Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng cao chất lượng và giá trị cây có múi
05 | 12 | 2017
Đó là mục tiêu chính được đề cập đến trong chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi” tại Diễn đàn Khuyến nông nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh tổ chức.

Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, đây là nhóm cây đặc sản, có giá trị hàng hóa, với diện tích khoảng trên 16.200ha. Trong đó, cam có gần 10.000ha, tập trung chủ yếu ở Nghệ An và Hà Tĩnh (4.000ha/tỉnh) với các giống chủ yếu: cam Xã Đoài, cam Vân Du, cam V2, cam chanh…; bưởi có trên 5.100ha, tập trung lớn nhất tại Hà Tĩnh (khoảng 2.000ha), với giống chủ yếu là Phúc Trạch, bưởi Thanh Trà… 

Tuy nhiên, tình trạng  sản xuất cây ăn quả có múi nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm thiếu đồng đều; cơ cấu giống địa phương là chủ yếu, hạn chế trong chế biến nông nghiệp; tỷ lệ cây giống sạch bệnh, chất lượng tốt đưa ra sản xuất đại trà còn thấp; giá thành cao, an toàn thực phẩm hạn chế; thị trường chủ yếu là nội địa, lượng xuất khẩu khiêm tốn.

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, để phát triển cây ăn quả có múi theo hướng giá trị cao, đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất, cần tập trung thâm canh, tăng năng suất chất lượng áp dụng quy trình VietGAP; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến…

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển cây ăn quả có múi, những năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung khuyến khích người dân mạnh dạn phát triển các diện tích trồng cam, đến nay toàn tỉnh có trên 5.000ha trồng cam chanh, hơn 1.000ha trồng cam bù, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Để thay đổi tập quán canh tác, hướng tới nền sản xuất an toàn giúp cam Hà Tĩnh vươn tới những thị trường lớn, trong 2 năm liên tiếp (2016 - 2017), Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà. Trung tâm tỉnh cũng xây dựng 30ha thí điểm trồng cam theo mô hình tổ hợp tác. Mỗi tổ hợp tác có 10 hộ trên 10ha cho đến thời điểm hiện tại tất cả các tổ hợp tác này đều được xác nhận đạt chuẩn VietGAP.

Mô hình trồng cam VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang.

Hà Tĩnh hiện đang quy hoạch từ 12.000- 14.000ha cây ăn quả có múi, việc hoạch định sản xuất đúng hướng chính là cốt lõi để nâng cao giá trị. Đặc biệt là các tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ về giống, quy trình kỹ thuật, bảo quản, chế biến và thị trường.

Tại diễn đàn, đại biểu cũng đã nghe các tham luận về quản lý sâu bệnh hại; một số tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất cây ăn quả; thực trạng phát triển cây ăn quả tại Hà Tĩnh; kinh nghiệm của các nhà vườn về giải pháp sản xuất hiệu quả cây ăn quả có múi; liên kết sản xuất- tiêu thụ cam, bưởi…Thông qua diễn đàn, nông dân có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm, phương pháp mới từ các chuyên gia, nhà khoa học… áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Trước đó, trong khuôn khổ Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2017, các đại biểu tham dự diễn đàn đã đi tham quan một số mô hình trồng cam tiêu biểu ở huyện Vũ Quang và huyện Hương Sơn.

Theo Kinh tế nông thôn



Báo cáo phân tích thị trường