Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường phân bón: Nguồn cung dồi dào, giá biến động nhẹ
13 | 05 | 2011
Thời điểm này, nông dân nhiều địa phương khu vực miền Trung đang triển khai sản xuất vụ hè thu. Điều thuận lợi là nguồn cung phân bón khá dồi dào, dù giá cả biến động nhẹ.
Hiện nay, hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), doanh nghiệp kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Bình Định đã nhập đủ lượng hàng để phục vụ sản xuất. So với vụ hè thu (HT) trước, nguồn cung phân bón năm nay dồi dào hơn, giá cũng ổn định hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, với diện tích lúa gieo sạ hơn 41.000ha, trong vụ HT này, nông dân trong tỉnh cần khoảng 25.000 tấn phân các loại. Tuy nhiên, khác với các dự đoán ban đầu là giá phân bón sẽ biến động mạnh, thời gian gần đây, giá các loại phân bón chỉ tăng nhẹ, từ 30.000-50.000 đồng/bao (50 kg) so với vụ trước, nguồn cung tương đối dồi dào nên nông dân yên tâm bước vào vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó chủ nhiệm HTXNN thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn) cho biết: “Nhằm chủ động nguồn cung ứng phân bón phục vụ nông dân sản xuất vụ HT, từ cuối tháng 3, HTX đã chủ động nhập gần 500 tấn phân bón các loại, gồm NPK của Nhà máy Phân bón Bình Điền, urê Phú Mỹ, lân, kali..., về dự trữ tại kho của HTX”.
Ông Huỳnh Trọng Phu, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bình Định cho biết thêm: “Nhận thấy tình hình phân bón trên thế giới diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, công ty đã chủ động nhập lượng phân bón khá lớn để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nông dân. Hiện nay, tại các kho của công ty, chúng tôi đã dự trữ được 2.500 tấn phân các loại gồm: urê, kali, NPK, SA, lân… Do vậy, có thể khẳng định, vụ HT này, nguồn cung phân bón sẽ ổn định, không xảy ra tình trạng sốt giá như các năm trước”.
Cũng theo ông Phu, ngoài lượng phân bón nhập khẩu, Nhà máy Phân bón Long Mỹ của công ty đã chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất nên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ phân bón trong tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thời gian qua, Nhà máy Phân bón Long Mỹ đã sản xuất và tiêu thụ được trên 5.000 tấn phân NPK các loại. Thời gian tới, để đảm bảo đủ lượng phân bón phục vụ nông dân, nhà máy sẽ sản xuất, cung ứng thêm khoảng 10.000 tấn phân NPK nữa. Do vậy, giá phân bón sẽ được bình ổn ít nhất là từ nay đến hết vụ HT.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định, với lượng phân bón còn dự trữ từ trước cộng với nguồn phân được sản xuất tại địa phương, vụ HT này, nông dân không lo thiếu. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là chất lượng phân bón cung ứng ra thị trường không đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng theo quy định. Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định cho biết: “Sở đã chỉ đạo thanh tra ngành tăng cường kiểm tra việc kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… trước khi bước vào vụ sản xuất HT. Nếu phát hiện được đơn vị nào kinh doanh trái phép, buôn bán phân bón giả, thiếu hàm lượng dinh dưỡng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Giá phân bón ổn định, trong khi giá lúa ở mức cao (hiện giá lúa được thương lái thu mua từ 6.200-6.700 đồng/kg) làm cho hiệu quả từ sản xuất lúa tăng, nông dân tại các huyện trọng điểm lúa của tỉnh như: An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn... đang rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Công Hoàng nhẩm tính: “Nếu các năm trước giá phân bón luôn ở mức cao trong khi giá lúa thấp thì năm nay, giá phân bón ổn định, trong khi giá lúa lại tăng cao, tính ra, mỗi sào (1 sào Trung Bộ = 500m2), nông dân có lãi 700.000 - 800.000 đồng, mỗi hecta lãi 14-15 triệu đồng. Nếu giá giữ ở mức này thì sản xuất lúa năm nay coi như vừa trúng mùa vừa được giá”.
Theo tính toán của nhiều nông dân, với giá phân bón như hiện nay, vụ HT này, nông dân chỉ phải chi 2,5-3 triệu đồng mua phân bón cho mỗi hecta lúa. Nếu đầu tư thâm canh tốt, bình quân mỗi hecta lúa có thể thu hoạch được 6,5-7 tấn/vụ, với giá lúa bình quân 6.500 đồng/kg, có thu nhập gần 45 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 15-20 triệu đồng.
Theo Kinh tế nông thôn


Báo cáo phân tích thị trường