Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
XỬ PHẠT DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT PHÂN BÓN GIẢ NHƯ “GÃI GHẺ”
13 | 10 | 2016
Mức xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả đang như “gãi ghẻ”. Và nếu còn dấu hiệu bảo kê, “lợi ích nhóm” từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì việc “gãi ghẻ” cho doanh nghiệp vẫn là điều hiển nhiên.

Nhận định này được ông Nguyễn Như Cường – Phó Tổng Cục trưởng Cục trồng trọt đưa ra tại hội thảo Quốc gia lập lại thị trường phân bón Việt Nam do Bộ Công thương phối hợp với Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng TT BCĐ 389 Quốc gia tổ chức diễn ra sáng nay (28/9) tại Hà Nội.

Việt Nam mất khoảng 2 tỷ USD/năm do phân bón giả

Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Nhà nước cũng xác định tầm quan trọng của phân bón cho nền nông nghiệp, do đó, Nhà nước đã có nhiều nghị định, thông tư, như: Nghị định 113, Nghị định 191, Nghị định 15 CP, Nghị định 185 và mới nhất là Nghị định 202 của Chính phủ…. và 8 thông tư của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về lĩnh vực này.

Dù đã có nhiều văn bản quy định trong lĩnh vực phân bón nhưng tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang gây bức xúc, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nói chung và nông dân nói riêng. Đến thời điểm này, tình trạng phân phó giả, kém chất lượng vẫn chưa giải quyết triệt để bởi các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý. Chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra thì mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng 2 tỷ USD.

Mặc dù thiệt hại từ việc làm phân bón giả khá cao nhưng chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp làm giả, làm nhái này lại đang như  “gãi ghẻ” – Ông Nguyễn Như Cường – Phó Tổng Cục trưởng Cục trồng trọt nhìn nhận.

Theo ông Cường, đối với các quốc gia trên thế giới nếu phát hiện hành vi làm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng thì sẽ áp dụng mức xử phạt hình sự. Thế nhưng, tại Việt Nam mức xử phạt mới chỉ dừng lại hành chính. Trong khi đó, lợi nhuận mang lại từ việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng lại rất lớn.

Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp kinh doanh phân bón giả

Theo các con số điều tra chưa đầy đủ trong các năm qua được Hiệp hội Phân bón Việt Nam cung cấp, cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, bán ra trên 48 tỉnh thành. Điển hình như: Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%. Công ty CP Quốc tế Đông Trung đa yếu tố (Lâm Đồng) đăng ký hàm lượng trên giấy phép và bao bì NPK 53%, nhưng khi kiểm tra tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 8,2%….

Theo kết quả giám định mẫu tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thành phần chính trong phân NPK tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 1,9%, còn lại là… bột đá vôi.

Ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, sản xuất kinh doanh phân bón kiểu này không khác nào đem đất bán cho nông dân, vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta rất nhiều vùng tự nó đã có hàm lượng các dinh dưỡng…tương tự như phân bón giả nói trên.

Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng nêu thêm hai vụ đặc biệt liên quan tới thị trường phân bón được dư luận và các Bộ quản lý quan tâm mà đến nay được cho là đã “chìm xuồng”, đó là vụ Công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương) và vụ Công ty CP Thuận Phong (Đồng Nai). Cụ thể, ngày 24/4/2015 Văn phòng thường trực ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với đoàn 389 tỉnh Đồng Nai kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Thuận Phong phát hiện việc sang chiết rót phân bón dạng nước, đồng thời tạm giữ một lượng lớn các loại phân bón mang nhãn hiệu Breakout, Vitol, Zap, Boron…. cùng nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “Made in USA”.

Qua xác định, các cơ quan chức năng đã kết luận doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón giả. Tuy nhiên, hơn một năm qua, vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai cho phép dỡ niêm phong và “tha”, chỉ xử lý hành chính.

Đây là vụ việc gây bức xúc cho người nông dân và các Bộ quản lý. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng đây là việc làm coi thường tất cả kết luận của các cơ quan pháp lý, các Bộ quản lý liên quan.

“Đây có nên cho là một vụ điển hình về lợi ích nhóm không? Các Bộ nghĩ sao? Nếu công ty Thuận Phong không sai thì các Bộ ngành kết luận sai?”, ông Thúy lập luận và đề nghị“Chính phủ cần có chế tài nghiêm khắc về vụ việc này”.

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị cần tăng mức xử phạt đối với cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón. Các cá nhân, tổ chức, các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định phân bón. Các cá nhân, tổ chức công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp khi tác nghiệp tham gia lợi ích nhóm, bao che, bảo kê, đồng lõa cho gian thương vi phạm pháp luật về phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Trước đó, tháng 5/2016, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã có Công văn số 27/VPTT-TH gửi Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến xử lý vi phạm tại công ty Thuận Phong. Theo công văn, có 4 nội dung lớn cần được tiếp tục điều tra, làm rõ, bao gồm: Những nội dung liên quan đến dấu hiệu sản xuất, kinh doanh phân bón trái phép của công ty Thuận Phong theo quy định của Luật Doanh nghiệp; làm rõ dấu hiệu vi phạm của công ty Thuận Phong trong sản xuất, buôn bán phân bón giả về nhãn hàng hóa đối với phân bón có nguồn gốc nhập khẩu; làm rõ nội dung liên quan đến dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, buôn bán phân bón giả về công dụng đối với phân bón có nguồn gốc nhập khẩu; làm rõ dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, buôn bán phân bón giả về chất lượng đối với phân bón sản xuất trong nước (19/29 mẫu)…

 


Diễn đàn doanh nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường