Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những vấn đề nóng của kinh tế thế giới năm 2006 sẽ còn tiếp diễn sang 2007
10 | 07 | 2007
Năm 2006 đã qua nhưng những vấn đề nóng bỏng của nó vẫn còn đó. Đó là gia tăng sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu, sự tăng tốc thặng dư thương mại của Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Mỹ, những căng thẳng địa chính trị và những bế tắc trong vòng đàm phán Đôha. Những vấn đề này đang tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong năm 2007.
Trên thị trường hàng hoá, năm 2006 đánh dấu việc giá dầu, vàng và nhiều hàng hoá khác tăng tới mức cao kỷ lục của nhiều chục năm nay. Giá dầu thô tăng tới mức cao kỷ lục trên thị trường thế giới, gần 80 USD/thùng vào giữa tháng 7/2006 đã đẩy giá hàng hoá các loại đồng loạt lên mức kỷ lục cao của hơn 20 năm nay trên thị trường thế giới, đặc biệt là vàng và các kim loại khác. Giá vàng thế giới vượt 660 USD/ounce, mức cao nhất của 25 năm nay. Nguyên nhân giá dầu tăng do bạo loạn tại Nigeria, khủng hoảng hạt nhân tại Iran và tình hình địa chính trị căng thẳng tại nhiều khu vực khác trên thế giới. Giá dầu đã tăng gấp ba lần trong vòng bốn năm qua, đang làm tăng chi phí của các nhà máy, các hãng hàng không và các nhà máy ô tô. Tình trạng giá cả như vậy đã gây nguy cơ làm đảo lộn nền kinh tế thế giới vì nó sẽ tạo ra những mất cân đối trầm trọng cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm 2006, giá đồng loạt giảm. Giá dầu thô giảm mạnh khiến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải cắt giảm sản lượng để vực giá lên. Các nước xuất khẩu cao su thế giới cũng có giải pháp tương tự. Giá dầu tăng cao hay giảm thấp sẽ đều tác động xấu tới một số lớn quốc gia trên thế giới. Nhiều khả năng thị trường hàng hoá thế giới, đặc biệt là dầu mỏ, sẽ còn biến động mạnh trong năm 2007 vì những nguyên nhân sâu xa vẫn còn đó. Nhìn chung, ảnh hưởng của giá dầu cao khả năng sẽ lớn hơn nhiều so với giá dầu thấp, vì dầu mỏ tác động tới mọi mặt kinh tế toàn cầu, nên giá quá cao có thể gây giảm nhu cầu tiêu thụ hầu hết các loại hàng hoá, không những thế, nó còn làm cho thị trường tài chính - tiền tệ trở nên bất an, trì trệ. Xong khi giá dầu giảm quá thấp, các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ sẽ mất nguồn thu quan trọng, và nền kinh tế của họ sẽ lao đao.

Về tăng trưởng kinh tế, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế của 30 nước thành viên OECD tăng 3,2% trong năm 2006 và sẽ tăng 2,5% trong năm 2007, sau khi tăng 2,8% trong năm 2005. Những mất cân đối tài khoản vãng lai trên toàn cầu vẫn còn rất lớn, và có thể sẽ dẫn tới giảm mạnh giá trị đồng Đôla Mỹ, và chính điều đó có thể sẽ tác động trở lại làm tăng tỷ lệ lãi suất và giảm mạnh giá nhà đất trên toàn cầu. Năm 2006, giá nhà đất ở Mỹ và một số nước khác như Đan Mạch, Pháp và Tây Ban Nha cao “bất thường”. Dự báo khi giá nhà đất giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của những quốc này cũng giảm xuống. Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,3% năm 2006 và sẽ tăng 2,4% năm tới. OECD cho rằng tăng trưởng chậm lại ở Mỹ sẽ không có ảnh hưởng lớn tới những nơi khác. Với nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, OECD dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì tỷ lệ lãi suất ở 5,27% trong năm 2007 trước khi giảm xuống 4,75% voà năm 2008 khi áp lực lạm phát giảm xuống. OECD dự báo thị trường nhà đất Mỹ chậm lại sẽ giúp hạn chế chi phí tiêu dùng và góp phần thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai hiện đang rất cao. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – Nhật Bản, tăng trưởng 2,8% trong năm 2006 và dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm 2007. Dự kiến Ngân hàng Nhật Bản sẽ duy trì tỷ lệ lãi suất 0,25% cho tới quý III/2007, sau đó sẽ tăng dần tới 1% vào cuối 2008. Kinh tế khu vực đồng Euro năm 2006 tăng trưởng 2,6% và dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm 2007. Dự báo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tăng tỷ lệ lãi suất lên 3,75% vào giữa 2007 so với 3,5% hiện nay, và sẽ lên 4% vào năm 2008. Khu vực này sẽ có tăng trưởng ổn định và lạm phát vừa phải, mặc dù Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - được dự báo sẽ gia tăng lạm phát do tăng thuế bán lẻ và thuế VAT kể từ ngày 1/1/2007.

Triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2007, là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng khá, nhờ các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng manh, kinh tế Liên minh châu Âu thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ảm đạm, kinh tế Nhật Bản vượt qua giai đoạn suy thoái, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại. Trung Quốc sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trên toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số. Kinh tế Ấn Độ sẽ tăng tốc, theo sát Trung Quốc. Kinh tế khu vực Mỹ Latinh sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, nhờ môi trường kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, tại Brazil, nền kinh tế chiếm đến 40% tổng thu nhập của khu vực Mỹ Latin, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn ở mức khiêm tốn 3,5% bởi sự ảnh hưởng của Chính phủ đối với nền kinh tế vẫn còn quá lớn. Còn tại châu Phi, Các vấn đề chính trị ở nhiều quốc gia tại khu vực này vẫn nan giải, trong khi kinh tế tăng trưởng chậm chạp.

Tuy nhiên, còn không ít những rủi ro tiềm ẩn có thể làm thay đổi mạnh tình hình kinh tế thế giới. Ngoài những vấn đề như khủng bố hay bạo lực ở nhiều điểm nóng trên thế giới, có thể kể đến một số yếu tố sẽ có tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế thế giới không chỉ năm 2007 mà còn những năm tiếp theo đó. Đó là dịch cúm gia cầm, sự mất cân đối kinh tế toàn cầu, giá dầu tăng cao và lãi suất tăng. Ngoài ra, sự mất cân đối thanh toán toàn cầu cũng có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.



Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường