Đa số DN trong nước khủng hoảng
Theo một thống kê mới đây, nếu trước khủng hoảng kinh tế (trước năm 2007), ngành chế biến gỗ chỉ có khoảng 110 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 44% kim ngạch xuất khẩu, DN trong nước khoảng 1.500 DN thì hiện nay DN FDI đã lên đến 160, chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam. Điều này cho thấy các DN trong nước đã suy yếu đi rất nhiều.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, đã có 4 DN ngành gỗ tại TP. Hồ Chí Minh gửi thông báo ngừng hoạt động vì cạn vốn và nguyên liệu. Ngoài 4 DN trên, Hawa cũng đã cố gắng liên lạc với 6 DN khác trong Hội nhưng chưa có tín hiệu trả lời. Theo ông Hạnh, nguyên nhân khiến các DN phá sản là do những biến động mạnh về chi phí đầu vào và lãi suất ngân hàng nên khoảng 86% DN gỗ vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn vay, làm hạn chế khả năng và quy mô hoạt động.
Hiện, chỉ có các DN gỗ ở Bình Dương là có khả năng chống chọi tốt hơn các vùng khác như Bình Định, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, nhưng trên thực tế các DN này cũng đã thua lỗ lớn và trên diện rộng. Ước tính, có đến 55% DN đầu tư trong nước bị lỗ trong sản xuất kinh doanh và đang sản xuất cầm chừng, khoảng 30% DN hoạt động ở mức hòa vốn, chỉ còn 15% DN có lãi ở mức thấp.
Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của cả nước năm 2011 đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2010. Tuy nhiên, trong số tốp 20 DN dẫn đầu ngành thì trên 70% DN FDI.
Khai thác thị trường nội địa để đứng vững
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, trong bối cảnh chi phí sản xuất, các khoản phải trả người lao động "ăn" vào lợi nhuận của DN như hiện nay thì bản thân mỗi DN cần phải có những chiến lược hoạt động cho phù hợp với tình hình. Nhiều DN trong nước đã có chiến lược đầu tư bài bản bằng cách mở các phòng trưng bày sản phẩm.
Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc Công ty Trường Thành (TTF) chia sẻ, ngoài xuất khẩu, TTF rất chú trọng thị trường nội địa với phân khúc thị trường trung và cao. Hiện, TTF có cả hệ thống bán lẻ trực tiếp, hệ thống phân phối thông qua các siêu thị như Thiên Hòa, Đệ Nhất Phan Khang, Mê Linh Plaza… và các đại lý cấp 1 trên toàn quốc. Ngoài ra, công ty còn thực hiện mảng thi công công trình trang trí nội thất cho các khu nghỉ mát, khách sạn, trung tâm thương mại, tàu du lịch… theo phân khúc cao cấp. Do vậy, doanh thu nội địa chiếm tới 30% tổng doanh thu của TTF.
Còn theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH B.A (BOUTIQUE), từ khi việc xuất khẩu không thuận lợi, công ty đã chuyển hướng kinh doanh bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa với sự tập trung sản phẩm vào phân khúc cao cấp. Việc phân phối tốt tại thị trường nội địa đã giúp BOUTIQUE đứng vững trong khủng hoảng suốt mấy năm nay. Dù có nhiều ý kiến cho rằng, việc cạnh tranh với hàng Trung Quốc là rất khó khăn nhưng BOUTIQUE tự tin có thể đánh bại được hàng Trung Quốc. Lý giải điều này, ông Chương nói: "Hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam chỉ là mặt hàng nội thất làm bằng kim loại, nhựa và nệm. Còn mặt hàng bằng gỗ thì hoàn toàn rất ít, không đáng kể để có thể cạnh tranh".
Tổng hợp