thu mua mía với giá ổn định như từ đầu vụ cho bà con, bình quân từ 900.000 - 970.000 đồng/tấn, nhờ vậy mà nông dân có thu nhập cao”.
Theo Kinh tế nông thôn