Các quỹ đã giảm đặt cược vào các hàng hoá nguyên liệu thô lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua vì lo rằng nhu cầu thực phẩm, nhiên liệu và kim loại sẽ giảm sút khi khủng hoảng nợ công ở châu Âu nghiêm trọng hơn.
Theo dữ liệu của Bloomberg, trong tuần kết thúc ngày 13/9, nhà đầu cơ đã giảm 5,2% vị thế mua ở 18 hàng hoá nguyên liệu thô xuống 1,21 triệu hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ đầu tháng 8. Nhà đầu cơ giảm đầu tư vào đồng tới 91% và bán lúa mì lần đầu tiên trong 4 tuần. Đầu tư vào vàng, ngô và xăng đồng loạt giảm.
Chỉ số Standard & Poor’s GSCI của 24 loại hàng hoá đã giảm 14% kể từ khi chạm mức cao 2 năm hồi tháng 4 năm nay do nợ công ở châu Âu và Mỹ làm tăng nỗi lo về thể trạng kinh tế toàn cầu. Các bộ trưởng tài chính châu Âu đã bác bỏ những nỗ lực nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế yếu kém và không phát đi tín hiệu về viện trợ hay cung cấp các khoản vay thêm trong cuộc họp ngày 16/9 ở Ba Lan.
Jeffrey Sherman, người giúp quản lý 16 tỷ USD tại quỹ DoubleLine Capital ở Los Angeles nhận xét, “mọi người sợ hãi trước những gì đang xảy ra ở châu Âu.”
Các nhà phân tích của Barclays Captial trong báo cáo phát đi ngày 14/9 thì cho thấy, dòng tiền mà nhà đầu tư đổ vào các quỹ ETF hàng hoá trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư từng mặt hàng cụ thể, theo báo cáo của Uỷ ban giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 13/9, các quỹ phòng hộ và các quỹ quản lý tiền tệ đã giảm vị thế mua ở đồng xuống còn 300 hợp đồng, từ 3.221 hợp đồng tuần trước đó. Đồng là mặt hàng có quan hệ chặt chẽ và nhạy cảm nhất đối với các thông tin kinh tế vĩ mô.
Đầu tư vào ngô giảm 10% xuống còn 298.333 hợp đồng. Lúa mì bị bán mạnh và thiết lập vị thế bán ở 11.150 hợp đồng, sau khi duy trì vị thế mua 13.495 hợp đồng tuần trước đó.
Đầu tư vào ngô và lúa mì giảm vì triển vọng nguồn cung tăng khi thời tiết ở Mỹ tốt lên, giữa lúc Ấn Độ thông báo cho xuất khẩu 2 triệu tấn lúa mì không giới hạn giá.
Báo cáo từ công ty theo dõi thị trường EDFR thì cho thấy, nhà đầu tư đã chuyển 692 triệu USD vào các qũy hàng hoá trong tuần đến ngày 14/9. Đã có 938 triệu USD đựơc chuyển vào vàng và kim loại quý, còn 246 triệu USD bị rút khỏi các quỹ hàng hoá khác.
Theo Cafef