Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn
04 | 05 | 2008
Ước tính, mỗi năm người dân Hà Nội cần hơn 60.000 tấn thịt lợn; 20.000 tấn thịt trâu, bò; 10.000 tấn thịt gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay ngành Chăn nuôi thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thịt lợn; 20% thịt trâu, bò và 30% thịt gia cầm, còn lại từ nhiều nơi chuyển về. Để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, thành phố đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại và thu được kết quả ban đầu.
Hiện nay, toàn thành phố có 5.000 trang trại chăn nuôi, tập trung ở Đông Anh và Sóc Sơn, với quy mô phổ biến từ 10 đến 50 đầu lợn nái, 200-500 lợn thịt, 10-15 bò sữa, 2000 con gà đẻ, hoặc hàng vạn gà thịt trang trại. Trong đó, một số trang trại có quy mô lớn với khoảng 200 lợn nái, 1.000 lợn thịt, hoặc 5.000 gà đẻ trở lên.

Do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, vệ sinh thú y, nên chất lượng, năng suất chăn nuôi ngày càng tăng. Được biết, hơn 70% đàn lợn của thành phố là lợn siêu nạc. Gà siêu thịt, siêu trứng, vịt thịt cao sản được nuôi phổ biến ở các trang trại cũng như vùng chăn nuôi phát triển. Những cơ sở sản xuất thực phẩm chất lượng cao, an toàn cung ứng nguyên liệu cho các đơn vị chế biến đã từng bước hình thành. Không những đời sống kinh tế, thu nhập của người chăn nuôi được cải thiện mà còn đáp ứng phần nào thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi ở ngoại thành còn không ít tồn tại, như: quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, vệ sinh thú y chưa tốt, nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp...Trong khi đó, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Giá thực phẩm không ổn định. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến chăn nuôi.

Dự báo trong những năm tới, Hà Nội cần hơn 100.000 tấn thịt lợn; 30.000 tấn thịt trâu, bò; 300 triệu quả trứng, 100.000 tấn sữa, 30.000 tấn cá tươi/năm. Để bảo đảm cung ứng đủ nguồn thực phẩm an toàn, thành phố chủ trương trong giai đoạn 2008-2010 sẽ xây dựng một số cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm. Như vậy, vùng nguyên liệu dồi dào phục vụ cho các cơ sở giết mổ, chế biến là rất cần thiết.

Theo ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội, thành phố cần sớm công bố quy hoạch phát triển nông nghiệp ổn định trong vòng 15-20 năm để xây dựng khu phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung phát triển nuôi lợn nạc, gà công nghiệp, vịt đẻ, nuôi cá. Việc thực hiện vệ sinh thú y, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Hà Nội cần có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng khu chế biến, giết mổ gia súc gắn với hệ thống siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm sạch để tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chợ, trung tâm thương mại nên hỗ trợ cho cửa hàng bán thực phẩm sạch. Để cung cấp cho thị trường thực phẩm an toàn, Hà Nội cũng cần có cơ chế ưu tiên cho các HTX, câu lạc bộ chăn nuôi... mở cửa hàng tại chợ, trung tâm thương mại.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường