“Tăng trưởng kinh tế quý 1 đã kéo dài động lực tăng trưởng kinh tế mạnh từ nửa cuối năm 2017, và với mức tăng trưởng quý 1 thường thấp, diễn biến tăng trưởng quý 1/2018 cho thấy một tốc độ tăng mạnh”, ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) phát biểu trước báo giới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2010, đạt 6,81% nhờ doanh thu xuất khẩu cao kỷ lục và các cải cách kinh tế của chính phủ. Dữ liệu công bố hôm 29/3 cho thấy ngành công nghiệp và chế biến tăng trưởng 13,56% trong quý 1/2018, chủ yếu nhờ sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp, như Samsung, tăng mạnh. Samsung hiện sản xuất phần lớn điện thoại tại các nhà máy ở Việt Nam.
Trong quý 1/2018, xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại của Việt Nam tăng mạnh 58,8% so với cùng kỳ năm 2017. Thặng dư thương mại quý 1/2018 đạt 1,3 tỷ USD.
Nông lâm thủy sản cũng có tăng trưởng cao trong quý 1/2018, với mức tăng 4,05% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là lần đầu tiên trong 13 năm ngành nông lâm thủy sản có mức tăng trưởng vượt 4%, chủ yếu nhờ sản xuất gạo và gia cầm, theo ông Dương Mạnh Hùng, trưởng phòng phụ trách tài khoản quốc gia của GSO cho hay.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới và nước sản xuất cà phê lớn thứ 2. Xuất khẩu gạo trong quý 1/2018 của Việt Nam dự báo tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017 lên 1,35 triệu tấn, mang về 668 triệu USD, tăng 23,8% trong cùng kỳ so sánh.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong quý 1/2018 ước tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, lên 510.000 tấn, tương đương 8,5 triệu bao loại 60kg, GSO công bố. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cà phê giảm 3,7% xuống còn 989 triệu USD trong quý 1/2018. Xuất khẩu cà phê tháng 3/2018 của Việt Nam ước đạt 180.000 tấn, trị giá 347 triệu USD.
Lạm phát trung bình năm trong quý 1/2018 là 2,82%, GSO cho biết. Lạm phát của Việt Nam năm 2018 có thể vượt mức 4% do chính phủ đề ra nếu giá dầu, thực phẩm và thịt lợn tăng vào cuối năm. Việt Nam đặt mục tieu tăng trưởng năm 2018 ở mức 6,7%. Ông Lâm cho rằng mục tiêu này vẫn là một thách thức, bất chấp tăng trưởng mạnh trong quý 1 do nền kinh tế chi phối bởi xuất khẩu như Việt Nam gặp nhiều rủi ro trước các biến động thị trường quốc tế. “Mục tiêu tăng trưởng 6,7% không đơn giản đạt được mà vẫn là một thách thức, yêu cầu những nỗ lực toàn diện của tất cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp” ông Lâm phát biểu.
Theo Reuters (gappingworld.com)