Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản hữu cơ tìm lối vào Mỹ, Pháp
29 | 03 | 2018
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang xây dựng sản phẩm theo những tiêu chí cao để tìm cơ hội tham gia vào sân chơi quốc tế.

Xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe nên cơ hội cho thực phẩm hữu cơ cực kỳ lớn. Mỹ và các nước EU cũng rất chuộng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đã có một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản hữu cơ sang các thị trường này nhưng còn đơn lẻ, quy mô nhỏ, chủ yếu thăm dò thị trường.

Không có hàng để bán

Nổi tiếng với các sản phẩm chế biến từ gạo, mới đây Công ty CP Thực phẩm Bích Chi (tỉnh Đồng Tháp) "âm thầm" xuất hiện trong danh sách các DN Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Chứng nhận này là "giấy thông hành" để Bích Chi bán bánh tráng hữu cơ vào Mỹ với giá cao gấp 2 lần bánh tráng thường. 

Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã xuất khẩu thử vài lô gạo đi Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) với giá khá tốt. Theo ông Phạm Thái Bình, giám đốc công ty, nhu cầu tiêu dùng gạo hữu cơ tại châu Âu khá lớn nhưng công ty chưa dám chào bán rộng rãi vì không có hàng bán. Hiện Trung An có 100 ha trồng lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế, sản lượng ít nên trước mắt ưu tiên cho thị trường nội địa.

Đã xây dựng được thương hiệu tại thị trường Mỹ và Trung Quốc nhưng đến nay, Công ty Vinamit chỉ mới bán khoảng 100-200 tấn hàng hữu cơ sang 2 thị trường này. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết hiện công ty chưa dám nhận đơn hàng nhiều hơn vì ngại rủi ro. Vinamit cũng tham gia chào hàng vào Pháp nhưng chủ yếu đi để biết nhu cầu thị trường chứ không đủ năng lực sản xuất để cung ứng. 

"Năng lực của mình đến đâu thì kết nối thị trường đến đó. Giá sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đang rẻ so với một số nước nhưng nếu xuất khẩu dạng tươi sống thì rẻ cũng hóa mắc, làm sản phẩm sơ chế hoặc tinh chế sẽ có lợi nhuận tốt hơn" - ông Viên cho biết.

Đại diện Công ty CP Thương mại Dịch vụ Mùa (sở hữu hệ thống cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ Organica) cho biết về nông sản hữu cơ, khách nước ngoài quan tâm nhiều đến các mặt hàng từ Việt Nam gồm: hạt điều, tiêu, dầu dừa, gừng, nghệ… Hiện Organica chỉ mới trồng được gừng và nghệ nhưng sản lượng còn rất thấp trong khi khách yêu cầu cả container nên không dám nhận đơn hàng. 

"Đặc điểm của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam hiện nay là quy mô còn nhỏ, chi phí đầu tư ban đầu lớn, giá thành cao. Nếu có được chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư từ nhà nước thì sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia với quy mô sản xuất lớn, giá thành hạ sẽ tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam. Hiện các nước nhập khẩu đều tăng hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên nông sản thường sẽ khó xuất khẩu hơn trong khi hàng hữu cơ thì không phải lo về vấn đề này" - đại diện Organica phân tích.

Một số sản phẩm chế biến từ gạo hữu cơ chuẩn bị xuất khẩu đi Nhật. Ảnh: NGỌC ÁNH

Cần xây dựng thị trường

Theo các DN, nông sản hữu cơ Việt Nam đang có nhiều cơ hội ở EU vì đây là thị trường lớn, ổn định; phía EU cũng đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng về nông nghiệp hữu cơ, nếu DN Việt chịu khó thì sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, gia nhập và phát triển ổn định với họ. Tuy nhiên nếu để DN làm riêng lẻ, tự mò mẫm tìm thị trường, đối tác thì cơ hội thành công không cao mà cần có sự dẫn dắt, tổ chức của các cơ quan xúc tiến thương mại. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, nếu các cơ quan hoặc tổ chức đứng ra tiên phong xây dựng thị trường cho DN hữu cơ, làm cầu nối đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường thế giới thì khách hàng quốc tế sẽ biết đến sản phẩm hữu cơ Việt Nam nhiều hơn, cơ hội bán hàng qua đó sẽ tăng lên.

Ông Võ Minh Khải - Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú Organic và Healthy Food, người đã theo đuổi nông nghiệp hữu cơ gần 10 năm nay và đã xuất khẩu gạo hữu cơ sang một số thị trường - đánh giá nhu cầu thực phẩm hữu cơ trên thế giới đang tăng mạnh nhưng không dễ để chen chân vào thị trường này. 

Theo ông Khải, đa số nhà nhập khẩu muốn DN Việt gia công hoặc bán "xá" cho họ, trong khi đó để xây dựng thương hiệu hữu cơ trên thế giới đòi hỏi bước đi dài và tốn kém vì ngoài chi phí, thời gian, DN phải có được sản lượng đủ lớn. DN cần thận trọng tìm hiểu nhu cầu, đánh giá vị trí của sản phẩm Việt Nam đang ở đâu để từ đó có sự chuẩn bị, điều chỉnh phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, hiện giá thu mua nông sản hữu cơ không cao như nhà sản xuất Việt Nam kỳ vọng. Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - DN xuất khẩu thành công chuối đi Nhật thì tại Nhật, giá bán chuối hữu cơ chỉ cao hơn chuối VietGAP của công ty xuất khẩu sang từ 30%-40%. Đối với hạt điều, có nhiều nhà nhập khẩu tìm nguồn điều hữu cơ có chứng nhận quốc tế nhưng mua giá chỉ cao hơn hàng thường từ 5%-10% nên các DN trong nước không mặn mà đầu tư sản xuất. 

Nguồn: Báo Người Lao Động

 

 



Báo cáo phân tích thị trường