Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khẩn trương giúp người trồng sắn ở miền trung tiêu thụ sản phẩm ứ đọng
14 | 10 | 2011
Do ảnh hưởng của hai cơn bão số 5 và 6, hàng chục nghìn ha sắn (mì) bị ngập, hư hại ở các tỉnh miền trung. Nông dân buộc phải thu hoạch sắn "chạy lũ" khiến sản lượng tăng đột biến, gây tình trạng ứ đọng sắn rất lớn. Việc gấp rút thu mua, tiêu thụ sắn nguyên liệu đang là bài toán cần được các cấp chính quyền địa phương và các nhà máy sắn quan tâm giải quyết nhằm giảm bớt thiệt hại cho nông dân...
Giúp nông dân giảm thiệt hại
Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn ở miền trung đã hoạt động hết công suất nhưng cũng chỉ thu mua được một lượng nhỏ số sắn đang ứ đọng. Nhà máy sắn Tịnh Phong, Sơn Hải (Quảng Ngãi), Sông Hinh (Phú Yên) đã sản xuất vượt từ 15 đến 20% công suất so với thiết kế nhưng vẫn không tiêu thụ hết sắn cho nông dân. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, kiêm Giám đốc Nhà máy sắn Tịnh Phong và Sơn Hải Trần Ngọc Hải cho biết: Chúng tôi đã cố gắng ưu tiên giải quyết sắn ứ đọng tại các vùng bị ngập nước trong thời gian ngắn nhất để nông dân giảm bớt thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Nhà máy đã vận hành trước một tháng so với vụ sắn năm ngoái và đã nâng công suất Nhà máy sắn Tịnh Phong từ 700 tấn sắn tươi/ngày lên 800 tấn/ngày và Nhà máy sắn Sơn Hải công suất từ 350 tấn lên 400 tấn/ngày. Hiện nay, mỗi ngày ở trước cổng nhà máy có hơn 200 xe sắn tươi (từ 10 đến 15 tấn/xe). Như vậy, lượng sắn tươi ứ đọng hằng ngày khoảng trên dưới 3.000 tấn. Hơn 65 ngày qua, nhà máy đã mua của nông dân khoảng 90 nghìn tấn sắn, nhưng không thể giải quyết hết sắn tươi ứ đọng tại cổng nhà máy.
Ðể kịp thời giúp nông dân thu hoạch sắn bị ngập, giảm thiệt hại, các nhà máy sắn đã cử cán bộ bám chặt cơ sở, đến từng hộ gia đình, phối hợp với lãnh đạo các thôn, xã để xác minh thiệt hại cụ thể từng vùng nguyên liệu và định thời gian thu hoạch, trên cơ sở đó ưu tiên cấp phiếu nhập nguyên liệu sắn cho vùng bị ngập nước. Các tỉnh đã chỉ đạo nhà máy, UBND các xã trồng sắn trên địa bàn và các HTX thường xuyên cập nhật giá sắn cho nông dân, tránh tình trạng tư thương ép giá. Ðối với diện tích sắn còn lại chưa bị ảnh hưởng do mưa lũ sẽ tạm thời ngưng thu hoạch để tránh tồn đọng tại nhà máy. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện phối hợp với cán bộ nhà máy, UBND các xã và HTX rà soát lại diện tích sắn bị ngập úng do mưa lũ để sớm thu mua cho người dân. Những diện tích sắn chưa thu hoạch phải giao cho HTX của các xã thu mua sắn của người dân, chứ không để tư thương mua trực tiếp với người trồng sắn. Ðồng thời rút kinh nghiệm việc thu mua sắn năm nay, các huyện cần có kế hoạch, làm việc với các nhà máy để có lộ trình hợp lý trong việc thu mua sắn cho nông dân nhằm tránh gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy.
Ðể doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân
Có thể thấy, các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở miền trung hiện nay đầu tư phát triển nhanh vùng sắn cao sản tập trung. Nhờ đó, nhiều hộ trồng sắn đã vươn lên có cuộc sống khấm khá. Ðặc biệt, đồng bào Vân Kiều và Pa Cô ở vùng Lìa, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) nhờ trồng sắn mà hàng trăm hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo và từng bước có vốn tích lũy. Từ chỗ toàn vùng chỉ có 10 hộ có thu nhập cao, đến nay đã có hơn 100 hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ðể duy trì vùng nguyên liệu ổn định, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đã thành lập câu lạc bộ những người trồng sắn có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Câu lạc bộ đã tạo điều kiện cho những người trồng sắn trao đổi kinh nghiệm, phương thức canh tác mới nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, động viên nhau cùng vươn lên làm giàu.
Ngay trong vụ sắn năm nay, hầu hết các hộ trồng sắn ở những vùng trũng, ngập nước, nhưng đã ký hợp đồng với các nhà máy sản xuất tinh bột sắn đều được giải quyết thỏa đáng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên đã xảy ra tình trạng một số hộ không ký hợp đồng trồng sắn nguyên liệu với nhà máy để khi được giá thì bán ra ngoài. Bây giờ, sắn phải thu hoạch chạy lũ mà tư thương không mua và cũng không biết bán đi đâu phải đến nhờ nhà máy. Tuy nhiên, quan điểm lãnh đạo của các nhà máy là ưu tiên mua sắn theo hợp đồng đã ký với nông dân, sau đó mới tính đến sắn nguyên liệu ngoài thị trường.
Có thể nói, với bài toán chuyển đổi cây trồng để phát huy thế mạnh vùng gò đồi thì cây sắn ra đời và thật sự đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân các tỉnh miền trung. Quan hệ giữa người trồng sắn với các nhà máy sản xuất tinh bột sắn là minh chứng cụ thể cho mối quan hệ giữa "bốn nhà" trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Tình hình mưa, lũ hiện nay ở khu vực miền trung vẫn còn phức tạp. Nhiều diện tích sắn vẫn đang ngập chìm trong nước đã gây thiệt hại cho nông dân đáng kể. Do đó, các nhà máy chế biến tinh bột sắn cần tiếp tục cam kết đồng hành cùng người trồng sắn để tháo gỡ khó khăn, tăng cường thu mua, vận hành dần số sắn đang ứ đọng tại nhà máy và các địa phương. Hy vọng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự năng động vượt qua thử thách của doanh nghiệp, cây sắn sẽ tiếp tục đứng vững trên vùng đất miền trung, từng bước giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường