Dù đây là điều kiện tất yếu trong xuất khẩu hàng hóa, nhưng việc một thị trường phổ thông như Trung Quốc đòi hỏi tiêu chuẩn cần thiết như vậy buộc các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam phải có bước chuẩn bị tốt và thận trọng hơn.
Thực tế hiện nay, phần lớn hoa quả từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, từ các lái buôn trung gian, thu mua từ nhiều nguồn của nông dân. Với phương thức này, hoa quả Việt Nam thường không được dán nhãn xuất xứ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các quy định xuất xứ của Trung Quốc không quá khắt khe, tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tránh chủ quan, không chú trọng chuẩn bị những điểm căn cơ cần thiết. Bởi rủi ro từ những rào cản kỹ thuật trong cạnh tranh hàng hóa là phức tạp và khó lường.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương đánh giá, những quy định mới từ Trung Quốc là biện pháp giúp bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Việc này các nước trên thế giới đều làm và Việt Nam hiện cũng đang thực hiện khi xuất khẩu sang các thị trường khác.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu ở Quảng Tây (Trung Quốc) làm thế nào để cung cấp các thông tin đó, đảm bảo được các mặt hàng được truy xuất nguồn gốc đầy đủ.
"Việc này có thể làm tăng chi phí của doanh nghiệp, tuy nhiên điều này là điều nên làm, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới kinh tế hội nhập", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, xuất khẩu rau quả từ Việt Nam năm 2017 đạt kim ngạch 3,5 tỉ USD, trong đó 70% lượng hàng được xuất khẩu sang nước láng giềng Trung Quốc.
Quảng Tây là một trong hai tỉnh của Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam, cũng là thị trường chính của hoa quả Việt Nam.
Quảng Tây cũng được coi là điểm trung chuyển cho hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam sang các tỉnh, thành phố Trung Quốc. Qua Quảng Tây, hoa quả Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường 1,4 tỉ dân./.
Theo VOV.VN