Thị trường lúa gạo: Doanh nghiệp sợ lỗ, nông dân lo ế
30 | 07 | 2011
Thông tin tạm dừng mua tạm trữ một triệu tấn gạo hè thu từ ngày 15.7 khiến cho giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long chững lại sau đợt tăng giá trong hai tuần qua.
Khảo sát thị trường cho thấy, hai tuần đầu tháng 7, giá mỗi ký lúa hè thu cũng như gạo thành phẩm 5% tấm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ở mức 6.200 đồng, tăng hơn 10% so với hai tuần cuối tháng 6. Một ngày sau khi có thông tin tạm hoãn mua tạm trữ, giá lúa gạo bắt đầu chững lại.
Tạm dừng để giá hạ?
Nhiều thương lái cho biết doanh nghiệp xuất khẩu hiện mua lúa gạo cầm chừng. “Từ đầu tháng đến nay xuất hiện nhiều xe tải ở Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long tới mua gạo chứ doanh nghiệp nhà nước mua chậm lắm”, bà Sáu Thơ, thương lái ở khu vực huyện Thoại Sơn, An Giang cho hay.
Lý do tạm dừng mua lúa, theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), là do giá lúa gạo đang ở mức đảm bảo nông dân có lợi nhuận. Một số doanh nghiệp cho rằng, nguồn cung không đáp ứng nhu cầu mua thương mại.
Về nguồn cung, thời điểm này nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ vụ hè thu với trên 1,5 triệu hecta. Ước tính, từ nay đến hết tháng 10 có trên 2 triệu tấn gạo hàng hoá cần giao dịch.
Một số nguồn tin đáng tin cậy từ phía doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, nếu giá lúa tiếp tục tăng thì các hợp đồng ký giá thấp từ hồi tháng 5, tháng 6 có nguy cơ bị lỗ. Theo số liệu thống kê của VFA, khoảng 1,3 triệu tấn gạo phải giao trong tháng 7 này là của các hợp đồng ký trong hai tháng 5 và 6. Tại thời điểm đó, giá gạo trên thị trường thế giới xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011. Chẳng hạn, gạo 5% tấm của Thái Lan từ mức 530 USD/tấn vào tháng 1 đến tháng 5 năm nay giảm còn 470 USD. Gạo 5% tấm được doanh nghiệp Việt Nam bán ra ở mức giá từ 460 – 470 USD/tấn. Vì vậy, nếu chưa có đủ hàng trong kho, doanh nghiệp mua vào thời điểm này sẽ có giá vốn cao hơn từ 20 tới 30 USD so với giá giao kết trong hợp đồng.
Ẩn số từ nguồn cầu Trung Quốc
Liệu việc ngưng mua có làm giá giảm? Giới kinh doanh cho rằng có điểm tương đồng giữa thị trường năm nay và năm trước. Năm trước, yếu tố tăng giá gạo trong tháng 7, tháng 8.2010 không đến từ sức mua phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam mà do lực cầu Trung Quốc. Trong tháng 7.2010, VFA ước tính có đến 600.000 tấn gạo hè thu vận chuyển bằng đường bộ, đường biển xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Điều này khiến giá lúa gạo nội địa tăng đột biến và làm cho hàng triệu tấn gạo mà doanh nghiệp ký trong quý 2/2010 với mức giá dưới 300 USD/tấn gạo 25% tấm và 340 – 350 USD/tấn loại 5% tấm bị lỗ ít nhất 25 – 30 USD/tấn.
Vụ hè thu năm nay, chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ, do vốn ít nên phải ký hợp đồng trước sau đó mới tổ chức thu mua nguyên liệu nên có nhu cầu mua gạo lúc này. Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn chỉ mua cầm chừng do lượng gạo tồn kho đến hết tháng 6.2011 đủ đáp ứng các đơn hàng đã ký hợp đồng mà chưa giao. Hai doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu gạo là tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc còn tồn kho tương ứng với lượng gạo là 420.000 tấn và 134.000 tấn.
Vài ngày gần đây bắt đầu xuất hiện thông tin có tình trạng doanh nghiệp nước ngoài núp bóng thương lái trong nước mua gom lúa gạo ở các tỉnh đang thu hoạch rộ như An Giang, Đồng Tháp để xuất tiểu ngạch. Một nguồn tin riêng từ người ở Hải Phòng chuyên mua bán gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng xác nhận Trung Quốc đang gia tăng nhu cầu mua gạo Việt Nam. “Hơn nửa tháng nay, thương nhân Trung Quốc tìm mua gạo khá nhiều. Có nhiều tàu gạo từ phía Nam chở ra, sau đó chuyển sang container xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc”, nguồn tin trên cho hay.
Đại diện VFA cũng thừa nhận nhu cầu mua gạo từ các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, bù đắp đáng kể vào số lượng nhập khẩu giảm từ thị trường truyền thống Philippines trong sáu tháng qua. Từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ công bố nhập khẩu gạo, nhưng hàng năm, một số tỉnh giáp ranh Việt Nam vẫn thường thiếu gạo nên phải mua ở các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam.