Theo đó, năm 2018, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước đạt 6,5-6,7%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt tối thiểu 3,0%,-3,05%, xuất khẩu đạt từ 40 - 40,5 tỷ USD, có 39,8% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và độ che phủ rừng đạt 41,65%.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng này trong năm nay cũng như duy trì được đà tăng trưởng của quý I, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến 2020 là giải pháp bao chùm nhất toàn ngành.
“Tuy nhiên, năm nay, giải pháp ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu là quan trọng nhất và tập trung nhất. Thậm chí được đặt trên cả các giải pháp về phòng chống thiên tai”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nguyên nhân bởi, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40-40,5 tỷ USD là rất cao. Trong khi đó, thị trường quốc tế đang ghi nhận có rất nhiều rủi ro.
”Những mối quan hệ thương mại thậm chí đã được các nguyên Thủ quốc gia gọi là “cuộc chiến thương mại”. Do đó, các thị trường lớn, trọng điểm của nông, lâm, thủy sản Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU… cũng đang có nhiều khó khăn”,Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Bộ NN&PTNT theo đó sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu gồm nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể. Đồng thời chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản.
Đặc biệt, năm nay, ngành sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thủy sản, nhất là chế biến rau quả và các sản phẩm chăn nuôi, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo enternews.vn