Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn quy mô siêu lớn để giảm chi phí
08 | 02 | 2018
Được bao quanh bởi núi non tại vùng sâu vùng xa tây nam Trung Quốc, trang trại chăn nuôi lợn hiện đại, quy mô lớn đầu tiên của Xinguangan đang chuẩn bị sản xuất lứa lợn đầu tiên. Đến cuối năm 2018, 10.000 con lợn nái sẽ đuộc nuôi trong hai khu trại khổng lồ trên diện tích 73ha, sản xuất tới khoảng 280.000 con lợn thịt hàng năm, tương đương khoảng 20.000 tấn thịt lợn.

Trang trại quy mô lớn này, ngay cả khi so sánh với tiêu chuẩn Mỹ, là một trong những dự án chăn nuôi quy mô lớn kỷ lục sẽ được xây dựng tại Trung Quốc trong năm 2018 khi nước này chuyển đổi cấu trúc sản xuất thịt lợn từ các hộ gia đình quy mô nhỏ sang các trại nuôi lợn thâm canh, tự động hóa, giống như mô hình sử dụng rộng rãi tại Mỹ.

Một số ước tnsh cho rằng Trung Quốc có thể xây dựng một vài trang trại quy mô khoảng 5.000 – 8.000 con lợn nái trong năm 2018, nhiều hơn cả năm 2017, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi ngành sản xuât thịt lợn lớn nhất thế giới. Các trang trại lớn hơn, tiêu chuẩn hóa mạnh hơn cũng đang tạo dựng nền tảng cho một thị trường phát triển cao hơn, đặc biệt với sự kiện Trung Quốc phê chuẩn hợp đồng giao dịch lợn sống tương lai để giúp nông dân đối phó với rủi ro giá.

Nhưng cũng có những nghi ngờ về năng lực của Trung Quốc trong hiện thực hóa bước nhảy vọt từ các phương pháp chăn nuôi truyền thống, lạc hậu sang sản xuất công nghiệp công nghệ chế biến cao, xét đến thiếu lao động có kinh nghiệm và rủi ro dịch bệnh. “Công nghiệp hóa chưa từng diễn ra mạnh mẽ như hiện nay”, theo nhận định của Martin Jensen, đối tác điều hành tại Carthage & MHJ Agritech Consulting, hiện đang là tổ chức chuyên đào tạo nhân lực và người tiêu dùng tại Trung Quốc.

Cuộc đại tu diễn ra với hàng trăm ngàn hộ gia đình chăn nuôi nhỏ phải rời bỏ ngành do quy mô sản xuất quá nhỏ để có thể trang trải cho chi phí đáp ứng các tiêu chuẩn ô nhiễm mới. Diễn biến này tạo ra khoảng trống cho các trang trại siêu lớn, sử dụng các phương pháp mới và nguồn gene nhập khẩu để tăng năng suất và giảm chi phí. Sản lượng tăng từ các trang trại này sẽ giúp giải quyết phần nào tình trạng bất ổn giá thịt lợn tại Trung Quốc, tăng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và cải thiện tình trạng môi trường.

Về dài hạn, công cuộc chuyển đổi này có thể đưa các nhà sản xuất thịt lợn Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cung cấp sản phẩm thịt có giá cạnh tranh, chất lượng tốt cho các thị trường khu vực. Theo ông Fang Shijun, nghiên cứu trưởng tại hãng nghiên cứu Huitong Data, dự báo thặng dư thịt lợn giai đoạn 2018 – 2020 sẽ ngày càng tăng, do sản xuất tăng trong khi nhu cầu nội địa chậm lại.

Hiện đại hóa hoạt động chăn nuôi lợn của Trung Quốc đang diễn ra trên diện rộng. Hơn một nửa trong số gần 700 triệu con lợn xuất chuồng hàng năm đến từ các hộ chăn nuôi gia đình, với lượng giết mổ dưới 500 con hàng năm. Mặc dù nhiều hộ gia đình đã chuyển từ chăn nuôi lợn bằng thức ăn thừa sang đậu tương giàu protein, năng suất của các hộ chăn nuôi vẫn thấp hơn nhiều so với phương Tây. Chi phí chăn nuôi lợn tại Trung Quốc trong nhóm cao nhất thế giới do nước này phụ thuộc nặng nề vào nguồn đậu tương nhập khẩu.

Tuy nhiên, chính sách gần đây đã đẩy rất nhiều hộ chăn nuôi ra khỏi ngành. Chiến dịch chống ô nhiễm nông nghiệp trên toàn quốc tăng cường trong năm 2017, buộc hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi phải đóng cửa, chủ yếu do không có nguồn tài chính hoặc đất để lắp đặt các trang thiết bị xử lý chất thải. “Chúng tôi không ngờ việc triển khai lại nghiêm ngặt như vậy. Tác động là rất rõ ràng”, theo giáo sư khoa học động vật Wang Chuduan tại trường đại học nông nghiệp Trung Quốc.

Sự can thiệp của chính phủ vào sự phát triển của ngành này còn bao gồm việc khuyến khích mở rộng vành đai sản xuất ngô Đông Bắcm đồng thời hạn chế chăn nuôi tại các vùng duyên hải đông dân. Động thái này càng khuyến khích thêm hoạt động chăn nuôi thâm canh của các doanh nghiệp nông nghiệp mới, cộng với nguồn tiền từ thị trường chứng khoán và giá lợn cao kỷ lục hồi năm 2016. Từ năm 2016, gần 70 tỷ NDT (10,94 tỷ USD) đã được đầu tư vào các trang trại mới theo tuyên bố của 26 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, theo các nhà phân tích tại ZhuE.

Nguồn gene nhập khẩu đang giúp tăng năng suất. Lợn giống cung cấp bởi Genus đến từ Anh và các nhà cung cấp khác đến từ Canada, Pháp và Mỹ giúp tăng PSY, tăng lượng thịt nạc và tăng trưởng nhanh hơn giống lợn bản địa Trung Quốc.

Genus, nhà cung cấp lợn thương hiệu PIC cho các doanh nghiệp như Xinguangan, báo cáo lợi nhuận tăng 80% tại thị trường Trung Quốc trong năm tài khóa 2017 và hiện đang tăng cường sản xuất lợn giống tại trang trại mới ở miền nam Trung Quốc để bổ sung thêm 3 cơ sở sản xuất tại nước này. “Chúng tôi đang không đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu. Các đơn hàng đang gửi đến, không có đủ người để làm”, theo David Casey, giám đốc chất lượng sản phẩm tại châu  Á của Genus cho hay. Ông lấy ví dụ một khách hàng mới muốn xây dựng các trại nuôi quy mô 5.000 lợn nái trong năm nay và đặt hàng 35.000 con lợn nái vào tháng 9/2018.

Có nguồn giống tốt thì cũng yêu cầu thực hành chăm sóc tốt. Tại trang trại Wuxuan, các kỹ thuật viên trong một phòng thí nghiện đang kiểm tra nghiêm ngặt các mẫu từ mỗi đợt tinh dịch thu thập từ các lứa lợn đực, kiểm tra mức di động và các chỉ số khác giúp tăng cơ hội sinh sản. Các lứa lợn đực chất lượng cao có thể phối với 200 lợn nái, gấp đôi mức trung bình tại Trung Quốc nhờ các hoạt động nghiên cứu phòng thí nghiệm như vậy.

Doanh nghiệp chăn nuôi lợn đang mở rộng nhanh Guangxi Yangxiang cũng đang thay thế đàn lợn đực vào cuối mỗi năm, thay vì 2 – 3 năm một lần như các nhà sản xuất khác. “Điều này giúp đảm bảo các lứa lợn giống chúng tôi sử dụng đều là lứa mới nhất, qua đó nguồn gene liên tục cải thiện”, theo phó chủ tịch Guangxi Yangxiang Gao Yuanfei cho hay.

Sự mở rộng nhanh chóng như vậy có thể đặt ra nhiều rủi ro. Chi phí đầu tư cao, đặc biệt là dưới các luật môi trường mới như hiện nay. Nông dân phải bỏ ra 30 NDT/lợn nái chỉ để xử lý chất thải, theo giáo sư Wang cho biết.

Ngăn ngừa dịch bệnh cũng là thách thức tại Trung Quốc, nơi các dịch bệnh vốn đã được giải quyết tại các nước khác, vẫn diễn ra phổ biến và số lượng lớn vật nuôi sống gần người làm tăng rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Một khi dịch bệnh xâm nhập vào các trang trại chăn nuôi lớn, có thể khiến hàng trăm vật nuôi bị chết hàng ngày. Ngay cả những trại nuôi sử dụng nguồn lợn nái mới cũng bị tác động bởi dịch bệnh, làm giảm nguồn cung vốn đã không đáp ứng đủ cầu. Phần lớn các trại nuôi đều thiếu lao động được đào tạo. “Chăn nuôi lợn không còn như trước đây và nông dân cần có kiến thức”.

Phần lớn nhân viên của Xinguangan đều tốt nghiệp đạ học nhưng ngay cả vậy, nhận thức về thú y vẫn rất thấp, theo nhà tư vấn thú y Hong Haozhou từ Carthage & MHJ Agritech. Thuốc không phải luôn luôn được dùng đúng cách và các biện pháp đa dạng sinh học không phải luôn tập trung vào những rủi ro lớn nhất. “Từ khía cạnh cơ sở hạ tầng thì không mấy khác biệt so với các trang trại ở phương Tây, như hệ thống cho ăn tự động, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, quạt tự động. Nhưng các vấn đề nội bộ, như thiếu hiểu biết về sự phát triển lành mạnh của lợn, lại là vấn đề lớn”.

Hiện tại, Xinguangan đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Công nhân dành 48h kiểm dịch trước khi bước vào trang trại để ngăn ngừa sự phát tán dịch bệnh và sau đó làm việc tại địa bàn nhiều tuần mỗi lần.

Lợn con từ các trại lợn nái sẽ được đưa đến các địa điểm tách biệt để vỗ béo, nhằm giảm rủi ro phát tán dịch bệnh giữa các vật nuôi, càng khiến hoạt động quản lý trở nên phức tạp hơn.

Theo Reuters (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường