Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra giá sàn thu mua nông sản (MSP) cho hơn 10 mặt hàng nông sản nhằm đảm bảo MSP sẽ đạt ít nhất 1,5 lần giá thành sản xuất. Tuyên bố trên đánh dấu một bước chuyển dịch lớn trong cách tiếp cận của chính phủ sau khi đã duy trì mức tăng giá sàn thu mua trung bình chỉ ở mức 1 con số trong 3 năm qua. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa cho biết liệu chi phí sản xuất theo cách tính mới chỉ bao gồm chi phí đầu vào, hay toàn bộ chi phí mà nông dân phải trang trải.
Các tổ chức nông dân tại Ấn Độ từ lâu đã yêu cầu chính phủ xem xét cách tính giá thành sản xuất nông sản toàn diện hơn khi quyết định mức giá sàn MSP cho một loại nông sản. Thủ tướng Modi đang đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 5/2019, cho biết ngân sách dành cho MSP là một quyết định quan trọng nhằm đảm bảo nông dân sẽ có giá bán công bằng cho các sản phẩm nông sản của họ.
“Nếu tôi đi vào chi tiết của cách tính toán giá thành này, MSP sẽ bao gồm chi phí lao động của các lao động khác được sử dụng, chi phí vật nuôi tự có và chi phí vật nuôi và máy móc đi thuê, chi phí giống, chi phí mỗi loại phân bón sử dụng, chi phí thủy lợi, chi phí đất trả cho chính quyền bang, lãi suất vốn lưu động, chi phí thuê đất trong trường hợp đi thuê đất”, ông Modi phát biểu. “Và còn tính vào đó chi phí của chính nông dân hoặc bất cứ lao động gia đình khác đóng góp vào hoạt động sản xuất nông sản mà không được trả lương”.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc Ấn Độ nâng mức giá sàn MSP có thể làm tăng lạm phát và gây áp lực lên thâm hụt tài khóa. Chính sách này cũng có thể tác động xấu lên xuấ khẩu nếu giá nội địa tăng lên mức cao hơn giá quốc tế.
Theo Reuters (gappingworld.com)