Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế - xã hội năm 2006 vẫn tăng trưởng mạnh
26 | 06 | 2007
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI sáng 17/10 đã khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhưng kinh tế-xã hội năm 2006 vẫn tăng trưởng mạnh, giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tăng 8,2%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 720 USD.
Nhìn tổng quát, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra. ^Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các cân đối lớn được bảo đảm và ổn định được kinh tế vĩ mô. Các lĩnh vực về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thông tin, dạy nghề, y tế, thể dục- thể thao và nhiều lĩnh vực xã hội khác cũng có chuyển biến tích cực.

Một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật như tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, khoảng 41% GDP, trong đó nguồn vốn của doanh nghiệp dân doanh chiếm gần 1/3; sản lượng lương thực đạt khoảng 40 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời duy trì xuất khẩu gạo năm thứ 2 liên tiếp đạt trên 5 triệu tấn với kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giữ ở mức khoảng 7-7,5%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Xuất khẩu hàng hoá được nhận định là tăng cả về số lượng, mặt hàng và thị trường, đưa tổng kim ngạch tăng khoảng 20% so với kế hoạch là 16,4%.

Cũng trong năm 2006, đã có 1,6 triệu lao động được tạo việc làm mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới được giảm xuống còn 19%.

Báo cáo cũng nêu rõ những chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính. Việc đơn giản hoá, công khai hoá các qui trình, thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp. Những chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước từ sau Đại hội X của Đảng đã tạo thêm lòng tin trong xã hội vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Về chỉ tiêu phát triển năm 2007, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8,2%-8,5%, đạt 1.130 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 70 tỷ USD), bình quân đầu người đạt khoảng 820 USD.

Đối với các lĩnh vực kinh tế cụ thể, nông–lâm–ngư nghiệp được dự kiến đạt giá trị tăng thêm 3,5-3,8%; công nghiệp và xây dựng 10,5-10,7%; ngành dịch vụ khoảng 8-8,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 45,2 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2006; nhập khẩu đạt trên 49 tỷ USD, tăng 15,5%.

Trong lĩnh vực xã hội, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới phấn đấu giảm xuống còn 17%, khoảng 1,6 triệu lao động được tạo việc làm mới; mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,3 phần nghìn; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn dưới 22,3%.

Về môi trường, các chỉ tiêu cụ thể được đặt ra cho năm 2007 là tỷ lệ dân số được cung cấp nước sách ở nông thôn đạt 67,2%, ở thành thị 80%; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 39%; tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 31%.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Chính phủ đã trình Quốc hội 4 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Một là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Hai là tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Ba là đẩy mạnh phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc về văn hoá, xã hội, môi trường.

Bốn là tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Sau phần trình bày của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Quốc hội lần lượt nghe các báo cáo của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội thẩm tra kết quả nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2006; các báo cáo về tình hình ngân sách và một số báo cáo chuyên đề khác.



(Nguồn tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường