Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rối ren ngành điều Việt Nam
26 | 06 | 2007
Thua lỗ trong 2 năm liên tiếp, ngành điều Việt Nam quyết tâm làm cuộc "đại phẫu" nhằm cải thiện tình hình bằng cách thay đổi cả bộ máy lãnh đạo Hiệp hội cây điều Việt Nam (VINACAS) vào năm 2006. Thế nhưng sau đó sóng gió vẫn tiếp tục xảy ra xung quanh chiếc ghế Chủ tịch Hiệp hội. Các doanh nghiệp chưa thoát khỏi khủng hoảng đã phải vướng vào cuộc “nồi da xáo thịt”.

Giọt nước tràn ly

Ngày 28.2.2006, Đại hội VINACAS đã họp và bầu ra Ban chấp hành khóa V, đồng thời bầu Chủ tịch Hiệp hội. Tiến sĩ Phạm Văn Biên lúc bấy giờ chưa đủ tư cách làm ứng cử viên Chủ tịch VINACAS vì ông đang giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, và viện này chỉ là hội viên danh dự của VINACAS (điều lệ hội quy định ứng cử viên phải là hội viên chính thức). Ngay tại đại hội lúc đó, nhiều ý kiến cũng không đồng tình với chiếc ghế chủ tịch dành cho ông Biên, tuy nhiên trong bối cảnh khủng hoảng về lãnh đạo và tình hình ngành điều đang xuống dốc, ông Phạm Văn Biên cuối cùng cũng đã đắc cử chức chủ tịch.

Điều đáng nói là kể từ ngày 1.12.2006, ông Biên nghỉ hưu và không còn là Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam. Theo điều 7 - Điều lệ của VINACAS, "đại diện hợp pháp của Hiệp hội là người lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, người đứng đầu cơ quan...". Khi không còn là viện trưởng, điều kiện cơ bản để ông Biên được bầu vào chức chủ tịch cũng không còn. Để hợp thức hóa vấn đề này, ngày 10.11.2006, trước khi về hưu, ông Phạm Văn Biên đã nộp đơn xin làm hội viên với tư cách là nhà khoa học nghiên cứu lâu năm về cây điều. Ngày 20.1.2007, Phó chủ tịch VINACAS Phạm Văn Công ký công văn gửi các hội viên thông báo việc Ban chấp hành VINACAS đã họp và xét công nhận giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Biên (đang giữ chức chủ tịch)  làm hội viên chính thức và ra nghị quyết về việc ông Biên tiếp tục giữ chức chủ tịch.

Thông báo này lập tức nhận được phản ứng quyết liệt từ các hội viên, trong đó có cả một Phó chủ tịch của VINACAS. Phía phản đối cho rằng việc bầu cử chủ tịch phải do Đại hội hoặc Đại hội bất thường tiến hành, ông Biên mới chỉ là hội viên thể nhân từ ngày 15.11.2006, từ ngày ông được kết nạp đến lúc có thông báo tiếp tục giữ chức chủ tịch chỉ khoảng 30 ngày và chưa hề có một cuộc họp nào của VINACAS, vậy ai bầu ông làm chủ tịch? Một ý kiến gay gắt cho biết: "Nếu Ban chấp hành tiếp tục đề cử ông Biên sau khi nghỉ hưu giữ chức Chủ tịch VINACAS thì phải thực hiện theo điều lệ, ứng cử để bầu vào Ban chấp hành và thông qua Đại hội bất thường để bầu chủ tịch, lúc đó hội viên mới công nhận. Tất cả những gì khác với điều đó chỉ là lạm quyền và không hợp lệ".

Một số ý kiến khác cho biết từ ngày ông Biên đắc cử, ông chưa hề đi thăm hỏi các hội viên, cả năm Hiệp hội cũng chỉ họp được 1 lần để bầu cử, và hầu hết các hội viên đều "tẩy chay" VINACAS và không đóng hội phí. Ngày 29.12.2006, ông Phạm Văn Biên đã có công văn gửi Bộ Thương mại yêu cầu tạm  ngừng việc xét thưởng danh hiệu "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" của 12 doanh nghiệp ngành điều và đề nghị phải xét thêm tiêu chí "phải đóng hội phí đầy đủ, hoàn thành tốt công tác hội...". Việc làm này của ông Biên như giọt nước tràn ly.

Ông chủ tịch nói gì?

Chiều 31.1, chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Phạm Văn Biên xung quanh vấn đề này. Ông Biên đã phản bác toàn bộ thông tin trên và cho biết: “Tôi là ủy viên Ban chấp hành của VINACAS liên tục trong 12 năm qua. Điều đó chứng tỏ tôi đã là hội viên chính thức, đây là điều kiện cần phải có. Ngoài ra còn phải có đủ uy tín, năng lực mới được bầu làm chủ tịch. Khi tôi về hưu đã có đơn xin làm hội viên chính thức với tư cách cá nhân và đã được thông qua, như vậy tôi vẫn có đủ điều kiện làm chủ tịch, tôi chỉ chuyển tư cách hội viên từ đại diện một viện nghiên cứu sang tư cách cá nhân, còn đại hội đã bầu tôi rồi thì tôi tiếp tục làm chủ tịch đâu có vấn đề gì".

Về vấn đề hội phí, ông Biên cho rằng VINACAS vẫn thu được hội phí trong năm qua trên 300 triệu đồng và  hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, số tiền này chưa đến 50% mức thu hội phí của năm trước. Khi chúng tôi đưa ra các văn bản của một Phó chủ tịch VINACAS và hội viên phản đối tư cách chủ tịch thì ông Phạm Văn Biên không trả lời được. Chúng tôi cũng đặt câu hỏi về khả năng tổ chức Đại hội bất thường để bầu lại chủ tịch theo yêu cầu của hội viên, ông Biên khẳng định: “Tôi đã gửi công văn cho Vụ Các tổ chức phi chính phủ của Bộ Nội vụ để báo cáo tình hình. Sẽ không có chủ trương gì (tổ chức Đại hội bất thường - PV) trước khi có ý kiến của Bộ Nội vụ”.

Ngành hạt điều Việt Nam hiện nay được xem là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn với sản lượng trên 130.000 tấn, trị giá 520 triệu USD trong năm 2006. Một doanh nghiệp hội viên VINACAS lo lắng: "Chỉ còn vài ngày nữa là đến niên vụ thu hoạch điều, biết bao vấn đề hệ trọng đang chờ đợi vai trò của VINACAS trong khi vị chủ tịch hiện tại lại không được sự ủng hộ của nhiều người. Đã muộn lắm rồi để ngành điều làm lại một cuộc đại phẫu, nhưng thà muộn còn hơn không".

Vai trò điều hành của VINACAS

- Kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành hữu quan về kế hoạch, chính sách về thị trường, thương nhân, giá cả xuất nhập khẩu, tham gia ý kiến với Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách đối với các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh XNK sản phẩm điều.

- Tổ chức, hướng dẫn hội viên thống nhất về khung giá hoặc giá tối thiểu (mua hạt điều thô của dân và giá nhân xuất khẩu) cũng như giá tối đa cho hạt điều thô nhập khẩu vào Việt Nam nhằm tiêu thụ hết điều thô trong nước, đảm bảo lợi ích cho cả người trồng, chế biến và xuất khẩu hạt điều, tránh cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến bị khách hàng ép giá.

-  Đàm phán và ký kết với các tổ chức kinh tế nước ngoài, các tổ chức quốc tế về các văn bản có liên quan đến mục đích và chương trình hoạt động của Hiệp hội. Tham gia các tổ chức quốc tế về ngành điều theo quy định của chính phủ.

(Theo Điều lệ VINACAS)



Nguồn tin: Agroviet
Báo cáo phân tích thị trường